Kinh tế

Krông Pa:

60 con bò chết nghi do bệnh ung khí thán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo thông tin từ Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Krông Pa, thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện có 60 con bò của 43 hộ dân bị chết nghi là bệnh ung khí thán (Phú Cần 1 con/1hộ; Đất Bằng: 22 con/15 hộ; Chư Gu 8 con/4 hộ; Chư Rcăm 15 con/11 hộ; Ia Rsai 12 con/10 hộ; Uar 1 con/1 hộ; Ia Hdreh 1 con/1 hộ).

Bò của người dân trên địa bàn huyện Krông Pa chết nghi do bệnh ung khí thán. Ảnh Lê Nam

Trước tình hình trên, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đề nghị UBND các xã, thị trấn thông báo cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn về đặc điểm chung của bệnh ung khí thán là một bệnh truyền nhiễm cấp tính của trâu, bò; bệnh do trực khuẩn yếm khí Clostridium Chauvoei và một số trực khuẩn yếm khí khác (Cl.septicum, Cl.perfringens). Triệu chứng, sưng bắp thịt có khí, gọi là “ung khí thán”. Bệnh có thể xảy ra quanh năm ở những vùng có ô nhiễm nha bào ung khí thán, nhưng bệnh thường xảy ra vào các tháng nóng ẩm, mưa nhiều. Nước mưa làm cho nha bào từ trong đất trôi ra ngoài dính vào rơm cỏ. Súc vật ăn thức ăn và uống phải nha bào sẽ phát sinh bệnh. Nha bào có trong đất xâm nhập vào cơ thể trâu, bò qua đường tiêu hóa hoặc qua vết thương ở da rồi nảy mầm thành vi khuẩn, sinh sôi trong máu rồi đi khắp cơ thể. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ con vật mắc bệnh sang con vật khỏe.

Điều trị bệnh, có thể dùng kháng huyết thanh chống bệnh nhiệt thán để tiêm cho gia súc hoặc điều trị bằng kháng sinh và dùng thuốc Penicilin, Oxycen 200 LA (Oxytetracyclin). Đồng thời, các địa phương tăng công tác tuyên truyền để người dân khi phát hiện gia súc nghi mắc bệnh ung khí thán, gia súc chết bất thường phải khai báo cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y nơi gần nhất để xử lý triệt để mầm bệnh, tuyệt đối không được tự ý mổ thịt, vận chuyển, buôn bán làm lây lan bệnh sang khu vực khác. Không chăn thả trâu, bò và cắt cỏ cho trâu, bò tại những nơi có trâu, bò chết do bệnh ung khí thán và những bãi chăn thả đã bị ô nhiễm; hộ chăn nuôi định kỳ hàng tuần chủ động vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi bằng vôi bột hoặc thuốc khử trùng Benkocid… nhằm hạn chế mức thấp nhất sự xâm nhập của mầm bệnh; tổ chức tiêm phòng vắc xin ung khí thán vô hoạt dạng nước cho trâu, bò.

Có thể bạn quan tâm