9 điểm đến nổi tiếng xứ Huế bạn nên ghé thăm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khách muốn tìm hiểu lịch sử có thể ghé Kinh thành Huế, còn phá Tam Giang là điểm dừng chân cho người yêu thiên nhiên.
 
Chùa Thiên Mụ
Chùa Thiên Mụ xây vào năm 1601, còn được gọi là Linh Mụ. Chùa nằm trên đồi Hà Khê cách trung tâm TP Huế khoảng 5 km về phía tây, với hướng nhìn ra dòng sông Hương. Đến đây, du khách sẽ được đắm mình trong không gian thanh tịnh và trong lành cùng cảnh vật thiên nhiên yên bình. Ảnh: Phong Vinh.
 
Đại Nội Huế
Cách cầu Trường Tiền khoảng một km là Đại Nội Huế, tên thường gọi chung cho Hoàng thành và Tử Cấm thành Huế. Hiện giá tham quan điểm này là 150.000 đồng một khách.
Hoàng thành Huế là vòng thành thứ hai bên trong Kinh thành Huế, có chức năng bảo vệ các cung điện, miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và Tử Cấm Thành. Còn Tử Cấm Thành là vòng thành thứ ba. Bên trong là nơi chỉ dành riêng cho vua và hoàng gia, được bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Tý Nguyễn.
 
Lăng Khải Định
Hành trình khám phá xứ Huế sẽ không thể thiếu Lăng Khải Định. Nằm ở thị xã Hương Thủy, Lăng Khải Định còn được gọi bằng tên khác là Ứng Lăng. So với các công trình lăng tẩm ở Huế, nơi này có diện tích khá nhỏ nhưng thời gian để hoàn thành công trình lại lâu nhất, lên tới 11 năm và tốn nhiều công sức, tiền của nhất. Ảnh: Nhã Trần.
 
Quốc học Huế
Nằm ở số 12 Lê Lợi, ngôi trường nổi bật với các bức tường màu đỏ. Nơi đây là trường học nên để vào tham quan, chụp ảnh, bạn cần xin phép bảo vệ. Trường rất rộng, xây trên khu đất hơn 4.000 m2. Các điểm chụp ảnh được yêu thích là dãy hành lang, các bức tường chạm trổ tinh xảo, dưới các tán cây. Mùa xuân ở trường có hoa điệp anh đào nở, sang hè có bằng lăng tím, phượng đỏ. Ảnh: Phong Vinh.
 
Cầu ngói Thanh Toàn
Cầu ngói Thanh Toàn nằm ở làng Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy. Công trình này làm bằng gỗ, kiến trúc theo kiểu "thượng gia, hạ kiều", tức trên nhà dưới cầu, dài hơn 18 m, rộng gần 6 m. Đây là một trong số ít cây cầu với kiểu kiến trúc này còn tồn tại đến ngày nay ở Việt Nam. Cây cầu cách trung tâm thành phố chừng 8 km. Bạn có thể đi trước để dành thời gian chiều nghỉ ngơi ở thôn Vĩ Dạ. Ảnh: Thanh Toàn.
 
Bảo tàng nghề thêu
Nằm cạnh bờ sông Hương, trên đường Phạm Hồng Thái, bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ mang lại cho du khách cái nhìn gần gũi về nghề thêu thông qua nghệ thuật sắp đặt. Hiện nơi đây có hơn 400 tác phẩm, hiện vật, tranh ảnh, tài liệu liên quan đến nghề thêu. Các tác phẩm trong bảo tàng đều do nghệ nhân ở Huế thực hiện. Ảnh: Phong Vinh.
 
Phá Tam Giang
Một điểm dừng chân không thể bỏ qua khi đến Huế là phá Tam Giang, nơi hội tụ của 3 con sông lớn là sông Ô Lâu, sông Hương và sông Bồ trước khi đổ ra biển qua cửa Thuận An. Nổi tiếng là vùng đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, cách thành phố Huế khoảng 12 km, phá Tam Giang mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, vắng lặng. Thời điểm lý tưởng để khám phá nơi này là lúc hoàng hôn. Ảnh: Nhã Trần.
 
Đầm Lập An
Đầm Lập An có tên khác là An Cư nằm gần quốc lộ 1A đoạn qua thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc trên con đường nối tới Đà Nẵng. Đầm có vị trí khá đẹp, dưới chân đèo Phú Gia với bán kính 15 km. Lập An được bao quanh bởi dãy núi Bạch Mã hùng vĩ, phía trước là vịnh Lăng Cô với màu nước xanh như ngọc.
Đây là điểm đến lý tưởng cho những nhiếp ảnh gia nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp. Thời gian đẹp nhất để đi đầm Lập An là tháng 3 - 6, mùa này nắng khá gay gắt nhưng khi lên hình cảnh sẽ đẹp hơn. Du khách có thể kết hợp để làm chuyến khám phá, chụp ảnh Lăng Cô - Lập An - Bạch Mã. Ảnh: Mạc Đăng Thêm.

 
Vườn quốc gia Bạch Mã
Xe máy và ôtô trên 30 chỗ không được di chuyển nên du khách phải thuê xe từ cổng vườn quốc gia để tham quan. Mỗi xe chở 9-12 khách, có thể ghép đoàn, giá 900.000 - 1,2 triệu đồng (cả đi lẫn về), vé vào cổng 40.000 đồng. Các điểm tham quan gồm thác Đỗ Quyên, Ngũ Hồ, Vọng Hải Đài, thác Trĩ Sao, rừng Chò Đen, thiền viện Trúc Lâm hay hồ Truồi. Ảnh: Thanh Tuyết.
Di Vỹ (ngoisao)

Có thể bạn quan tâm