Thời sự - Bình luận

5 anh em cùng học lớp 1 là do "não trạng" máy móc của cán bộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chỉ vì thiếu tấm bìa hộ khẩu mà những đứa trẻ không đi học được. Đúng ra việc này có thể giải quyết, nhưng do "não trạng" máy móc của cán bộ chính quyền mà 5 anh em cùng học lớp 1.

 

5 anh em cùng học lớp 1.
5 anh em cùng học lớp 1.



Chuyện 5 anh em ruột Định, Phương, Sơn, Thủy, Ngân cùng học lớp 1 vì không có hộ khẩu ở Tuyên Quang quả thật là quá hi hữu. Trương Quang Định là anh cả của 4 đứa em, đã 14 tuổi nhưng tới năm học này, Định mới được đi học lớp 1, học cùng với 4 đứa em, trong đó có đứa em út cách Định gần chục tuổi.

Hai vợ chồng anh Trương Bình Xuyên và chị Minh Thị Nguyệt (Đội Lâm trường 732, thôn Tân Minh, xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang) thiếu chữ nghĩa, không hiểu biết về pháp luật, nên có những sai sót trong thủ tục giấy tờ.

Ông Trần Sỹ Đông, Chủ tịch UBND xã Tân An, huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang cho biết, do anh Xuyên có họ Trương nhưng trên giấy tờ lại thể hiện họ Chương nên việc làm hộ khẩu cho cả gia đình gặp trục trặc trong suốt nhiều năm.

Có thể do phát âm "tr" thành "ch" nên người ghi tên lại viết "Trương" thành "Chương", tình trạng này xảy ra rất nhiều địa phương. Nhưng việc của chính quyền là giúp cho người dân điều chỉnh giấy tờ, phù hợp với thực tế, cấp hộ khẩu và các giấy tờ cho người dân.

Việc xác định tính pháp lý về nhân thân, hộ khẩu không chỉ là chuyện học hành, mà còn liên quan đến nhiều quan hệ khác trong đời sống của một con người, cho nên chính quyền phải tích cực hỗ trợ, lo cho người dân. Đó chính là trách nhiệm của chính quyền.

Ngay cả khi chưa có hộ khẩu, thì chính quyền địa phương vẫn có thể hỗ trợ cho các cháu đi học. Dù có hộ khẩu hay không, thì một cháu bé đến tuổi đi học phải được đến trường. Như ý kiến của GS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam: “Về luật phổ cập, tất cả trẻ em đều được đi học. Cho nên, nếu không có hộ khẩu, chính quyền địa phương cũng không vì thế mà không cho các cháu học, phải đảm bảo quyền trẻ em“.

Não trạng máy móc đến kỳ lạ, những đứa bé, là những con người cụ thể, tồn tại hiển nhiên trước mắt, lại phải chờ một tấm bìa hộ khẩu mới xác định được các cháu "là công dân" hay sao. Với người có trách nhiệm, chắc chắn sẽ quyết định cho cháu đi học, còn những sai sót về họ Trương viết thành Chương sẽ điều chỉnh, bổ sung sau.

Những đứa bé phải đi học muộn chịu thiệt thòi, như cháu Định, 14 tuổi mới vào lớp 1 thì tương lai đi về đâu?

Còn nơi nào có những trường hợp như các cháu này không, nếu có thì hãy xem đây là những góc tối, hãy dùng ánh sáng của văn minh để đầy lùi những góc tối đó.

Muốn có ánh sáng văn minh, phải xóa bỏ não trạng máy móc của một số cán bộ trong hệ thống hành chính hiện nay.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/5-anh-em-cung-hoc-lop-1-la-do-nao-trang-may-moc-cua-can-bo-839632.ldo

Theo LÊ THANH PHONG (LĐO)

Có thể bạn quan tâm