Yếu ở ý thức người dân hay trách nhiệm của nhà quản lý?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mũ bảo hiểm (MBH) giả, kém chất lượng có lẽ là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây. Các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã vào cuộc một cách quyết liệt trong việc kiểm tra, xử phạt những cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm. Thế nhưng vẫn còn đó tình trạng bày bán MBH giả tràn lan khắp phố, nhiều người dân vẫn cứ thản nhiên đội những chiếc mũ thiếu an toàn khi tham gia giao thông… Liệu việc sử dụng, kinh doanh MBH không đảm bảo chất lượng có hoàn toàn do ý thức của người dân hay một phần cũng bởi sự thiếu mạnh tay, triệt để của các nhà quản lý?

“Chúng tôi cũng muốn đội mũ chất lượng lắm chứ!”

Hầu như những người lao động nghèo đều trả lời với phóng viên như vậy khi được hỏi về chiếc mũ kém chất lượng mà họ đang sử dụng. Điều đó cho thấy, nhiều người dân vẫn ý thức được rằng, đội MBH giả, kém chất lượng là vi phạm, là không an toàn cho bản thân và gia đình. Thế nhưng, họ vẫn phải mua và sử dụng những chiếc mũ không đúng quy chuẩn vì điều kiện kinh tế của họ không cho phép. Theo tìm hiểu của phóng viên, một số loại mũ có thương hiệu nổi tiếng trên thị trường như: Index, Sonic, Honda, Amôz, Andes, Azura... của Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan... có giá bán trên thị trường từ 200.000 đồng đến trên 2 triệu đồng. Và, đối với những lao động nghèo có thu nhập thấp, những chiếc mũ như thế được họ coi là quá xa xỉ.
 

Một chiếc mũ bảo hiểm chất lượng dường như là quá khó đối với những người lao động nghèo có thu nhập thấp. Ảnh: Hồng Thi

Hành nghề xe ôm tại Trung tâm Thương mại TP. Pleiku đã trên chục năm, ông Nguyễn Đình Quang (65 tuổi, ngụ phường Yên Đỗ, TP. Pleiku) bộc bạch rằng, khoản tiền chạy xe chỉ đủ để gia đình ông trang trải cuộc sống hàng ngày chứ chẳng dư dả được. Đó là chưa kể đến việc xăng tăng giá liên tục trong thời gian qua khiến ông Quang nói riêng và cánh xe ôm nói chung đã khó lại càng gặp khó hơn, bởi tăng giá thì khách không đi mà giữ nguyên giá cũ thì lại thiệt mình. Ông Quang trăn trở: “Ai mà chẳng muốn đội mũ chất lượng nhưng với thu nhập ít ỏi ngày có ngày không thế này, cơm còn chưa chắc đủ bữa huống gì là bỏ mấy trăm ngàn ra mua một cái mũ xịn cho bản thân và cả cho khách”.

Còn anh Thành (phường Ia Kring, TP. Pleiku), vừa bốc vác hàng hóa vừa bức xúc: “Chung quy lại những chiếc MBH giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường cũng là do việc chạy đua theo lợi nhuận của các nhà sản xuất cũng như sự quản lý không nghiêm của các ngành chức năng mà ra. Những người lao động trình độ văn hóa thấp như chúng tôi nếu có bỏ khoản tiền lớn để mua đi chăng nữa thì thử hỏi mấy ai phân biệt được mũ nào là đảm bảo còn mũ nào là kém chất lượng?”

Tất nhiên, chúng ta không thể phủ nhận thực trạng nhiều người dân vẫn còn ý thức kém, đội MBH chỉ nhằm mục đích đối phó với lực lượng cảnh sát giao thông. Không mấy đắn đo về giá cả MBH nhưng lại rất quan tâm về hình thức, mẫu mã gọn nhẹ, bắt mắt rồi mới đến các tiêu chuẩn khác như: nguồn gốc, xuất xứ, độ đảm bảo an toàn của mũ… là tâm lý chung vẫn còn tồn tại ở nhiều người dân Phố núi. Cầm trên tay chiếc MBH (đúng hơn là nón thời trang) mới toanh vừa “tậu” được tại một quầy hàng vỉa hè trên đường Hùng Vương (đoạn đối diện với Công ty Điện lực Gia Lai), chị Lan (phường Trà Bá, TP. Pleiku) tỏ ra rất hài lòng vì mẫu mã đẹp, giá cả lại rẻ (50.000 đồng). Khi nghe phóng viên hỏi về nhãn mác, xuất xứ của món hàng vừa mua, chị Lan nói: “Mấy cái hàng bán lề đường thì làm gì có nhãn mác, dạo này cũng nghe nói đội mũ dởm sẽ bị xử phạt này nọ nhưng chưa thấy. Thôi thì từ từ tính, giờ cứ đội mũ này đã”.
 

Mũ bảo hiểm kém chất lượng vẫn được bày bán tràn lan tại Trung tâm Thương mại TP. Pleiku. Ảnh: Hồng Thi

Với những đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống và trình độ dân trí còn thấp thì ý thức cũng như hiểu biết về việc sử dụng một chiếc MBH an toàn hầu như không có. Họ chỉ nghĩ đơn giản như lời chia sẻ của chị Buk Yin (làng Lang, phường Chi Lăng, TP. Pleiku), rằng: “Đội mấy cái mũ này tiện cho việc đi nương rẫy, lại nhẹ đầu, để trên xe máy dựng ở khắp mọi nơi cũng không bị mất trộm”.

