Phóng sự - Ký sự

24 giờ nơi rẻo cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không phải mùa lúa chín, cũng chẳng phải mùa đổ nước mà những ruộng bậc thang ở Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) vẫn đẹp đến mê hồn. Tận mắt thấy những tràn ruộng bậc thang, những hàng rào đá sắp đặt công phu và nghệ thuật mới hiểu hết câu thơ của Y Phương: “Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương”.

Buổi tối Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) lạnh 0 độ C. Không có nhà nghỉ hay khách sạn, chúng tôi ở kiểu homestay trong một gia đình người Hà Nhì. Hướng dẫn viên đã thông báo trước nên chúng tôi chuẩn bị tâm lý cho việc tạm xa mọi tiện nghi thông thường, trở lại cuộc sống tối giản không internet, không máy nước nóng, không điều hòa hai chiều, thậm chí không cả điện thắp sáng. Đó sẽ là một chuyến ngược thời gian để tìm lại nhiều thứ lùi sâu trong quá vãng. Nhưng tôi đã hơi hụt hẫng vì hóa ra cuộc sống nơi rẻo cao này không khác mấy nơi phố thị.

 

Một góc Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Ảnh: T.L.H
Một góc Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Ảnh: T.L.H

Nếu không nói ra thì chẳng ai biết đấy là người thiểu số, cô chủ nhà ngoài 30, gương mặt tinh nhanh, da trắng mịn, má đỏ như quả đào phấn, quần jean bạc, áo gió hồng, ngồi nhập sổ bằng laptop nhoay nhoáy rồi quay sang xin chúng tôi mấy tấm ảnh đẹp chụp phong cảnh vùng cao để up facebook. Nhà gác bằng gỗ thông ngăn thành nhiều phòng cho thuê, khá sạch sẽ, nước nóng dùng năng lượng mặt trời, thứ lần đầu tiên tôi xài là nệm sưởi chạy điện với nút bấm chỉnh nhiều mức độ. Chưa đến đây thì lo lạnh quá làm sao ngủ, đến nơi rồi thì lo lạnh quá làm sao tắm. Rốt cuộc thì mọi thứ đều xong cả. Nửa đêm mở điện thoại theo dõi, thấy báo nhiệt độ xuống đến âm 2 độ C nhưng nệm sưởi nóng muốn bỏng lưng, tôi phải mò mẫm điều chỉnh giảm bớt.

Cô chủ quản lý các phòng ngủ và cái cửa hàng tạp hóa gần như có đủ mọi thứ, từ dầu gội, sữa tắm đến kẹo bánh, cá khô và khẩu trang, tất, găng tay, dao cạo râu, gương lược… Ăn uống thì quá bộ vài bước sang nhà bên cạnh, mấy người em họ của cô chủ sẽ lo cho chúng tôi việc đó. Thức ăn đơn giản nhưng rất ngon. Những gì là đặc sản dưới xuôi thì ở đây là món hàng ngày: gà đồi, lợn bản, cải mèo, ngan… Chuyến đi mùa hè, tôi đã được xơi món rau bồ khai của xứ Cao Bằng, nay lần đầu được nếm ngọn rau đậu Hà Lan ở xứ Laokay. Cách chế biến hơi giống người Tàu nhưng ít dầu mỡ hơn nên cũng hợp khẩu vị. Đầu bếp và phục vụ đều là các chàng Hà Nhì còn trẻ và khá đẹp trai, thạo việc và kiệm lời. Ngầm đánh giá là họ làm dịch vụ khá tốt. Khi nghe cô chủ khoe còn có 2 ngôi nhà nữa, lại mới mua mảnh đất chuẩn bị xây thêm phòng trọ thì tôi thật sự thán phục sự thông minh, nhanh nhạy của họ.

Trời lạnh, trước các quán xá đều có chậu than, ai cũng có thể vào sưởi. Sát biên giới nên người lạ đến phải có chứng minh thư, hạn chế ra ngoài sau 9 giờ tối. Cậu lái xe hài hước bảo quanh đây là phố đi bộ cả, trời tối chả cần lên đèn, mình thích đi lúc nào thì đi thôi. Đường bây giờ cơ bản được bê tông hóa, ban ngày vẫn thấy các chàng trai cô gái mặc trang phục dân tộc chở hàng chất ngất xe máy phóng vèo vèo, lượn theo các vòng cua như trong trường đua.

