65 năm thực hiện lời dạy của Bác Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 258/QĐ-TTg lấy ngày 11-6 hàng năm-Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” là Ngày truyền thống thi đua yêu nước.

Trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đang ở thời kỳ gian khổ và ác liệt nhất, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Đây là một văn bản mang giá trị nhân văn sâu sắc, xuất phát từ chiều sâu truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc, thể hiện tư tưởng và tình cảm của Người, nhằm cổ vũ và thức tỉnh toàn dân tộc thống nhất ý chí, biến khó khăn thành động lực đưa cách mạng đi lên phía trước.

 

Ảnh: Thanh Nhật
Ảnh: Thanh Nhật

Theo Bác, muốn nuôi dưỡng và bồi đắp tinh thần thi đua yêu nước trong toàn thể nhân dân thì phải đưa họ vào các phong trào hành động cách mạng thực tiễn, càng khó khăn càng phải ra sức thi đua. Bác mong muốn người người, nhà nhà thi đua và toàn xã hội cùng thi đua: “Mục đích thi đua ái quốc là diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Vì vậy bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì đều cần phải thi đua làm cho mau, cho tốt, cho nhiều. Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái, giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần phải trở nên một chiến sĩ đấu tranh trên mọi mặt trận. Thực hiện khẩu hiệu toàn dân kháng chiến và toàn diện kháng chiến, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”.

Theo Bác thi đua ái quốc phải thiết thực, liên tục, bền bỉ, sôi nổi “Phải ăn sâu lan rộng khắp mọi mặt, mọi tầng lớp nhân dân”. Thi đua không thể chạy theo hình thức bên ngoài mà phải đi vào chiều sâu và lòng dân, phải thực chất khơi dậy tiềm năng sức mạnh của mỗi tập thể và cá nhân.

Từ lời kêu gọi của Bác, suốt 65 năm qua, những phong trào thi đua yêu nước đã dấy lên sôi động và đi vào trang sử cách mạng. Các phong trào thi đua yêu nước biến yếu tố tinh thần của toàn dân tộc thành sức mạnh to lớn đưa cách mạng vượt qua mọi thử thách để giành thắng lợi vẻ vang. Cùng với cả nước, các dân tộc Gia Lai đã quyết tâm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đấu tranh làm thất bại các âm mưu chiến lược của Mỹ, tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đi đến thắng lợi, giải phóng tỉnh Gia Lai vào ngày 17- 3-1975, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc vào ngày 30-4-1975, cùng cả nước đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội.

 

Ảnh: Thanh Nhật
Ảnh: Thanh Nhật

Qua 38 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, các phong trào thi đua tiếp tục cổ vũ khí thế lao động sôi nổi. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lãnh đạo khôi phục và đẩy mạnh  sản xuất, từng bước tạo sự phát triển ổn định kinh tế-xã hội.

Giai đoạn từ năm 1986 đến nay, sau gần 30 năm thực hiện theo đường lối đổi mới của Đảng trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tỉnh ta luôn phát huy sức mạnh đoàn kết, nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng và thế mạnh, đạt được những thành tựu to lớn.

Các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh đã tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống nhân dân, làm thay đổi tích cực bộ mặt nông thôn -nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Tiêu biểu là trong giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt bình quân 13,6%/năm. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, năm 2010 gấp gần 3,24 lần so với năm 2005, GDP bình quân đầu người gấp 2,82 lần so với năm 2005.

Hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển, bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc. Chất lượng giáo dục, y tế, thực hiện các chính sách xã hội, xóa đói giảm nghèo đạt nhiều thành tựu mới. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ cách mạng được cải thiện đáng kể. Phong trào thi đua “Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới” được triển khai từ năm 2011 đến nay theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, đã ưu tiên tập trung nguồn vốn đầu tư cho 45 xã điểm.

 

Làng mới. Ảnh: Đức Thụy
Làng mới. Ảnh: Đức Thụy

Hệ thống chính trị tiếp tục được kiện toàn và củng cố theo hướng vững mạnh. Công tác phát triển đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng đã đạt những thành quả lớn. Trong nhiệm kỳ 2005-2010, toàn Đảng bộ đã kết nạp được 11.272 đảng viên, tỷ lệ kết nạp đảng viên hàng năm bình quân hơn 8%. Số cơ sở đảng trong sạch vững mạnh hàng năm bình quân đạt 63,5%. Đến cuối năm 2012 toàn Đảng bộ tỉnh có 40.339 đảng viên; 100% thôn, làng, tổ dân phố đều có đảng viên. Đến nay toàn Đảng bộ tỉnh có 22 Đảng bộ trực thuộc, với hơn 940 tổ chức cơ sở đảng (gồm đảng bộ cơ sở và chi bộ cơ sở), hơn 3.460 chi bộ trực thuộc, 40.685 đảng viên (đến hết quý I- 2013).

Cùng với việc lãnh đạo nhân dân các dân tộc tỉnh nhà thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết XIV Đảng bộ tỉnh đề ra, Đảng bộ tỉnh đã tăng cường xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Đồng thời thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với công tác tự phê bình và phê bình, học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống, thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của đất nước và địa phương trong giai đoạn mới.

Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm