Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

115 năm Ngày sinh đồng chí Phạm Văn Đồng (1906-2021): Phạm Văn Đồng - Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Gần một thế kỷ của cuộc đời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tận lực cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, được các tầng lớp nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế yêu mến và kính trọng.
 

Thủ tướng Phạm Văn Đồng và các chiến sỹ công an nhân dân trong ngày ngành Công an đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (5/1/1980). Ảnh tư liệu: Kim Hùng/TTXVN


94 tuổi đời, 75 năm hoạt động cách mạng liên tục, 41 năm là Ủy viên Trung ương Đảng, 35 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, 32 năm là Thủ tướng Chính phủ, 10 năm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Phạm Văn Đồng đã cống hiến trọn đời cho đất nước, mang hết nhiệt tình, tài năng và trí tuệ phục vụ cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đồng chí cũng luôn tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng, vào tương lai tươi sáng của đất nước.

Người học trò xuất sắc, cộng sự gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đồng chí Phạm Văn Đồng, bí danh là Tô, sinh ngày 1/3/1906 trong một gia đình công chức tại xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi và mất ngày 29/4/2000, tại Thủ đô Hà Nội.

Vào những năm đầu thế kỷ XX, khi còn là một thanh niên, đồng chí Phạm Văn Đồng đã sớm giác ngộ cách mạng, đã biết đến lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và tìm hiểu tư tưởng cách mạng của Người thông qua sách báo được truyền bá vào Việt Nam lúc bấy giờ như báo “Người cùng khổ”, “Nhân đạo”, “Tạp chí thư tín quốc tế”…

Năm 1926, đồng chí được sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức và trực tiếp giảng dạy. Đây là một bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí. Đồng chí đã nhanh chóng tiếp thu những tư tưởng mới - con đường cách mạng vô sản, và được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Cũng từ đó, đồng chí có điều kiện gặp gỡ nhiều hơn với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Ý chí cách mạng, lý tưởng cộng sản và tinh thần yêu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã ảnh hưởng sâu sắc tới tình cảm và lý tưởng của đồng chí, biến đồng chí từ một thanh niên yêu nước trở thành một chiến sĩ cách mạng chân chính.

Đầu năm 1940, khi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chuẩn bị về nước lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Người đã giao cho đồng chí Phạm Văn Đồng những nhiệm vụ quan trọng. Cũng từ đây, bắt đầu một thời kỳ dài gần 30 năm (cho tới khi Bác mất), đồng chí Phạm Văn Đồng thường xuyên làm việc bên Bác, theo sự chỉ dẫn và phân công của Người.

Là một trong những cán bộ tiền bối, được Bác Hồ trực tiếp giáo dục và rèn luyện, đồng chí Phạm Văn Đồng đã trở thành người học trò xuất sắc, một cộng sự gần gũi và thân thiết của Bác Hồ. Đồng chí thể hiện những phẩm chất cao quý của một người cộng sản trung kiên, mẫu mực, đó là đức tính: Tận trung với nước, tận hiếu với dân; dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm; Cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; chống quan liêu, tham ô, lãng phí; nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, nhân cách; có tấm lòng nhân ái, bao dung…

Người cộng sản kiên cường, mẫu mực, suốt đời đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Trong suốt 15 năm đầu đi theo con đường cách mạng (1926-1940), đồng chí luôn vượt qua mọi khó khăn, gian nguy, mang hết nhiệt tình, tài năng và trí tuệ của mình cống hiến cho cách mạng với niềm tin sắt đá vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Trước ngày kháng chiến toàn quốc bùng nổ đến tháng 1/1949, đồng chí là Đặc phái viên của Trung ương Đảng và Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ. Đồng chí đã có những cống hiến và sáng tạo trong việc xây dựng vùng tự do Nam-Ngãi-Bình-Phú, xây dựng và củng cố căn cứ địa kháng chiến, thực hiện khẩu hiệu tự lực cánh sinh, chuẩn bị thực lực cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Đồng chí còn chỉ đạo việc thành lập và trực tiếp giảng dạy tại Trường Trung học Bình dân Nam Trung Bộ.

Khoảng tháng 2/1949, đồng chí được điều động trở lại công tác tại Việt Bắc được bổ sung làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, sau đó là Phó Thủ tướng Chính phủ. Từ năm 1951 đến 1986, được bầu vào Bộ Chính trị. Từ năm 1955 đến 1987, đồng chí được Đảng và Nhà nước giao trọng trách Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí còn kiêm nhiệm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng trong những năm 1954-1955. Trong thời gian từ 1986-1997, đồng chí là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Dù ở cương vị nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và giữ cách sống mẫu mực của một đảng viên cộng sản chân chính theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí luôn là tấm gương mẫu mực về một người cán bộ lãnh đạo, tận tâm tận lực, vì dân, vì nước, liên khiết, khiêm tốn, giản dị, gần gũi với nhân dân.

Tháng 5/1999, dù tuổi cao, sức khỏe không còn tốt, đồng chí vẫn gửi đến Tạp chí Cộng sản bài viết "Nêu cao danh hiệu Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam". Với ngòi bút sắc sảo của mình, đồng chí đã chỉ rõ những mặt yếu kém cần sửa chữa, khắc phục, với tinh thần thấy rõ sự thật, nói đúng sự thật, nói hết sự thật, nghiêm khắc và sắc bén làm nổi rõ những gì phải giải quyết, đồng thời đưa ra những biện pháp giải quyết thiết thực và hiệu quả. Những lời tâm huyết từ đáy lòng của người chiến sĩ cách mạng lão thành đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp đấu tranh của Đảng của dân tộc, đã có sức lay động con tim độc giả. Bài viết đã gây được sự chú ý của dư luận trong những ngày đầu cuộc vận động triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương VI (lần 2).

Nhà lãnh đạo xuất sắc

Trong hai cuộc kháng chiến cứu quốc, trên cương vị Phó Thủ tướng rồi Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phạm Văn Đồng đã lo tổ chức một bộ máy Nhà nước gọn nhẹ, ít tốn kém mà có hiệu quả, tích cực phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế; đảm bảo cuộc sống của nhân dân; huy động sức người, sức của cho kháng chiến; tăng cường sức mạnh và sự an toàn hậu phương của chiến tranh; tổ chức tốt công tác chi viện cho tiền tuyến.

Sau khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng chí rất trăn trở trước những khó khăn của đất nước. Đồng chí đã chỉ đạo cho cán bộ đi khảo sát “khoán chui” trong nông nghiệp ở Hải Phòng. Đồng chí trực tiếp làm việc với cán bộ lãnh đạo Hải Phòng và kết luận cái được, cái chưa được trong cơ chế khoán này. Đó là tiền đề cho Chỉ thị của Đảng về khoán hộ trong nông nghiệp ở thời kỳ đổi mới, một giải pháp hiệu quả cho nền nông nghiệp nước nhà. Cũng thời gian này, đồng chí đã đồng ý cho Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng biện pháp mới trong cơ chế sản xuất công nghiệp và từng bước tổng kết. Từ đó đã ra đời các Quyết định 25/CP và 26/CP của Chính phủ, mở ra cơ chế mới trong sản xuất kinh doanh, từng bước xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp. Đó là những bước đầu của tư tưởng đổi mới.

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, đồng chí khẳng định: Đổi mới là xây dựng đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, là dân giàu, là xây dựng một nền văn hóa mới, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Với phong cách làm việc gắn kết chặt chẽ giữa tư duy lý luận sắc bén với thực tiễn sinh động, đồng chí đã thể hiện là một người lãnh đạo kinh tế đổi mới, người quản lý thông thái, đầy năng động và sáng tạo. Đồng chí rất nghiêm khắc đòi hỏi ở bản thân và mọi người phải làm việc thực sự có hiệu quả, năng suất, chất lượng; phải thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí. Những năm 1976-1985, ở cương vị lãnh đạo, xây dựng nền kinh tế trên phạm vi cả nước, đồng chí đã lo tập trung giải quyết những vấn đề trọng yếu, cấp thiết của đất nước ở tầm vĩ mô nhằm thực hiện tốt các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong lĩnh vực đối ngoại, đồng chí là một nhà ngoại giao tài năng, có uy tín lớn trên thế giới; nhìn xa thấy rộng, tinh tế và linh hoạt, kiên cường và mềm dẻo, ứng xử nhanh nhạy, sáng tạo, luôn thể hiện lập trường chính trị sáng suốt trước mọi diễn biến của thời cuộc và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh. Đồng chí là Trưởng đoàn Việt Nam tham dự nhiều Hội nghị quốc tế, giải quyết những vấn đề không chỉ của Việt Nam mà còn liên quan đến nhiều nước, nhiều phong trào ở khu vực và quốc tế, như: Hội nghị Fontainebleau (1946), Hội nghị Geneva (1954), Hội nghị các nước Á - Phi họp ở Indonesia (1955), các Hội nghị cấp cao của Phong trào không liên kết…

Trong những năm lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng chí tham gia vào việc hoạch định đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

Gần một thế kỷ của cuộc đời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tận lực cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, được các tầng lớp nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế yêu mến và kính trọng. Là một nhà lãnh có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước ta, công lao, nhân cách của Thủ tướng mãi là tấm gương sáng để các thế hệ con cháu tôn vinh và học tập.


 

 

https://danviet.vn/115-nam-ngay-sinh-dong-chi-pham-van-dong-1906-2021-pham-van-dong-nha-lanh-dao-xuat-sac-cua-dang-20210301083628289.htm

 

Theo Minh Duyên (baotintuc.vn/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm