Thời điểm "vàng" để siết tour 0 đồng, tour đại hạ giá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nếu vẫn tiếp tục quản lý các tour dành cho du khách Trung Quốc như trước đây thì vừa không đảm bảo được quyền lợi chính đáng của khách, vừa gây nên sự bát nháo của thị trường và thất thu thuế lớn.

Một cửa hàng phục vụ tour “đại hạ giá”. Ảnh: Nguyễn Hùng
Một cửa hàng phục vụ tour “đại hạ giá”. Ảnh: Nguyễn Hùng
Không ai cho không
Trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, Cửa khẩu quốc tế Móng Cái là nơi du khách đường bộ Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam với số lượng đông nhất trong toàn bộ các cửa khẩu với Trung Quốc trên toàn quốc. Trung bình, mỗi năm cửa khẩu này đón trên 500.000 du khách Trung Quốc nhập cảnh bằng hộ chiếu.
Để tranh giành khách, các công ty lữ hành đua nhau đại hạ giá tour, khiến có lúc giá như cho không. Trong khi đó, theo tính toán, giá tối thiểu cho một tour 3 đêm, 4 ngày/khách thời điểm trước dịch COVID-19 dao động từ 2,4-2,7 triệu đồng.
Đã không ít có ý kiến cho rằng, khách phải mua tour với giá bao nhiêu không quan trọng, vấn đề là khách vẫn phải ăn, nghỉ, mua vé tham quan, mua sắm… và những dịch vụ đó vẫn phải trả tiền.
Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như vậy, bởi phần lớn du khách chỉ được bố trí ăn, ngủ ở các nhà nghỉ, khách sạn, quán ăn nhỏ, xa trung tâm và thường không xuất hóa đơn.
Theo đại diện các công ty du lịch có trụ sở tại Quảng Ninh, chỉ chắc chắn thu được các khoản “cứng”, gồm phí visa nhập cảnh và vé tham quan vịnh Hạ Long; còn những khoản khác thì đang bỏ ngỏ.
Với 500.000 khách nhập cảnh qua Móng Cái/năm, giá tour tối thiểu từ  2,4-2,7 triệu đồng/khách, tổng số tiền ước tính là từ 1.200 - 1.350 tỉ đồng.
Vậy đại hạ giá tour, thậm chí dưới giá thành rất lớn thì những người điều hành tour sẽ làm từ thiện hay kiếm các nguồn khác bù vào?
Ngoài việc, cung cấp các dịch vụ ăn, nghỉ chất lượng thấp, lại không phải xuất hóa đơn, thì các điểm bán hàng mọc lên ở khắp nơi ở Móng Cái, Hạ Long là nguồn thu chính và cực lớn để bù lại cho việc đại hạ giá tour và kiếm lời.
Tuy nhiên, các cửa hàng này cũng nộp thuế chẳng đáng bao nhiêu so với doanh thu cực lớn. Báo Lao Động từng có loạt bài phản ánh, điều tra về các cửa hàng chuyên phục vụ khách Trung Quốc tại Hạ Long. Trong đó, có những ngày, mỗi cửa hàng đón cả chục đoàn khách, có đoàn chi bỏ ra hàng trăm triệu để mua hàng, nhưng báo cáo doanh thu chỉ vài triệu đồng/tháng.
Năm 2017, thông tin từ Cục Thuế Quảng Ninh, 32 điểm bán hàng tại Hạ Long và Móng Cái nộp tổng cộng hơn 1,5 tỉ đồng tiền thuế và đến năm 2018 thì tăng đột biến - lên khoảng 11 tỉ đồng, sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc. Tuy nhiên, mức nộp thuế này còn là quá thấp so với doanh thu thực.
Có những thời điểm, hướng dẫn viên (HDV) du lịch cũng bị ép phải kiếm tiền. Nhiều chuyện nực cười, bức xúc đã xảy ra khi trên xe từ Móng Cái vào Hạ Long, HDV vừa thuyết phục, vừa dọa dẫm du khách mua hàng, mua vé tham quan các cảnh điểm. Nhiều đoàn, nhiều du khách không chịu mua, HDV cho xe đi vòng vèo, đi chậm, chứ không đưa thẳng về khách sạn, khiến du khách mệt mỏi, bức xúc.
Mấu chốt ở các công ty lữ hành
Trao đổi với Lao Động, đại diện các đơn vị quản lý, các công ty du lịch tại Quảng Ninh cho rằng, đây là thời điểm “vàng” để siết chặt quản lý việc đón khách Trung Quốc, nhất là khách đường bộ, bởi tất cả đều khởi động từ đầu. Mục tiêu chính là bảo vệ quyền lợi của du khách - cũng chính là bảo vệ hình ảnh du lịch Việt Nam, đồng thời chống thất thu thuế.
Để làm được việc này thì phải quản lý được các công ty lữ hành và đòi hỏi phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, đơn vị liên ngành, không chỉ trong tỉnh, mà còn trong toàn quốc.
Theo ông Nguyễn Thế Huệ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh: Quảng Ninh đã từng xử phạt rất nhiều các công ty lữ hành vi phạm, nhưng xử lý công ty này thì lại xuất hiện công ty mới tham gia thị trường do việc thành lập công ty dễ dàng.
Hơn nữa, sau này rất nhiều công ty lữ hành tham gia đón khách Trung Quốc có địa chỉ ở cả Thái Bình, Nam Định, thậm chí cả ở các tỉnh Tây Bắc nên các cơ quan chức năng Quảng Ninh không thể kiểm tra, xử lý được.
Theo ông Huệ, Quảng Ninh cũng từng kiến nghị những công ty tham gia đón khách đường bộ Trung Quốc phải có trụ sở và khai báo, nộp thuế tại Quảng Ninh nhưng không được chấp. Nhiều công ty ngoại tỉnh vi phạm, các cơ quan chức năng Quảng Ninh gửi công văn về các đơn vị liên quan ở các tỉnh, thành đề nghị hợp tác xác minh, xử lý nhưng cũng không nhận được sự hợp tác.
Kết quả: Các công ty có trụ sở tại Quảng Ninh đành phải nhường lại “đất” cho các công ty ngoại tỉnh hoạt động, khiến tình hình lại phức tạp hơn. Cụ thể, năm 2019, hơn 500.000 du khách Trung Quốc nhập cảnh qua Móng Cái thì các cty lữ hành của Quảng Ninh chỉ đón được trên 25.000 khách; số còn lại là của các công ty lữ hành ngoại tỉnh.
“Một mình Quảng Ninh không thể làm được. Nếu cứ tình trạng này thì nhà nước chỉ thu được các loại phí, vé và những đồng thuế ít ỏi. Lợi nhuận kếch xù thì những người khác hưởng và để lại những bát nháo cho thị trường du lịch Việt Nam” - ông Huệ nói.
“Chúng tôi rất đồng tình với việc siết chặt quản lý tour cho khách Trung Quốc nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của du khách và bảo vệ uy tín, hình ảnh của du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, phải minh bạch, công khai, công bằng giữa các DN trên toàn quốc. Liệu, các cơ quan chức năng, các địa phương có làm được không?”- ông Nguyễn Việt Đức - Giám đốc Công ty CP du lịch Hữu Nghị
Theo Nguyễn Hùng (LĐO)
https://laodong.vn/thi-truong/thoi-diem-vang-de-siet-tour-0-dong-tour-dai-ha-gia-1137187.ldo

Có thể bạn quan tâm