Phóng sự - Ký sự

70 năm Thanh niên xung phong: Vẹn lời thề "một xanh cỏ, hai đỏ ngực"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đêm Noel năm 1972, ba hồi còi báo động rú lên, đèn điện vụt tắt. Một vệt bom B52 ném xuống khu hầm 67 cán bộ, đội viên đại đội 915 đang trú ẩn tại ga Lưu Xá. 60 cán bộ, chiến sĩ hi sinh khi tuổi đời đương trẻ.

Ông Vũ Đức Dậu, em trai liệt sĩ Trần Thị Mai (đại đội 915, đội 91 Bắc Thái), bên tấm bằng Tổ quốc ghi công trên bàn thờ. Ngày ấy chị Mai hi sinh khi chưa kịp chụp được tấm ảnh. Ảnh: NAM TRẦN
Ông Vũ Đức Dậu, em trai liệt sĩ Trần Thị Mai (đại đội 915, đội 91 Bắc Thái), bên tấm bằng Tổ quốc ghi công trên bàn thờ. Ngày ấy chị Mai hi sinh khi chưa kịp chụp được tấm ảnh. Ảnh: NAM TRẦN
Tôi hiểu rằng các anh chị rất dũng cảm, mạnh mẽ, họ yêu đất nước và con người Việt Nam rất nhiều. Bảo tàng này khiến tôi cảm thấy có trách nhiệm như một người Mỹ, vì nhiều điều mà nước Mỹ đã làm.
JOHN SAULSBURY NIBLETT
(một người Mỹ viết sổ lưu niệm tại khu di tích lịch sử Thanh niên xung phong đại đội 915)
Chú làm xã đội dặn dò: "Cháu đi trận này là ác liệt lắm đấy". Mình nói với chú: "Một là xanh cỏ, hai là đỏ ngực".
Ngày ấy có năm anh em ở xã Yên Lãng cùng đi, có anh Chấn, anh Tung, Mai, Lý và tôi. Hi sinh ba người trong trận 24-12" - bà Lương Thị Hội, 67 tuổi, cựu TNXP đại đội 915, đội 91 Bắc Thái, nhớ lại.
Xung phong lên đường
Lặng lẽ lau giọt lệ lăn dài, bà Hội nói mấy mươi năm nay mỗi khi về lại ga Lưu Xá (Thái Nguyên), ký ức dội về rõ mồn một. Nơi ấy, 60 đồng chí, đồng đội của bà đã ngã xuống khi mới mười tám, đôi mươi. Cả đại đội chỉ còn bà Hội, bà Lan, bà Ly, bà Nhung, bà Loan, bà Túc, ông Thắng may mắn sống sót sau trận bom.
Ngày ấy được phân về đại đội 915, Hội cùng anh em TNXP trong đội 91 Bắc Thái và 160 công nhân Công ty cầu - đường ra quân làm nhiệm vụ sửa chữa, nâng cấp đoạn quốc lộ 1B từ cầu Gia Bảy (thành phố Thái Nguyên) đến xã La Hiên (huyện Võ Nhai).
Đang sửa chữa, nâng cấp đoạn đường 16A, khoảng 9h30 sáng 13-9-1972, máy bay Mỹ ồ ạt ném bom bắn phá khiến nữ TNXP Hoàng Thị Cát hi sinh tại chỗ, Hội cùng bảy đội viên khác bị thương bởi sức ép của bom.
Ngày 23-12-1972, Phó thủ tướng Chính phủ Đỗ Mười chỉ đạo tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên và Bắc Kạn - PV) tổ chức ca kíp, tập trung lực lượng, phương tiện để giải tỏa hàng hóa ở các kho, chân hàng nằm trong khu vực trọng điểm đánh phá của địch.
Bà Hội kể ngày ấy trên giao xuống cho đại đội 915 cử 60 cán bộ, đội viên xuống ga Lưu Xá thực hiện nhiệm vụ, nhưng đơn vị xung phong tới 66 người do đại đội trưởng Triệu Văn Việt phụ trách, dưới sự chỉ huy của đội phó đội 91 Nguyễn Thế Cường.
Đến chập tối 24-12, số lương thực, hàng hóa tồn đọng ở ga Lưu Xá cơ bản được giải tỏa, cả đơn vị chưa kịp ăn cơm thì còi báo động rú lên, tiếng loa phóng thanh phát đi dồn dập: "Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay Mỹ đang bay vào thành phố Thái Nguyên".
Nén xúc động, bà nhớ tiếng hô lớn của anh Cường đội phó và anh Việt đại đội trưởng: "Tất cả các đồng chí vào đây hết".
"Vào đến hai hầm trú ẩn, ụp một phát tất cả dồn hết vào giữa. Đánh ụp phát nữa, sập hầm. Tôi ngất lịm đi..." - cựu TNXP Lương Thị Hội nghẹn ngào.

