8 trường hợp miễn nhập ngũ trong thời chiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
8 trường hợp miễn nhập ngũ trong thời chiến ảnh 1
 
Ngày 13-6, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2011/NĐ-CP quy định công dân thuộc diện làm nghĩa vụ quân sự được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến.


Nghị định này nêu rõ, việc quy định công dân thuộc diện làm nghĩa vụ quân sự được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến là để chủ động lập kế hoạch huy động lực lượng dự bị động viên bổ sung cho lực lượng thường trực của quân đội, bảo đảm đủ lực lượng sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đồng thời để duy trì quản lý nhà nước, duy trì hoạt động xã hội và bảo đảm hoạt động kinh tế của đất nước trong thời chiến.

Theo đó, Chính phủ quy định 8 trường hợp công dân được miễn gọi nhập ngũ trong thời chiến gồm:

1- Công dân đang đảm nhiệm vị trí chủ chốt trong các cơ quan nhà nước, tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị- xã hội từ địa phương đến Trung ương, tổ chức kinh tế có nhiều lao động hoặc có tác động lớn đến hoạt động kinh tế một vùng, một ngành, một lĩnh vực kinh tế đất nước; nếu công dân này nhập ngũ sẽ trực tiếp làm giảm, làm gián đoạn hoặc ngừng hoạt động của cơ quan, tổ chức đó, trực tiếp ảnh hưởng việc duy trì quản lý, hoạt động của xã hội và hoạt động của nền kinh tế đất nước.

2- Công dân nằm trong kế hoạch bảo đảm cho hoạt động quốc phòng trong thời chiến.

3- Công dân đang công tác ở các vị trí đặc biệt quan trọng như đang làm việc ở các công trình trọng điểm quốc gia, các ngành cơ yếu, vẽ, in giấy bạc, các đài, trạm khí tượng thủy văn, đèn biển, hoa tiêu, chủ nhiệm các công trình nghiên cứu cấp bộ, ngành, quốc gia, quốc tế và các vị trí quan trọng trong các ngành nghề đặc biệt khác.

4- Công dân làm việc trong các cơ quan, tổ chức đang hoạt động ở địa bàn đặc biệt khó khăn như các xã biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng dân tộc ít người được Chính phủ xác định đặc biệt khó khăn về kinh tế, xã hội.

5- Công dân được cấp có thẩm quyền công nhận có trình độ cao cấp về chuyên môn, nghiệp vụ và đang hưởng lương cao cấp về chuyên môn, nghiệp vụ đó.

6- Công dân có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm để duy trì hoạt động của cơ quan, tổ chức lớn trong thời chiến như có tay nghề thuộc bậc cuối cùng trong thang năm bậc trở xuống hoặc hai bậc cuối cùng trong thang sáu bậc trở lên.

7- Công dân có trình độ nghiên cứu khoa học cao hoặc là nguồn để phát triển tài năng cho đất nước.

8- Công dân là con độc nhất hoặc con trai duy nhất của liệt sĩ.

Nghị định cũng nêu rõ, khi có nhu cầu cần thiết, Bộ Quốc phòng được phép điều động một số công dân có chuyên môn thuộc các đối tượng quy định nêu trên vào phục vụ trong quân đội.

Nghị định có hiệu lực từ 1-8-2011.

Theo SGGP

Có thể bạn quan tâm