Phóng sự - Ký sự

43 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc (17.2.1979 - 17.2.2022): Ký ức của người thân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
'Nhà chỉ có 2 anh em, bác Việt là cả rồi đến tôi. Hồi bác ấy mất, bà không tin là mất con, bao năm nay cứ ngồi đợi, ai đến cũng nghĩ là ở đơn vị bác về thăm. Ngày nào cũng đòi lấy hình thờ của bác Việt xuống ôm ngắm'…
Chúng tôi vừa bước vào nhà liệt sĩ Trần Công Việt (ở xã Quảng Phú Cầu, H.Ứng Hòa, TP.Hà Nội), bà mẹ Trần Thị Lũm năm nay 96 tuổi đang ngồi co ro trên phản vì lạnh, với tay kéo áo: “Con ở đơn vị về hả? Sao thằng Việt vẫn chưa về?”.
Mẹ chờ con suốt 43 năm
Ông Trần Công Viên (em trai liệt sĩ Việt) giải thích: “Nhà chỉ có 2 anh em, bác Việt là cả rồi đến tôi. Hồi bác ấy mất, bà không tin là mất con, bao năm nay cứ ngồi đợi, ai đến cũng nghĩ là ở đơn vị bác về thăm. Ngày nào cũng đòi lấy hình thờ của bác Việt xuống ôm ngắm”…
Sinh năm 1951, chưa đầy 18 tuổi, anh Việt xung phong nhập ngũ, chiến đấu 6 năm trong chiến trường miền Nam, và năm 1976 được cử đi học Trường Sĩ quan chính trị. Năm 1977, anh Việt lấy vợ và cuối năm có con gái Trần Thị Hồng. Đầu năm 1979, thiếu úy Trần Công Việt thực tập tại Trung đoàn 12, Sư đoàn 3 (Quân khu 1), chỉ huy bộ đội và trực tiếp chiến đấu bảo vệ thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn). Sáng 17.2.1979, pháo binh Trung Quốc điên cuồng bắn phá trận địa phòng ngự của đơn vị thiếu úy Việt, xua bộ binh, xe tăng ào ạt xông lên. Hết đạn và bị tổn thất nặng, bộ đội ta đã đánh giáp lá cà và tất cả cùng hy sinh trưa 17.2.1979.
“Gia đình động viên mãi, gần chục năm sau vợ anh Việt mới đi bước nữa và làm giáo viên ở H.Lương Sơn, Hòa Bình. Cháu gái Trần Thị Hồng sau đó cũng đi học sư phạm và giờ là giáo viên THCS ở Lương Sơn”, ông Trần Công Viên nói và kể tiếp: “Ở xã có 1 chiến sĩ cùng chiến đấu với bác Việt và cùng hy sinh ngày 17.2.1979 nên mấy năm sau, cả hai gia đình chúng tôi cùng lên Cao Lộc (Lạng Sơn) đưa 2 anh em về quê”.

Xe tăng Trung Quốc bị bộ đội Quân khu 1 tiêu diệt tại TX.Cao Bằng, tháng 2.1979. Ảnh: Trần Mạnh Thường
Xe tăng Trung Quốc bị bộ đội Quân khu 1 tiêu diệt tại TX.Cao Bằng, tháng 2.1979. Ảnh: Trần Mạnh Thường
Giữ chiếc mũ cối của anh
Đến bây giờ, ông Bùi Văn Xuân (64 tuổi, em trai liệt sĩ Bùi Bá Việt) vẫn giữ chiếc mũ cối mà anh trai mình tặng, trước khi nhập học Trường Sĩ quan chính trị. Ngồi trong căn nhà nhỏ, núp sau xưởng sản xuất khẩu trang (ở xã Tân Lâm Hương, H.Thạch Hà, Hà Tĩnh), ông Xuân kể: Anh Bùi Bá Việt sinh ngày 19.5.1954, nhập ngũ ngày 20.4.1970 khi chưa tròn 16 tuổi. Do làm cán bộ Đoàn ở Trường cấp 3 nên anh Việt rất hăng hái, viết đơn tình nguyện bằng máu, khi đang học lớp 10. Vào bộ đội, anh Việt được học quân y và cùng Tiểu đoàn 48 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Tĩnh) sang chiến đấu giúp nước bạn Lào ở địa bàn Cánh đồng chum (Xiêng Khoảng). Sau ngày thống nhất, anh Việt được cử đi học Trường Sĩ quan chính trị, và đầu năm 1979 lên thực tập tại Trung đoàn 246 (Sư đoàn 346, Quân khu 1).

Cụ Trần Thị Lũm ngắm di ảnh con trai Trần Công Việt. Ảnh: Mai Thanh Hải
Cụ Trần Thị Lũm ngắm di ảnh con trai Trần Công Việt. Ảnh: Mai Thanh Hải
Sáng sớm 17.2.1979, bộ binh và xe tăng Trung Quốc ào ạt tràn qua cửa khẩu Sóc Giang, tấn công vào đất ta hòng kéo về TX.Cao Bằng. Thiếu úy Bùi Bá Việt đã chỉ huy bộ đội phòng ngự trên cao điểm 505 (xã Sóc Hà, H.Hà Quảng, Cao Bằng), suốt 4 ngày đêm chặn đánh địch, ngăn bước tiến của chúng. Anh dũng chiến đấu, cả đơn vị thiếu úy Việt hy sinh trong buổi chiều 20.2.1979.
“Khoảng năm 2000, gia đình tôi đi khắp các nghĩa trang ở H.Hà Quảng tìm hài cốt anh Việt, nhưng không thấy. Đồng bào dân tộc ở Sóc Hà thấy vậy, dẫn lên tận điểm cao 505 và vẫn thấy mấy cái hầm sập từ hồi 1979”, ông Xuân kể và chùng giọng: “Cuối năm 1978, anh Việt cưới vợ, được 15 ngày thì phải ra trường và lên biên giới thực tập, rồi hy sinh. Cô vợ Tạ Kim Khánh và gia đình tôi vẫn mong tìm thấy mộ anh”.
Cả xã cùng đưa về
Chúng tôi về xã Hưng Tây, H.Hưng Nguyên (Nghệ An) tìm gặp gia đình liệt sĩ Phan Văn Cúc (sinh năm 1952, nhập ngũ 1970, hy sinh ngày 17.2.1979 khi đang là trung úy, học viên Trường Sĩ quan chính trị thực tập tại Sư đoàn 3, Quân khu 1).
Bà Phan Thị Lương, 70 tuổi, vợ liệt sĩ Cúc, kể: “Chúng tôi cưới nhau đầu năm 1973, có 2 con gái là Phan Thị Thanh Nhàn (năm nay 48 tuổi, đang là giáo viên Trường tiểu học xã Hưng Tây) và Phan Thị Huyền (năm nay 44 tuổi). Ông Cúc hát hay đàn giỏi nên giữa năm 1976 được cử đi học Trường Sĩ quan chính trị. Đầu năm 1979, đi thực tập ở đơn vị đóng quân tại thị trấn Đồng Đăng (Lạng Sơn). Sáng 17.2.1979, quân Trung Quốc tràn sang, ông ấy chiến đấu và hy sinh cùng anh em ngay trong buổi sáng”.

