(GLO)- Đối với ngay cả những người lính làm nhiệm vụ trực tiếp chiến đấu trên các chiến trường của Mặt trận B3 thì việc Pleiku được giải phóng hết sức nhanh gọn ngay trong ngày 17-3-1975 đến giờ vẫn là một bất ngờ lớn, một niềm vui, niềm tự hào lớn. Tìm gặp lại họ sau 40 năm, câu chuyện giữa chúng tôi được mở ra, ngập tràn xúc cảm. Ký ức về Pleiku những ngày đầu giải phóng thêm một lần được sống lại, trong rộn ngân những tiếng cười tin yêu và ấm áp.
Qua nhà báo Đức Thanh-một trong những người lính từng có thời gian chiến đấu giữa những ngày tháng 3-1975 lịch sử trong đội hình Trung đoàn 95 anh hùng, tôi có cơ hội được gặp gỡ, chuyện trò với những người lính quả cảm năm xưa. Cuộc gặp diễn ra ngay tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, dưới chân tượng đài Bác kính yêu. Đón tôi, người lính già Nguyễn Duy Mão (64 tuổi, hiện ở 355 Trần Phú, TP. Pleiku)-người Đại đội trưởng Đại đội 4 (đại đội trợ chiến của Tiểu đoàn Bộ binh 1, Trung đoàn 95) cho hay: Ngay từ đầu tháng 3-1975, đơn vị của ông đã nhận nhiệm vụ chiến lược là cắt đường 19, đoạn từ đèo Mang Yang lên Kon Dơng hòng chia cắt huyết mạch giao thông, không cho địch từ Bình Định di chuyển lên Pleiku, từ đó mà cắt nguồn chi viện của địch.
Học sinh thị xã Pleiku diễu hành chào mừng giải phóng (năm 1976). Ảnh tư liệu. |
Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là đánh sập cầu Phú Yên (khu vực thuộc xã Hà Ra, huyện Mang Yang ngày nay) và cầu Ayun (cách cầu Phú Yên khoảng 2 km) đồng thời cũng đánh các điểm chốt của địch ở 2 bên đường. Việc đánh sập cầu Phú Yên được giao cho Tiểu đoàn 1, lực lượng tham gia chính là Đại đội 1 và Đại đội 4; nhiệm vụ đánh sập cầu Ayun được giao cho Tiểu đoàn 3. Trong khi địch còn đang hoang mang, nhốn nháo tìm cách đối phó với Tiểu đoàn 1 và Tiểu đoàn 3 thì Tiểu đoàn 2 đã nhận nhiệm vụ hành quân từ dưới đèo Mang Yang lên tiến đánh khu gia binh (thuộc ngã ba Phù Đổng ngày nay). Lúc này, tin thắng trận từ Buôn Ma Thuột dồn dập báo về…
Ngồi nghe người đồng đội kể lại câu chuyện quần nhau với địch trên chiến địa cách đây tròn 40 năm, ông Hoàng Thìn (63 tuổi, hiện ở 21 Trần Đại Nghĩa, TP. Pleiku) dường như không giấu được nỗi xúc động. Nghe tôi nhắc đến tên mình, ông Thìn cười: “Năm 1975, đơn vị tôi 2 lần tổ chức cho bộ đội đón Tết đồng thời được bổ sung lực lượng lính trẻ từ ngoài Bắc vào. Sau này, khi bộ đội ta giải phóng Buôn Ma Thuột và tiếp quản Pleiku thì chúng tôi hiểu, đơn vị tôi lúc ấy thực hiện nhiệm vụ đánh nghi binh, một mặt hỗ trợ cho các đơn vị khác đánh vào mục tiêu lớn, một mặt khiến cho địch tin là quân cách mạng đánh vào Pleiku chứ không mở hướng sang Buôn Ma Thuột. Trong khi tham gia đánh cầu Phú Yên, tôi bị thương, được đưa về Pleiku điều trị, nhưng đến sáng 17-3, biết tin Pleiku đã giải phóng, tôi trốn viện, theo anh em trong đơn vị hành quân xuôi về An Khê. Pleiku trong ngày đầu giải phóng ấy thật vô cùng tĩnh lặng, phố phường lạnh tanh gần như không một bóng người. Nhìn lá cờ Tổ quốc đang tung bay phấp phới trên nóc tòa nhà hành chính mà lòng chúng tôi, tất cả đều sung sướng”.