Bà Lương Thị Hội, cựu TNXP đại đội 915, đội 91 Bắc Thái, sống sót trong trận bom đêm 24-12-1972 bên tấm hình của bà và đồng đội - Ảnh: NAM TRẦN
Bà Lương Thị Hội, cựu TNXP đại đội 915, đội 91 Bắc Thái, sống sót trong trận bom đêm 24-12-1972 bên tấm hình của bà và đồng đội. Ảnh: NAM TRẦN
Khúc tráng ca đêm Noel
Nơi các anh chị ngã xuống trong đêm Noel rực lửa năm ấy nay được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Nơi khu lưu niệm TNXP của đại đội 915 có một căn hầm được ví như một bảo tàng thu nhỏ trưng bày những kỷ vật vô giá của các anh hùng liệt sĩ. Nhưng có lẽ day dứt hơn cả là hai bức tường - nơi treo những khung ảnh chỉ có tên, năm sinh, năm mất của các liệt sĩ. 
Ngày lên đường, các anh các chị chẳng kịp chụp được một tấm hình...
"Chị mất mà không có lấy tấm ảnh nào. Ngày mẹ tôi còn sống cũng lặn lội đi Bắc Kạn, về ATK Định Hóa tìm đến bạn bè của chị để tìm ảnh cho con nhưng không tìm được" - ông Vũ Đức Dậu, em trai của liệt sĩ Trần Thị Mai (ở xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), xót xa.
Trong ký ức của ông Dậu, "chị Mai to cao, đẹp gái, mạnh mẽ, bạo dạn lắm". Hai ngày trước đêm 24-12, chị xin phép đơn vị về thăm nhà.
"Bố mẹ bảo đã về thôi thì ở nhà chơi một hai hôm rồi đi. Nhưng chị nói xuống đơn vị luôn, lần sau còn xin về dễ. Chị đi, gia đình có giúi cho một ít gạo nếp... Vậy mà hai hôm sau nhận tin chị hi sinh" - ông Dậu hồi tưởng.
Nay trên bàn thờ của gia đình chỉ có duy nhất tấm bằng "Tổ quốc ghi công" thay cho tấm ảnh chị gái.
Cách nhà thờ Giáo xứ Yên Lãng chừng mấy trăm mét là nhà của ông Nguyễn Văn Tám - em trai của liệt sĩ Nguyễn Thị Lý. Ngày chị Lý ra đi cũng không có lấy một tấm hình, nơi tủ kính của gia đình ông Tám chỉ vỏn vẹn đặt một tấm bằng "Tổ quốc ghi công".
Gia đình theo đạo Công giáo, ông Tám nhớ lại đêm ấy ở nhà đang sửa soạn mừng lễ, không ngờ lại là đêm Noel cuối cùng trong cuộc đời chị Lý.
"Ngày nhận giấy báo tử, mẹ già yếu không chịu nổi cú sốc, hơn hai tháng sau mẹ qua đời. Không có ảnh đâu, chị Mai không có, chị Lý cũng không có, còn mỗi tấm bằng Tổ quốc ghi công" - ông Tám bộc bạch.
Năm 2009, Chủ tịch nước ký ban hành quyết định tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đại đội 915, đội TNXP 91 Bắc Thái.
Tiếng gọi của Thắng
Khi còi báo động yên, Hội tỉnh dậy nghe tiếng khóc, tiếng kêu cứu của anh chị em. "Thắng đây, Hội với Ly à, bới cho anh chỗ này này".
Các chị Lương Thị Hội, Liêu Thị Ly, Nguyễn Thị Nhung tìm cách đào bới, thoát lên khỏi đống đổ nát. Dặn dò Thắng cố gắng gắng gượng, mấy chị dìu nhau vượt qua các hố bom B52 bò ra đến mặt đường để tìm về báo tin cho đơn vị.
"Lúc ấy nhìn thấy đồng đội nhưng không biết nói gì nữa. Mới đương cười đùa, hát hò với nhau, mà chỉ trong tích tắc... Rất đau thương, người chết đã chết rồi, chúng tôi may mắn sống sót, dân làng, đồng đội ai cũng thương mình" - cựu TNXP Lương Thị Hội chia sẻ.
HÀ THANH - NAM TRẦN (TTO)

Có thể bạn quan tâm