Nhà quản lý và bài toán “trách nhiệm”

Hiện nay, trên địa bàn TP. Pleiku nói riêng và toàn tỉnh nói chung, tình trạng sử dụng cũng như kinh doanh MBH không đảm bảo chất lượng vẫn còn phổ biến. Bên cạnh vấn đề về ý thức, nhiều người cũng quy thành bài toán trách nhiệm cho các cơ quan chức năng và nhà quản lý.

Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 8-3-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH khi tham gia giao thông; Công văn số 334 của Cục Quản lý Thị trường về việc thực hiện đợt cao điểm kiểm tra hoạt động sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh MBH cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện từ ngày 20-3-2013 đến ngày 20-4-2013, Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh đã triển khai kế hoạch và tập trung lực lượng vào cuộc.

Trong ngày “ra quân” đầu tiên (19-3), Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh đã huy động 10 đội Quản lý Thị trường địa bàn và 1 đội lưu động tiến hành kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh MBH trên toàn địa bàn tỉnh (Gia Lai chưa có cơ sở sản xuất và phân phối). Trong đó, tập trung kiểm tra về các nội dung như: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; hàng hóa và các hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc hàng hóa; chất lượng hợp chuẩn, hợp quy và việc chấp hành quy chế ghi nhãn, sở hữu công nghệ của hàng hóa MBH; việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết…

Gần đây nhất là đợt “đột kích” vào các ngày 28, 29-3 tại các huyện: Chư Sê, Đak Đoa, thị xã An Khê và TP. Pleiku. Sau khi nhận được Công văn của Bộ Khoa học và Công nghệ, Công văn chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 27-3 Sở Khoa học và Công nghệ đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, gồm: Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ); thanh tra Sở Công thương, Sở Giao thông-Vận tải, Sở Khoa học và Công nghệ; lực lượng Công an, đại điện Ban Chỉ đạo 127… tiến hành kiểm tra bất ngờ các cơ sở kinh doanh MBH tại các địa phương nói trên.

Qua những đợt kiểm tra, các lỗi vi phạm chủ yếu là không thực hiện việc niêm yết giá đúng quy định, không có hóa đơn, chứng từ và nhãn mác, xuất xứ… Các cơ quan chức năng đã lập biên bản xử lý một số trường hợp vi phạm, tạm giữ số MBH không có nguồn gốc, hóa đơn, chứng từ rõ ràng.

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, xử lý, các ngành chức năng cũng gặp không ít những khó khăn. Ông Nguyễn Ngọc Mai-Chi Cục Phó Chi cục Quản lý Thị trường tỉnh, cho hay: “Nan giải nhất hiện nay là việc xử lý các đối tượng buôn bán MBH di động tại các khu chợ và vỉa hè. Khi phát hiện, phương án duy nhất là bắt họ hủy tại chỗ. Thế nhưng, xử lý theo cách đó không đủ sức thuyết phục vì MBH chẳng phải là hàng cấm, và trong chốc lát, mình chưa thể kiểm tra hết tất cả các khâu theo quy định. Còn nếu tạm giữ chờ họ đến trình hóa đơn, chứng từ để phạt thì càng “phiêu lưu”, bởi họ là những người sống nay đây mai đó, hơn nữa, họ thà bỏ đi một số vốn chứ không bao giờ chịu nộp phạt”.
 

Các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh MBH trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Hồng Thi

Ngoài ra, ông Mai còn cho biết thêm: Công tác kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh (có địa chỉ cụ thể) cũng không thể nào triệt để. Bởi lẽ, khi hay tin lực lượng chức năng kiểm tra ở một cửa hàng nào đó, thì các tiệm khác đều lo giấu hết MBH kém chất lượng đi. Để giải quyết tình trạng này, chúng tôi giao trực tiếp cho các đội quản lý địa bàn theo dõi và xử lý.

Bên cạnh đó, thực hiện Kế hoạch số 47của Ủy ban ATGT Quốc gia ngày 11-3-2013 về việc tổ chức chiến dịch tuyên truyền và cao điểm xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH, Ban ATGT tỉnh cũng đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền từ ngày 15-3 đến ngày 15-6 với khẩu hiệu “Đội MBH đạt chuẩn để bảo vệ chính mình”. Nội dung tuyên truyền gồm: Các quy định xử phạt hành vi vi phạm trong việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh buôn bán MBH không đạt chuẩn chất lượng, mũ giả mạo MBH; cách nhận biết, phân biệt mũ giả mạo MBH và MBH đạt chuẩn theo quy định của pháp luật; cách sử dụng mũ bảo hiểm theo quy định của pháp luật khi tham gia giao thông; cảnh báo các tác hại và hậu quả của việc sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ giả mạo mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

Có thể nói rằng, để hạn chế và tiến tới giải quyết triệt để tình trạng sản xuất, kinh doanh và sử dụng MBH giả, kém chất lượng, các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong việc giám sát tất cả các khâu từ sản xuất đến phân phối lưu thông. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân, nhất là người lao động nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số để họ có thể tự kiểm định được MBH đảm bảo chất lượng là như thế nào. Ít ra, tất cả người dân phải ý thức được chiếc mũ mà mình mua phải đầy đủ ba bộ phận gồm: Vỏ nhựa, đệm hấp thụ xung lực và quai đeo. Dẫu biết, để làm được điều đó không phải là chuyện một sớm một chiều và cần sự nỗ lực, phối hợp rất lớn của các cấp, các ngành cũng như người dân.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm