(GLO)- Những con thú rừng trúng bẫy bị những vết thương chí tử được anh Vũ Văn Tuyền (phường Yên Thế, TP. Pleiku) tìm cách mua hoặc xin về chữa lành rồi thả về môi trường sống tự nhiên. Hành động của anh từ chỗ không được ai ủng hộ, giờ đã có thêm những sự đồng cảm, đồng hành của mọi người.
Giải cứu và chữa lành vết thương
“7-8 năm trước, khi đi trại ong (anh Tuyền làm nghề nuôi ong-P.V), tôi thấy mọi người bẫy khỉ rất nhiều. Xót cho số phận những chú khỉ, tôi tìm cách mua về, chữa lành vết thương rồi tìm môi trường tự nhiên phù hợp thả chúng về lại với rừng. Sau này, không chỉ mua khỉ, hễ thấy thú rừng bị trúng bẫy, tôi đều mua về tìm cách chữa trị, chăm sóc đến khi chúng hồi phục hoàn toàn mới thả chúng về với tự nhiên”-anh Tuyền mở đầu câu chuyện.
Anh Vũ Văn Tuyền. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Mới đây nhất, anh đã chữa lành vết thương rất nặng cho con khỉ Lốp. Anh kể: “Nhận tin báo về trường hợp con khỉ đuôi dài bị thương nặng, tôi liên hệ với một số tổ chức, trong đó có tổ chức bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam nhưng không nhận được sự giúp đỡ. Họ nói đây không phải là loài cần bảo vệ khẩn cấp. Tôi định bỏ cuộc nhưng nghe con gái 5 tuổi nói: “Bố ơi, bố cứu con khỉ đi” thì tôi lập tức lên đường. Để rút ngắn một nửa thời gian di chuyển, tôi quyết định chọn đi theo con đường tắt trong rừng dù biết rất nguy hiểm. Tới nơi, tôi tiếp nhận một chú khỉ chi trước đã bị hoại tử. Tôi chạm nhẹ vào nó và vuốt ve để làm dịu nỗi sợ hãi của chú khỉ. Sau đó, tôi đưa nó về TP. Pleiku nhờ một người bạn là bác sĩ thú y phẫu thuật cắt bỏ phần chân hoại tử. Rất khó khăn chúng tôi mới cứu sống được nó. Tôi đặt tên chú khỉ là Lốp vì địa điểm cứu là ở xã Ia Lốp và tôi bị hư một chiếc lốp xe trong quá trình đi giải cứu”. Gần 1 năm chăm sóc, chú khỉ hồi phục hoàn toàn, anh Tuyền liên hệ với Ban Quản lý Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh thả về với tự nhiên.
Anh Tuyền không nhớ đã giải cứu bao nhiêu con khỉ và các loài động vật khác. Riêng loài khỉ, có năm anh cứu hàng chục con. Anh đặt tên cho chúng là Tây (cứu ở xã Hà Tây), Ve (cứu ở xã Đak Tơ Ve), Đen (cứu ở Măng Đen)… Nhiều loài thú rừng quý hiếm được anh cứu sống, chữa lành vết thương thả về rừng, trong đó có sóc bay, khỉ đuôi lợn là những động vật quý hiếm đang được ưu tiên bảo tồn quốc gia. “Tất cả các con vật khi đến tay tôi đều trong tình trạng yếu ớt, vết thương rất nặng, cụt chi trước, chi sau. Có những con khi bế chúng trên tay chỉ là một cơ thể mềm oặt gần như không còn sự sống phải mất nhiều thời gian chăm sóc mới phục hồi. Theo kinh nghiệm của tôi là do chúng bị trúng 2-3 loại bẫy liền nhau: trúng bẫy dọc xong lại bị bẫy kẹp, rồi bẫy thòng lọng. Những chiếc bẫy do con người tạo ra để bẫy thú rừng ngày càng có độ sát thương cao. Con vật đã trúng bẫy thì không thể thoát”.