Sáng chúng tôi định dậy sớm để vào bản nhưng lằng nhằng mãi mới chui ra khỏi cái ổ ấm áp, lại lằng nhằng mãi chỗ ăn sáng của mấy chàng Hà Nhì nên không đủ thời gian. Dẫu vậy, tôi cũng lòng vòng được một ít, ngắm ruộng bậc thang, hàng rào đá và đi được nửa đường sang bản. Từ góc nhìn nào cảnh cũng đẹp, đẹp đến rơi rụng con tim. Đấy là trời còn đang u ám, không biết lúc trời hửng nắng trong thì còn đẹp đến cỡ nào! Mấy đỉnh núi cái nhô lên xanh thẫm, cái giấu mặt trong sương. Mây cuộn mình uốn éo ngang núi như dải khăn, chỗ lại bốc mờ như đám khói đốt đồng. Ruộng qua mùa gặt còn trơ gốc rạ và hoa cỏ dại. Đào mận nở lác đác, hồng hồng trăng trắng e ấp trong sương, lãng mạn và phiêu, đơn giản và kiêu hãnh. Những hàng sa mộc được người phố gọi là thông Noel cứng cáp và duyên dáng đứng trên đỉnh núi nhìn xuống thung lũng.

Đến giờ, tôi vẫn cứ băn khoăn nghĩ mãi: Đồng bào đã làm ra ruộng bậc thang bằng cách nào, từ trên xuống hay từ dưới lên, để biến những núi đồi dốc đứng thành những thửa ruộng trồng lúa nước? Sức lao động của bao đời mới vẽ nên bức tranh quê hương đẹp đến thắt lòng? Tôi thấy ghen với những nhà văn nhà thơ vùng cao này, khi họ được đẫm mình trong một không gian văn hóa vừa đậm đặc vừa lạ lùng.

Chuẩn bị rời Y Tý về Sa Pa thì cô chủ nhà nghe điện thoại báo đang có tuyết rơi trên đỉnh Ngải Thầu. Cả cô lẫn chúng tôi cùng hét lên sung sướng, cùng lập tức vơ vội áo mũ nhảy lên xe, đổi ngay hướng đi. Đường lên đỉnh Ngải Thầu cũng đã được trải bê tông, vằn vèo trườn lên độ cao hơn 2.300 mét so với mực nước biển. Ruộng bậc thang và rất nhiều đồi núi khác đã ở dưới chân mình mà chúng tôi vẫn chưa đến nơi. Tưởng chỉ có cây cỏ, con đường và mây núi thì bất ngờ cả một xóm nhỏ hiện ra. Cô chủ nhà nhờ một anh người Mông dẫn đường lên đỉnh. Chàng trai mặc bộ đồ đen, đi ủng, da trắng má đỏ hồng, khỏe mạnh cưỡi Minsk phăm phăm lao đi trước. Tận đỉnh Ngải Thầu vẫn có mấy ngôi nhà, vài con ngựa xấu mã đang nhẩn nha gặm những đám cỏ khô vàng. Lại thương vô cùng những chiến sĩ Biên phòng, lạnh thế này mà vẫn đi tuần tra biên giới, dân thì ở lác đác lẫn trong núi trong mây, kẻ xấu thì trăm phương ngàn kế, làm thế nào để luôn gần dân, giữ bình yên cho cả một vùng phên giậu quốc gia là điều không dễ.

Chúng tôi không gặp may vì tuyết rơi nhiều từ sáng hôm qua, trưa nay đã tan gần hết, chỉ còn sót lại trên mặt đất vài đám băng trong suốt như những mảnh thạch anh trắng. Rừng cây rụng trụi lá dưới bầu trời xám và mù lãng đãng mang vẻ đẹp tiêu sơ, buồn bã mà vẫn cứng cỏi. Phía dưới kia là những đỉnh núi nhấp nhô. Tháng này vẫn còn là mùa săn mây của những phượt thủ yêu vùng cao phía Bắc...

Xòe tay ra hứng những viên mưa be bé rơi rơi, biết bao giờ mới có lần nữa trong đời.

Trương Lệ Hằng

Có thể bạn quan tâm