60 năm-Âm vang Điện Biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi được biết có một tập thể và một cá nhân tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Pleiku đầu tư rất công phu để hưởng ứng tham gia cuộc thi “60 năm-Âm vang Điện Biên” (7-5-1954 – 7-5-2014), do Ban Tuyên giáo 3 tỉnh Gia Lai, Quảng Nam và Điện Biên phối hợp tổ chức. Chưa cần đề cập đến nội dung, tôi thật sự choáng ngợp và kính nể sự đầu tư về thời gian cũng như quá trình sưu tầm tài liệu để có được bài thi hoành tráng, ý nghĩa và đẹp đến như vậy.
 

 Cô giáo Phan Thị Hợp bên bài dự thi của mình. Ảnh: Thúy Ngân
Cô giáo Phan Thị Hợp bên bài dự thi của mình. Ảnh: Thúy Ngân

Đến Trường Tiểu học Nguyễn Minh Khai (TP. Pleiku) để tìm hiểu về cách tổ chức và phát động hưởng ứng cuộc thi của nhà trường, chúng tôi được cô giáo Phan Thị Hợp-Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn nhà trường, chia sẻ: Sau khi Đảng bộ phường Hội Phú, Phòng Giáo dục-Đào tạo và Công đoàn ngành Giáo dục phát động, chi bộ nhà trường đề ra nghị quyết và giao cho Công đoàn nhà trường là chủ công trong việc triển khai thực hiện. Chúng tôi triển khai ngay kế hoạch và cán bộ, giáo viên trong trường đều tham gia viết bài, sau đó nộp về Ban Chấp hành Công đoàn của trường chấm để xét chọn những bài tốt nhất gửi dự thi; đối với học sinh, chúng tôi triển khai cho các em vẽ tranh về “Cảm nhận chiến dịch Điện Biên Phủ” trong toàn trường, sau đó chọn ra những bức tranh đẹp nhất ghép chung với các bài viết của cán bộ, giáo viên nhà trường gửi dự thi. Về tựa đề của các bài viết và những bức tranh được chọn, tôi là người chịu trách nhiệm đặt tên. Khi đã chọn ra được những bài viết tốt, chúng tôi giao nhiệm vụ cho những đảng viên trẻ viết lại (viết tay) những bài viết đó và sưu tầm ảnh để làm cho bài thi thêm phong phú. Thời gian triển khai thực hiện trong trường là từ tháng 9-2013 và hoàn thành vào ngày 10-2-2014.

Tập bài dự thi của tập thể Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai có gần 180 trang. Ngoài lời mở đầu, nội dung gồm 4 phần: bài viết của giáo viên (20 bài); cảm nhận về chiến dịch Điện Biên Phủ qua tranh vẽ của học sinh (40 bức tranh); một số hình ảnh về chiến dịch Điện Biên Phủ; thay cho lời kết là một số bài thơ, bài hát (có vẽ cả nốt nhạc) hướng về chủ đề chiến dịch Điện Biên Phủ.

Còn bài dự thi của cá nhân cô giáo Phan Thị Hợp thì quả thật lần đầu tiên tôi mới được chiêm ngưỡng một bài dự thi của cá nhân thật sự công phu đến vậy. Bài dự thi được làm thành ba tập: Tập thứ nhất gần 300 trang (viết tay), với chủ đề “Tự hào trang sử Điện Biên”, trong đó là bài viết dự thi với tựa đề “Ngọn lửa Điện Biên mãi bừng sáng trong mọi thời đại”; những bức điện, thư của Đảng, của Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo gửi cán bộ, chiến sĩ Mặt trận Điện Biên Phủ; chủ trương, đường lối của Đảng ta về chiến dịch Điện Biên Phủ; diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ; Tây Nguyên với chiến thắng Điện Biên Phủ; sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Gia Lai trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và các hoạt động phối hợp với Mặt trận Điện Biên Phủ; hình ảnh về trước, trong và sau chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tập thứ hai 100 trang, với chủ đề “Bức tranh Điện Biên-Gia Lai trên con đường phát triển”, hầu hết là tranh, ảnh được thể hiện cho người xem về bức tranh của Gia Lai và Điện Biên trên con đường đổi mới và phát triển. Tập thứ ba với 103 trang (tương ứng với tuổi của Đại tướng), với chủ đề “Đại tướng Võ Nguyên Giáp sống mãi trong lòng mỗi chúng ta”, viết về cuộc đời hoạt động của Đại tướng và những phẩm chất tốt đẹp của một vị tướng huyền thoại. Ba tập này được để trên một cái giá cao khoảng một mét, thiết kế theo biểu tượng nhà rông Tây Nguyên, có ảnh Bác Hồ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp được lồng ghép với bông hoa 5 cánh, trong bông hoa phía dưới lồng ghép bản đồ trận đánh Điện Biên Phủ, xung quanh cánh hoa được trang trí bằng hệ thống đèn nháy rất công phu; phía trên của ba tập bài thi còn được đặt chiếc xe đạp thồ và một chiếc xe tăng, được làm bằng vỏ đạn.

Ai đã thiết kế cho cô chiếc giá này, tôi hỏi? Cô giáo Phan Thị Hợp cho biết: Mẫu mã thiết kế là do tôi, riêng chiếc khung và chiếc xe tăng là phải đặt người ta làm; còn chiếc xe đạp và trang trí hệ thống đèn nháy là do tôi tự làm. Chiếc xe tăng để trên giá với chiếc xe đạp thồ, muốn nói lên một phương tiện hiện đại của Pháp như vậy nhưng vẫn phải quy hàng trước một phương tiện thô sơ là chiếc xe đạp thồ; với bông hoa 5 cánh, tượng trưng cho hoa ban ở vùng Tây Bắc, loài hoa tuy dung dị-mộc mạc, nhưng lại có sức sống mãnh liệt.

Cuộc thi “60 năm-Âm vang Điện Biên” được phát động từ ngày 6-9-2013 đến tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và 2 tỉnh Quảng Nam và Điện Biên nói chung cũng như trên phạm vi cả nước. Đến ngày 10-3-2014 là hết thời hạn thu bài (thi viết), chắc chắn rằng cuộc thi đã thu hút rất đông cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên, sinh viên và các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh tham gia. Chưa cần đề cập đến giải thưởng mà đó chính là những con người thật sự có trách nhiệm, tâm huyết và chịu khó tìm tòi, nghiên cứu để hoàn thành tốt bài dự thi, điều đó được thể hiện như bài dự thi của tập thể và cô giáo Phan Thị Hợp-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai; và điều đặc biệt ở đây là đã góp phần khơi dậy được lòng tự hào về chiến dịch Điện Biên Phủ trong học sinh là bậc tiểu học của nhà trường.

Thúy Ngân

Có thể bạn quan tâm