Phóng sự - Ký sự

100 năm làng chài bên bến 'Người tình'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bên bến sông gần ngôi nhà phát xuất bộ phim Người tình (L’Amant) nổi tiếng ở phố cổ Sa Đéc có làng chài đã hơn 100 năm lênh đênh theo con nước phù sa...
Những mẻ lưới đã được truyền đời kéo trên đoạn sông này hơn 100 năm qua - Ảnh THÀNH NHƠN
Truyền đời mần nghề cá, tụi tui phải biết ơn sông nước. Đánh bắt nhưng cũng phải biết giữ gìn, bảo vệ nguồn cá để con cháu đời sau còn có cái mà ăn.
Ông VÕ VĂN PHƯỚC
Dọc con đường nhỏ rợp bóng hoa phượng dẫn ra phà Sa Đéc, xóm chài nhỏ hiện lên với nét đẹp đời thường. Những người làm nghề "bà cậu" chai sạm nắng mưa không rõ làng ghe có từ bao giờ, nhưng ít nhất là từ đời cố đến đời nội ngoại của mình đã lênh đênh buông chài trên nhánh sông Tiền này.
Đời cá, đời người
"Hôm nay cá thất, chỉ khoảng 50kg. Trừ tiền xăng dầu thì không còn lời bao nhiêu" - ông Võ Văn Phước (63 tuổi) chủ ghe, vừa đưa từng thau cá dưới ghe lên bờ vừa thở dốc, cho biết.
Những thau cá vừa cập bến lập tức được chuyển ngay cho chị em đang đợi sẵn trên bờ. Cá cơm, lòng tong tươi xanh nhảy xoi xói được phân loại để thương lái ghé lấy.
Theo ông Phước, những ngày trúng đậm thì một ghe lưới có thể thu được từ 200 - 300kg cá các loại. Hôm nào "xui xui" gặp con nước thất thì chỉ đem về 20 - 30kg cá, chủ ghe lỗ tiền xăng dầu.
"Xóm chài này có từ khi nào?". Ông Phước đưa mắt nhìn ra sông, hồi tưởng: "Tui cũng không biết từ khi nào, nhưng đời ông nội tui đã mần nghề lưới rồi. Nếu ổng chưa mất thì nay đã hơn 100 tuổi. Chòm xóm quanh đây nhiều cụ lão niên cũng từng truyền đời kiếm sống trên ghe".
45 năm theo nghề, ông Phước gắn bó đời mình qua bao con nước lớn, nước ròng. Nhớ chuyện ông nội kể, ông Phước tâm sự bận xưa dân miệt này hay dùng cây sao để đóng đáy, nhưng tàu bè qua lại hay vướng nên chính quyền cấm hẳn. Sau này, ngư dân không cắm cây nữa mà thả neo, dùng thùng phuy và dây để giăng lưới đáy.
"Người ta quy định chặt chẽ chiều sâu miệng đáy cũng như khoảng cách đánh bắt từ bờ ra xa bao nhiêu để chừa đường cho tàu ghe qua lại" - ông Phước chia sẻ.
Một chiều mưa bụi, chúng tôi ngồi trên ghe ông Đậu Văn Quyết (50 tuổi) ra thăm miệng đáy. Đôi tay rắn chắc, ông cùng một người nữa nhanh chóng kéo lưới, đổ cá vào từng chiếc thau. Ghe tròng trành, hôm nay ông trúng đậm.
"Chuyến này khá, nước chảy mạnh, cá nhiều" - ông Quyết rổn rảng nói rồi nhanh chóng chạy ghe đưa cá vào bờ cho vợ.
"Nghề này cũng hên xui, trúng con nước với luồng cá thì ra vô thăm đáy liền liền, được mấy thau cá bự khẳm ghe. Nhưng năm ngày mười bữa mới bắt được cá mè, cá sủ, cá cóc bự 3-5kg" - ông Quyết cho biết ngày thường thả lưới được khoảng 50 - 60kg.
Lâu lâu "vô mánh", ghe "dính" hơn trăm ký cá ngon. Bữa nào "trời không thương" thì chỉ lèo tèo vào ký cá tạp, có khi chẳng đủ tiền dầu.
Nghề làm lưới cũng không có thời gian cố định mà phụ thuộc con nước. Khi thấy nước bắt đầu hừng lớn thì họ dong ghe ra trải miệng đáy rồi chừng một tiếng sau ra đổ đụt (đổ cá từ lưới đáy vào thau - PV). Trung bình một con nước kéo dài 5 đến 6 tiếng, tùy lượng cá nhiều hay ít mà chủ ghe quyết định thời gian giãn cách giữa các chuyến thăm đáy.
"Nhiều khi nửa đêm hoặc hừng sáng con nước lên là phải đi thăm đáy. Giờ giấc không cố định nên lúc nào nước xuống thì tranh thủ nghỉ ngơi, đặng còn chuẩn bị cho con nước tiếp theo" - ông Quyết kể.
Mỗi năm thợ chài chỉ có thể đánh bắt cá từ tháng 11 đến tháng 5 âm lịch, đó là thời điểm trước khi lũ về. Sau đó, các ngư dân này tận dụng thời gian nghỉ để sửa ghe, vá lưới hoặc làm "thợ đụng" bất cứ việc gì mà đầu trên xóm dưới cần.
