Tuy vậy, thiên tai luôn là những điều khó dự báo nhất và cũng mang đến những hậu quả khó lường nhất. Nước ta thuộc khu vực thường xuyên bị bão tố (trung bình khoảng 10 cơn bão/năm). Khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất là miền Trung và Bắc Trung Bộ. Từ những khó khăn thực tế này, cũng dễ nhận thấy người dân nơi đây luôn có tinh thần phòng ngừa, ứng phó với mưa bão tốt hơn các vùng. Ngược lại, nhiều địa phương khác lại chủ quan hơn với mối họa thiên tai.
Ngay từ chiều 5-9, vẫn còn hàng trăm người dân đang ở các đảo xa, nhiều tàu thuyền chưa về bến, dù các cơ quan khí tượng cảnh báo 24 giờ tới, bão sẽ đổ bộ bất cứ lúc nào. Do đó, không riêng các cơ quan chức năng mà mọi người dân cần ý thức rõ được vấn đề sinh tử trước thiên tai là cơn bão Yagi đã được xác nhận là cực mạnh. Nên nhớ, trong 10 năm qua, mỗi năm chúng ta luôn có khoảng 300 người chết và mất tích vì thiên tai.
Thật ra, công tác ứng phó với bão tố trong cuộc sống hiện đại ở các quốc gia gần như giống nhau, nhất là cùng khu vực địa lý. Bước đầu là cảnh báo về mức độ nguy hiểm. Từ đó đặt ra tình trạng ứng phó tương ứng, huy động các lực lượng tham gia, chuẩn bị lương thực, vật tư y tế… Điều khác nhau và thường mang ý nghĩa sinh tồn chính là kỹ năng và ý thức của từng cá nhân trong hoạn nạn.
Nhật Bản là quốc gia được vây bọc xung quanh là biển. Mỗi năm họ nhận khoảng 20 cơn bão và thường là có khoảng 3-5 cơn bão rất lớn. Sự khắc nghiệt này dạy phần lớn người dân ven biển một thói quen rất lạ và hữu hiệu: Ra biển họ thường mang những bình gốm đựng thức ăn hoặc nước. Khi gặp bão bất ngờ, chính những chiếc bình này sẽ là nơi trữ thực phẩm và giúp họ nổi trên nước. Đây là hình thái đầy đủ của túi sinh tồn hiện đại, chỉ khác về chất liệu.
Một số cơ quan nghiên cứu châu Âu đúc kết kinh nghiệm tuyệt vời của cá nhân phòng chống bão của người Nhật gồm: Sự chuẩn bị cực kỳ kỹ càng. Các trường học và nhà văn phòng thường xuyên diễn tập khẩn cấp để bất cứ lúc nào cũng có thể ứng phó với tình huống bất lợi, kể cả là một cậu học trò lớp 1. Kế tiếp là họ biết sợ hãi và dự phòng cho các tình huống. Công trình kiến trúc và dân dụng luôn được thiết kế để chống thiên tai, tổ chức thoát hiểm và chịu được tác động mạnh. Những vấn đề trên giúp họ thích nghi với hoàn cảnh và ngày càng mạnh mẽ quá các bài học bắt buộc từ sự phẫn nộ của thiên nhiên.
Philippines cũng thế. Ngoài cách ứng phó căn bản như các quốc gia khác, trong các đợt bão vừa qua, họ đã sử dụng tất cả các mạng xã hội, mạng điện thoại di động để liên tục cảnh báo người dân và du khách khi có bão bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau…
Những bài học sinh tồn trong thiên tai không bao giờ thừa. Cũng như các quốc gia khác, chúng ta luôn ứng phó với thiên tai, thích nghi với thiên tai và từ đây mới có thể nói đến sống chung hòa thuận với thiên nhiên và tận dụng được cả những lợi ích mà thiên nhiên mang đến.
Theo Hồ Phi (NLĐO)