Chú khỉ Lốp trong tình trạng yếu ớt được anh Vũ Văn Tuyền đưa về cứu chữa. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Để cứu sống những con vật bị thương, anh lên mạng internet mày mò học hỏi kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm trên các hội, nhóm cứu hộ động vật hoang dã để có cách chữa trị, chăm sóc cho từng loài. Vài năm gần đây, khi đã quen với việc anh đưa động vật hoang dã tới phẫu thuật, chữa trị vết thương nặng, chị Thuần-một bác sĩ thú y ở Pleiku và một số bác sĩ thú y khác đã giúp sức, những ca phẫu thuật tốn kém chỉ lấy số tiền tượng trưng, có khi chữa miễn phí. Anh Tuyền chia sẻ: “Phần lớn những con vật được thả về với môi trường tự nhiên đều trong tình trạng “thương binh” nên tôi luôn cố gắng tìm môi trường tự nhiên an toàn và thầm cầu mong chúng được bình an. Chỉ cần mỗi người có chút tình cảm với động vật, tôi tin sẽ chấm dứt việc săn bắn, đặt bẫy, chấm dứt việc ăn thịt thú rừng”.
“Nối vòng tay lớn”
10 năm tham gia giải cứu động vật hoang dã, nhiều người biết đến việc làm của anh Tuyền. Càng ngày anh nhận được nhiều cuộc gọi báo có những động vật hoang dã dính bẫy cần được giải cứu. Nhưng lực bất tòng tâm, anh buộc phải bỏ qua nhiều trường hợp vì công việc quá bận rộn cũng như khả năng không kham xuể. Điều anh luôn đau đáu là cần có một tổ chức tiếp nhận, cứu hộ động vật hoang dã tại địa phương. Hiện tại, người dân khi biết thông tin về động vật bị dính bẫy muốn giải cứu nhưng không biết liên hệ ở đâu. Anh trăn trở: “Không riêng gì Gia Lai mà gần như ở Việt Nam, những tổ chức nhận cứu hộ động vật hoang dã vẫn còn rất ít, thủ tục tiếp nhận nhiều khi rất nhiêu khê. Tôi từng nhiều lần bị từ chối vì có tổ chức cho rằng loài vật tôi cứu không nằm trong danh mục bảo vệ khẩn cấp. Nhiều lần tôi gọi tới chỗ này, chỗ kia để nhờ họ tiếp nhận, giúp mình thực hiện khâu tiếp theo là tái thả về rừng nhưng hầu như không nơi nào nhận nên tôi tự làm hết mọi việc. Hành trình giải cứu, tái thả động vật hoang dã nhiều khi rất vất vả, tốn thời gian, nhất là tái thả loài trăn. Chúng là giống vật rất hiền nhưng tìm được môi trường sống phù hợp rất khó. Có những con nặng vài chục ký, quá trình mang chúng đi cũng rất gian nan”. Năm 2017, anh Tuyền đã cứu sống 8 con trăn, sau đó liên hệ với Ban Quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) để thả tất cả về môi trường tự nhiên.
Những chú khỉ quấn quýt anh Vũ Văn Tuyền sau thời gian được anh chăm sóc. Ảnh: Hoàng Ngọc |
Anh Tuyền chia sẻ: Mặc dù Nhà nước đã cấm săn bắt, ăn thịt động vật hoang dã, nhưng từ quy định đến thực thi còn rất xa. Anh mong muốn ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc bảo vệ động vật hoang dã. Làm sao khi thả động vật về rừng chúng có thể hòa nhập được, không bị bắt lại. Bởi rừng tự nhiên bị thu hẹp, thức ăn hiếm dần. Nhiều loài vật ngày càng tiến gần lại với môi trường sống của con người để tìm kiếm nguồn thức ăn nên càng có nguy cơ bị con người săn bắt, sát hại. Dù vậy, anh vẫn tin nếu cộng đồng “nối vòng tay lớn” sẽ tạo được hàng rào để bảo vệ động vật hoang dã. Trước đây, mỗi lần liên hệ với một nơi nào đó để thả động vật về rừng rất gian nan, nhưng nay tôi nhận được sự giúp đỡ của các ban quản lý vườn quốc gia, lực lượng Kiểm lâm tại địa phương. Việc giải cứu cũng có nhiều người ủng hộ hơn. Nhiều em học sinh thấy cha mẹ mua thú rừng về ăn thịt cũng gọi cho tôi nhờ giải cứu. Bản thân các em cũng thuyết phục cha mẹ không ăn thịt động vật hoang dã. Gần đây, tôi thấy tín hiệu mừng là giảm hiện tượng đánh bẫy và thả bẫy. Có nhiều người dân bắt được khỉ đã tự thả về lại môi trường tự nhiên.
HOÀNG NGỌC