"Thu nhập từ lưới cá cũng thất thường, có khi vài triệu đồng, có khi chỉ hai, ba trăm ngàn mỗi ngày. Bởi chỉ làm 6 tháng nên mình phải tranh thủ dành dụm cho 6 tháng neo ghe" - ông Quyết tâm sự.
Đặc biệt, mỗi gia đình đều "cát cứ" ở một đoạn sông nhất định nên không có tình trạng thấy chỗ nào làm ăn "trúng mánh" thì đưa miệng đáy đến đó. "Dân chài ở đây có ai không biết mặt nhau đâu, toàn họ hàng trong nhà. Chỗ ai người nấy mần, chứ không tranh giành" - ông Quyết khẳng định.
Phụ nữ lựa cá bên bờ sông Sa Đéc - Ảnh: T.NHƠN
"Chén cơm" của nhiều người
Kể chuyện nghề, ông Võ Văn Phước chặc lưỡi: "Ngày xưa cá nhiều, lâu lâu dính được cá sủ, cá thu nước ngọt, chứ giờ toàn cá lòng tong, cá cơm thôi. Lượng cá cũng chỉ còn bằng 1/10 so với cách đây vài năm".
Tuy vậy, họ vẫn gắn bó với xóm chài này như cái duyên với nghề. Đàn ông trải miệng đáy, đổ đụt và đem cá vào bờ, cánh phụ nữ đảm nhận phân loại cá. Những thau cá lớn nhỏ được phân loại rồi bán cho tiểu thương tại đó hoặc mang đến các chợ trong khu vực.
Cá lòng tong, cá cơm sau khi phân loại được đưa nhanh vào thùng đá. "Mấy con cá này mau đỏ bụng lắm, không đưa đá ướp lạnh là ươn liền. Lái chê, chỉ bán giá như cá tạp thôi" - bà Bùi Thị Bé Tám (58 tuổi) chia sẻ.
Theo bà Tám, cá cơm lớn, cá lòng tong được thương lái đến lấy mỗi ngày với giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg chưa làm sẵn, và 100.000 đồng/kg đối với cá đã được làm tại chỗ. Trong khi đó, cá tạp được ủ mắm hoặc bán lại cho các chủ bè cá làm thức ăn cho cá nuôi.
Ở "chợ" bán cá nhỏ dọc đường ra phà Sa Đéc, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (53 tuổi) đã hơn chục năm bán cá cho khách qua đường. Bà cũng có đứa con theo nghề lưới đáy. Nhiều năm nay, mỗi ngày bà đều chờ ghe lưới của con trai cập bến, lựa cá rồi đem bán sỉ cho thương lái. Để có đồng ra đồng vào, bà dành một ít cá bán lẻ cho khách dọc đường.
"Không giàu có gì nhưng cũng sống được với nghề này. Cá tươi đánh bắt ngay tại chỗ nên khách đi đường khoái, thường hay ghé ủng hộ. Như hôm nào ở chợ bán chậm thì cũng còn lời chút ít từ chỗ bán lẻ này" - bà bày tỏ.
Chợ cá chiều vãn dần, mọi người về nhà sau một ngày mệt nhoài. Phố cổ Sa Đéc dần lên đèn và ngôi nhà cổ trong phim Người tình vẫn trầm lặng chất chứa chuyện xưa bên bờ sông...
Từng bán cá cho gia tộc Huỳnh Thủy Lê
Công tử Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc trong phim Người tình - Ảnh tư liệu
"Ba tui kể xóm chài này đã có từ trước khi ổng biết mặc quần đùi tắm mưa, tức phải trước những năm 1920. Bận xưa đó, cá mú trên sông nhiều vô kể. Người ta bắt được những con cá tra dầu, cá hô, cá leo bự như cái mình con nghé là bình thường.
Còn cá nhỏ thì nhiều khi kéo rách lưới, phải cắt bỏ, mà có cố đưa lên làm mắm, phơi khô ăn cũng không kịp..." - ông Trần Văn Bảy, 81 tuổi, cựu giáo chức ở Sa Đéc, tâm sự.
Đã về Sài Gòn từ trước năm 1975 nhưng ông Bảy vẫn nhớ ngôi nhà khởi phát chuyện phim Người tình (L’Amant) ở bến sông Sa Đéc. Bởi cha ông Bảy khi lớn lên đã làm nghề chài và có nhiều lần bán cá ngon cho nhà ông Huỳnh Thủy Lê, tức nhân vật nam trong phim Người tình.
"Tui không biết ông Lê bao nhiêu tuổi, nhưng ba tui xưng bằng anh. Cha con ổng là nhà buôn gốc Hoa giàu sang, hào phóng bậc nhứt ở Sa Đéc, có lần cho tui giày và bánh kẹo khi ba dẫn tui đi bán cá cho nhà ổng" - ông Bảy nhớ lại.
QUỐC MINH
THÀNH NHƠN - DIỆU QUÍ (TTO)

Có thể bạn quan tâm