Ông Bùi Văn Xuân vẫn giữ chiếc mũ cối do anh trai mình - liệt sĩ Bùi Bá Việt, tặng cách đây 45 năm. Ảnh: Mai Thanh Hải
Ông Bùi Văn Xuân vẫn giữ chiếc mũ cối do anh trai mình - liệt sĩ Bùi Bá Việt, tặng cách đây 45 năm. Ảnh: Mai Thanh Hải
“Năm 1983, tôi cùng anh rể và em trai ông Cúc ra thị trấn Đồng Đăng đưa ông ấy về. Ông ấy hy sinh ở lèn đá với chục anh em và được chôn cất ngay thung lũng bên dưới. Khi chúng tôi lên, đã có 3 anh được người thân đưa về, chỉ còn 7 người nằm lại, trong đó có ông Cúc. Trận tháng 2.1979, xã này có 10 người hy sinh ở Lạng Sơn và các gia đình cùng góp tiền thuê xe, ra đưa con cháu mình về nghĩa trang của xã. Mãi năm 1992, ông Cúc mới ra nghĩa trang liệt sĩ H.Hưng Nguyên”, bà Lương rành rọt.
Anh đi bộ đội thay em
Rất vất vả, chúng tôi mới tìm thấy gia đình anh Lê Hữu Giáp (cháu ruột, đang thờ cúng liệt sĩ Lê Hữu Tới) ở xã Quỳnh Hưng, H.Quỳnh Lưu (Nghệ An). Ngồi nói chuyện với anh Giáp và 2 cô là em gái liệt sĩ Tới, mới biết: Năm 1970, anh Tới 22 tuổi đang học khoa Văn, Đại học Sư phạm Vinh thì tình nguyện đi bộ đội thay cho em trai Lê Hữu Lợi. Giữa năm 1976, trước khi ra Bắc Ninh học Trường Sĩ quan chính trị, anh Tới cưới cô sinh viên Nguyễn Thị Thủy lúc ấy đang học năm 2 khoa Sinh, Đại học Sư phạm Vinh, và hẹn “cả hai cùng tốt nghiệp ra trường, xin về Quân khu 4 gần nhà thì mới sinh con, cho vợ đỡ vất vả”. Đầu năm 1979, thiếu úy Lê Hữu Tới thực tập tại Đại đội 9, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 567 (Quân khu 1).
Ngày 17.2.1979, quân Trung Quốc tràn qua cửa khẩu Tà Lùng xuống TX.Cao Bằng (nay là TP.Cao Bằng). Với chức danh chính trị viên, thiếu úy Lê Hữu Tới đã chỉ huy Đại đội 9 chặn đánh địch quyết liệt ở khu vực ngã ba Cách Linh (nay thuộc H.Quảng Hòa, Cao Bằng). Sáng 18.2.1979, sau khi đã bắn đến viên đạn cuối cùng, thiếu úy Lê Hữu Tới chỉ huy bộ đội đánh giáp lá cà và toàn bộ lực lượng phòng ngự đã hy sinh. Chục ngày sau, quân tăng viện lên thì thi hài bộ đội hầu như bị mất hết.
“Quân khu 1 gồm 6 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Thái Nguyên, trong đó có 2 tỉnh biên giới Cao Bằng và Lạng Sơn với 564,865 km đường biên giới quốc gia và 1.108 cột mốc.
Sau khi bộ đội tình nguyện Việt Nam giúp cách mạng Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary, giải phóng thủ đô Phnom Penh vào ngày 7.1.1979, từ bên kia biên giới, hàng chục vạn quân đối phương
đã áp sát biên giới phía bắc nước ta, ráo riết phát động chiến tranh. Sau hàng loạt vụ khiêu khích, phá hoại và lấn chiếm, rạng sáng 17.2.1979, đối phương đã phát động cuộc chiến tranh trên toàn tuyến biên giới phía bắc từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu).
Sau khi nắm chắc tình hình chiến sự, Thường vụ Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu và các cơ quan đã họp bàn, thống nhất phương án tác chiến ngăn chặn các hướng mũi tiến công của đối phương. Trung tướng Đàm Quang Trung, Tư lệnh Quân khu 1, đã ra mệnh lệnh cho các đơn vị phía trước kiên quyết chiến đấu, bảo vệ biên cương của Tổ quốc.
Theo đó, trên hướng Cao Bằng, Quân khu chỉ đạo Sư đoàn 346, Trung đoàn 567; hướng Lạng Sơn có Sư đoàn 3, Sư đoàn 338, Trung đoàn 123 bộ đội địa phương của tỉnh, cùng công an vũ trang, dân quân, tự vệ và các đơn vị của Bộ được tăng cường, ngăn chặn đà tiến công của đối phương, đánh trả quyết liệt, giành giật với địch từng tấc đất, gây cho đối phương nhiều tổn thất nặng nề về sinh lực và phương tiện chiến tranh.
Trước sức tiến công mạnh mẽ của quân và dân ta, đồng thời bị dư luận tiến bộ trên thế giới kịch liệt lên án, ngày 5.3.1979, đối phương tuyên bố rút quân và kết thúc rút quân về nước vào ngày 18.3.1979”…
Trung tướng Dương Đình Thông, Chính ủy Quân khu 1
(còn tiếp)
Theo Mai Thanh Hải (TNO)

Có thể bạn quan tâm