Lời ông Thìn khiến tôi nhớ lại cuộc trò chuyện với ông Chu Quang Tùy cách đây vài năm. Năm 1975, ông Tùy là Đại đội trưởng Đại đội 70 (K70) của Tiểu đoàn Đặc công 408, lúc này đơn vị có nhiệm vụ đánh thẳng vào các căn cứ, cứ điểm của địch ở thị xã Pleiku và vùng ven; nối liền hành lang Đông-Tây của tỉnh từ Bộ Tư lệnh B3 về vùng căn cứ ở khu 1, khu 10. Tôi vẫn nhớ như in lời ông Tùy kể: “Từ đầu tháng 3, Tiểu đoàn chúng tôi có nhiệm vụ tiến hành công tác chuẩn bị chiến trường, đêm 13-3, Đại đội 60 (K60) phát hiện 1 kho đạn lớn, Tiểu đoàn hạ quyết tâm đánh địch vào đêm 14, rạng 15-3. Đêm 15 và 16-3, các bộ phận của đại đội tôi và K80 cũng tiến hành khảo sát, chuẩn bị mục tiêu. Đội công tác khu 9 báo cáo địch đã rút chạy về Phú Bổn từ chiều 16-3. Tiểu đoàn điện báo tỉnh và quyết định, sáng 17-3, đơn vị hành quân vào thị xã”.
Ông Nguyễn Duy Mão và ông Hoàng Thìn. Ảnh: T.B |
Theo lời kể của ông Tùy, bầu trời Gia Lai ngày 17-3-1975 dường như mang một sắc màu khác, không gian yên lặng một cách lạ thường. Tiểu đoàn ông đi từ sớm, hành quân qua Ia Krong theo đường 661 tiến vào Hà Bầu. Tại đây có trận địa pháo 105 mm 5 khẩu còn nguyên, địch đã bỏ chạy, K60 cử 1 trung đội ở lại giữ trận địa pháo, K80 cũng ở lại cùng đội công tác làm nhiệm vụ tại Hà Bầu, Lệ Chí. Lực lượng còn lại tiếp tục hành quân ra làng Tôl, vượt cánh đồng An Phú ra đường 19, vừa đi vừa chạy về hướng Pleiku.
Thị xã Pleiku lạnh tanh, gần như không một bóng người, chỉ có giấy trắng và quần áo vung vãi đầy đường. Giọng ông Tùy chan chứa niềm tự hào: “Theo chỉ thị của trên, Tiểu đoàn tiến hành đánh chiếm các mục tiêu theo quy định. K60 vào chiếm khu Biên Trấn (nay là Cơ quan Quân sự thành phố và UBND thành phố Pleiku), K70 đảm nhiệm khu cố vấn Mỹ (nay là Cục Thuế tỉnh), K40 đảm nhiệm khu quân cảnh tư pháp (nay là Nhà Văn hóa Lao động). Đại đội 70 của chúng tôi cử 1 tổ gồm 6 anh em (do tôi dẫn đầu) theo đường Hoàng Hoa Thám lên đường Hai Bà Trưng vào Tòa Hành chính. Tại đây, đồng chí Triệu La Phương xé cờ ba que của địch. Và trong giây lát, lá cờ Giải phóng của cách mạng đã tung bay phấp phới. Chúng tôi, hết thảy anh em, lòng ai nấy đều sung sướng. Lúc này, phía chợ Mới, khói lửa vẫn còn nghi ngút. Tại đường Hoàng Văn Thụ, địch còn bỏ lại kho gạo lớn. Chúng tôi tổ chức đi thu và cất giữ (sau này khi thành lập Ban Quân quản, Tiểu đoàn đã bàn giao số gạo này cho Ban Kinh tế của tỉnh để cứu đói cho nhân dân)...”.
Với Đại tá Khuất Duy Hoan-nguyên Phó Tư lệnh Quân đoàn 3, người Tiểu đội trưởng bộ binh của Trung đoàn 64 Sư đoàn 320 được trực tiếp tham gia truy kích địch rút chạy khỏi Tây Nguyên trên đường 7 từ ngày 17 đến 24-3-1975 thì những khoảng thời gian kiên cường bám trụ và chiến đấu ấy luôn là một ký ức đẹp. Đại tá Khuất Duy Hoan chia sẻ: “Bốn mươi năm qua, đôi lúc nhớ lại những ngày tháng 3 lịch sử ấy, chúng tôi cứ tìm những lý giải cho sức mạnh nào đã giúp chúng tôi vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, ác liệt để chiến đấu và chiến thắng. Chỉ riêng việc hơn 10 ngày đêm hành quân liên tục gần như thức trắng, đặt ba lô tạm dừng là ngủ, vừa đi vừa ngủ gật lao vào bụi tre ven rừng: sức trẻ-lý tưởng-tình yêu quê hương đất nước-thế trận và còn những gì nữa. Có lẽ là tất cả đã giúp chúng tôi vượt qua chính mình để bây giờ nhớ lại vẫn cảm thấy bâng khuâng rạo rực và không hổ thẹn với đồng chí, đồng đội đã ngã xuống trên bờ sông Ba ngày ấy…”.
Thái Bình