(GLO)- Phát triển đảng viên là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của công tác xây dựng Đảng, trong đó cần coi trọng phát triển nguồn đảng viên trẻ với lực lượng là học sinh, sinh viên. “Ươm mầm” những “hạt giống đỏ” trong các trường phổ thông là một trong những nhiệm vụ của xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng gắn với nhiệm vụ dạy và học của nhà trường.
Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 25-7-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa” đã đặt ra mục tiêu “Phấn đấu đạt tỷ lệ ít nhất 70% đảng viên mới được kết nạp từ đoàn viên”. Với lực lượng đoàn viên nòng cốt là học sinh, trường học chính là mảnh đất nhiều tiềm năng để “ươm mầm” những “hạt giống đỏ”.
Phát triển đảng viên trong học sinh các trường phổ thông là một trong những nội dung của Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 30-5-1998 của Bộ Chính trị khóa VIII về “Tăng cường công tác chính trị tư tưởng; củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong các trường học”. Việc kết nạp đảng viên là học sinh sẽ góp phần trẻ hóa đội ngũ đảng viên, bổ sung nguồn lực trí tuệ cho Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng.
Chi bộ Trường THPT Pleiku tổ chức lễ kết nạp đảng viên là học sinh lớp 12. Ảnh: Hà Đức Thành |
Từ năm 2015, triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020” theo Quyết định số 1501/QĐ-TTg ngày 28-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ, ngành Giáo dục Gia Lai đã quan tâm chỉ đạo công tác phát triển Đảng trong học sinh các trường phổ thông. Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ công tác giáo dục chính trị, công tác học sinh, sinh viên hàng năm đều chỉ đạo các đơn vị trường THPT chú trọng phát hiện và bồi dưỡng học sinh tiêu biểu, xuất sắc thông qua các phong trào Đoàn-Hội, hoạt động học tập, rèn luyện để tạo nguồn kết nạp vào Đảng.
Năm học 2020-2021, với sự chỉ đạo quyết liệt của Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường THPT đã có sự quan tâm, đẩy mạnh công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên. Số lượng đảng viên mới kết nạp tăng hơn nhiều so với các năm học trước. Trong thời gian qua, các đơn vị làm tốt công tác phát triển Đảng trong học sinh có thể kể đến Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (huyện Chư Păh), THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Chư Sê), THPT chuyên Hùng Vương, THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai).
Tuy nhiên, qua tổng kết quá trình triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020” có thể thấy rằng công tác bồi dưỡng kết nạp đảng viên trong học sinh ở các trường THPT trên địa bàn còn nhiều hạn chế, số lượng đảng viên là học sinh được kết nạp còn thấp. Bên cạnh những đơn vị làm tốt vẫn còn nhiều đơn vị chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác phát triển đảng viên là học sinh; chưa coi trọng công tác tạo nguồn để bồi dưỡng nhận thức về Đảng; chưa chú trọng xem xét lý lịch học sinh trước khi phát triển dẫn đến sau thời gian bồi dưỡng lại không kết nạp được vì lý lịch không đảm bảo, chưa đủ tuổi theo quy định; một số nhà trường chưa quan tâm đúng mức, chưa tạo được môi trường để học sinh tu dưỡng, rèn luyện và phấn đấu vào Đảng; công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cho học sinh chưa thường xuyên, thiếu sâu sắc dẫn đến tình trạng ở một số cơ sở giáo dục, có những học sinh ưu tú, có khả năng phát triển Đảng nhưng lại không muốn đứng vào hàng ngũ của Đảng...
Để thực hiện tốt công tác phát triển đảng viên là học sinh ở trường phổ thông trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng trong nhà trường cần tiếp tục thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, đội ngũ đảng viên trong chi bộ về việc phát triển đảng viên, nâng cao chất lượng đảng viên trong học sinh.
Hai là, quán triệt nắm vững những quan điểm, nguyên tắc xây dựng Đảng, bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị và đặc điểm của học sinh để xác định chương trình, kế hoạch phát triển đảng viên trong học sinh. Trong phát triển đảng viên cần chú ý xác định đối tượng trước hết phải tập trung vào những học sinh ưu tú là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn; học sinh có nhiều cống hiến trong các phong trào của nhà trường, phong trào của Đoàn và các hoạt động của tập thể; học sinh là con em cán bộ, đảng viên, con em các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và những học sinh ưu tú tâm huyết với Đảng.
Ba là, cấp ủy, tổ chức Đảng trong các trường phổ thông phải làm tốt tạo nguồn, chủ động phát hiện, bồi dưỡng phát triển đảng viên. Chỉ có tạo nguồn, bồi dưỡng tốt thì mới bổ sung được cho Đảng những người ưu tú nhất, tiêu biểu nhất, góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo, uy tín và sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Do vậy, các tổ chức Đảng cần chủ động có kế hoạch tạo nguồn, bồi dưỡng đối tượng kết nạp vào Đảng; phân công cấp ủy viên, các đoàn thể theo dõi, giúp đỡ.
Bốn là, phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các tổ chức trong nhà trường, các lực lượng tham gia công tác phát triển đảng viên trong học sinh. Trách nhiệm trước hết thuộc tổ chức Đảng trực tiếp là các cấp ủy trong nhà trường. Cấp ủy cơ sở chủ động xây dựng kế hoạch, giao cho các tổ chức đoàn thể tích cực bồi dưỡng, giới thiệu quần chúng ưu tú tham gia các lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng, đảm bảo về số lượng và chất lượng.
Năm là, phối hợp chặt chẽ với tổ chức Đoàn trong nhà trường nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị tư tưởng và các hoạt động Đoàn, qua đó lựa chọn, bồi dưỡng những học sinh ưu tú; giao việc và thử thách đủ mức, đồng thời xét duyệt đúng tiêu chuẩn, đúng nguyên tắc, đúng quy trình.
Thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp trên với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, công tác phát triển đảng viên trong học sinh ở các trường phổ thông sẽ có những chuyển biến tích cực cả về số lượng lẫn chất lượng trong thời gian đến.
LÊ DUY ĐỊNH
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo