Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Ai sẽ mua chiếc áo được cho là long bào của vua Bảo Đại?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chưa có động thái gì từ các cơ quan quản lý nhà nước về việc muốn mua hay có kế hoạch mua chiếc áo được cho là của vua Bảo Đại sắp mang ra đấu giá.

Chiếc long bào gây tranh luận

Chiếc áo được cho là long bào của vua Bảo Đại đang được nhà đấu giá Delon - Hoebanx, Pháp, chào bán. Phiên đấu giá dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 7.12 tới. Thông tin từ Delon - Hoebanx cho biết đây là hiện vật thuộc một bộ sưu tập cá nhân ở Pháp. Theo hình ảnh tư liệu, chiếc long bào này may bằng lụa vàng, có lót lụa màu cam, thêu chỉ nhiều màu và cả chỉ vàng. Trên áo có hình rồng, cũng là gợi ý tới nhà vua. Trong catalogue giới thiệu hiện vật của phiên đấu giá còn có phần giới thiệu về vua Bảo Đại. Theo đó, ông được mô tả là người đã thoái vị vào năm 1945 với tuyên bố "Tôi thà làm dân một nước tự do còn hơn làm vua một nước nô lệ".

Hình chiếc áo trong cuốn catalogue của nhà đấu giá. Ảnh: CHỤP MÀN HÌNH

Tuy nhiên, hiện có nhiều ý kiến tranh luận xoay quanh nghi vấn chiếc áo có đúng là của vua Bảo Đại hay không. Một nhà sưu tập tại Hà Nội giấu tên cho biết: "Có nhiều chi tiết tôi thấy ngờ ngợ việc áo là của vua Bảo Đại. Chẳng hạn, nếu thật sự là long bào thì lót áo phải là vàng chứ không phải cam. Màu cam là của thân vương. Tất nhiên còn nhiều chi tiết nữa mà quan sát thông tin trên trang đấu giá cho thấy chưa chắc là hiện vật của vua Bảo Đại. Dù vậy, vẫn cần quan sát trực tiếp, sờ tay mới có thể xác định chính xác".

Theo nhà sưu tập này, chiếc áo gợi cho bà nhớ đến áo người Việt đặt may tại Trung Quốc theo mẫu long bào xưa. "Cách đây khoảng 5 - 7 năm, nhà nghiên cứu Trịnh Bách giám định một chiếc áo, sau đó khi đưa ra bán nhãn ghi rõ là áo mô phỏng. Tuy nhiên, chiếc áo đó vẫn bán được 1,5 tỉ đồng. Nếu là áo thật thì mấy chục tỉ đồng. Người mua cũng có nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn mua về bày cho đẹp, hay mua về nghiên cứu chẳng hạn… Họ không phải người tiếp xúc hiểu biết nhiều về cổ vật thì họ mua, hoặc có mục đích khác thì mình không biết", nhà sưu tập này nói.

Hình ảnh một góc của chiếc áo được cho là long bào của vua Bảo Đại

Nhà sưu tập này cho rằng trong mọi trường hợp, dù thông tin nhà đấu giá đưa lên thế nào, người mua cũng phải cân nhắc. Nhưng theo bà, khả năng đấu giá thành công của chiếc áo là có. "Hiện tại, có một xu hướng rất muốn mua đồ của triều Nguyễn. Chiếc ấn Hoàng đế chi bảo trở về vừa rồi cũng thúc đẩy điều đó", nhà sưu tập chia sẻ.

Trong khi đó, một chuyên gia về văn hóa triều Nguyễn cũng cho rằng hiện vật nói trên quá mới, chưa kể các hoa văn thủy ba ở phía dưới thân áo không đúng điển chế, cũng có vẻ đều đặn bất thường như thể không phải thêu tay. Trong khi đó, long bào là hiện vật có tính điển chế rất cao. Hơn nữa, vị chuyên gia cho biết hiện tại ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia TP.HCM cũng đã có một chiếc long bào hiện vật gốc. "Để nói về hiện vật kỹ hơn thì phải sờ tận tay. Nhưng chúng ta cũng đã có hiện vật gốc tại bảo tàng rồi", nhà nghiên cứu cho biết.

Phương án tốt nhất cho hiện vật

Theo thông tin từ Bộ VH-TT-DL, hiện chưa có bảo tàng trong nước hay bảo tàng tư nhân nào có ý muốn mua chiếc áo để mang trở về.

Hình ảnh vua Bảo Đại được nhà đấu giá giới thiệu

Trong quá trình mua ấn Hoàng đế chi bảo vừa qua, thông tin từ Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) cho thấy việc thẩm định để khớp các thông tin đã được thực hiện từ nhiều nguồn khác nhau. Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng có văn bản báo cáo về việc đối chiếu các thông tin được chép trong sách Đại Nam thực lục, Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ với các thông tin đăng tải của Hãng đấu giá Millon để khẳng định đó chính là chiếc kim ấn Hoàng đế chi bảo…

Trở lại chiếc áo được cho là long bào, TS Trần Đức Anh Sơn, chuyên gia về lịch sử VN và văn hóa Huế, cho biết hiện vật được đăng tải thông tin bán đấu giá công khai. Chính vì thế, nếu muốn mua về cho các bảo tàng nhà nước thì nhà nước phải chi khoản tiền đó cùng với việc xem xét các yếu tố xác thực. "Tôi thấy cũng nên có cơ chế để các bảo tàng công lập có thể mua hiện vật đó về. Áo thì giá rẻ, chứ không đắt như ấn. Còn khi ra đấu giá rồi thì ai cũng có quyền nhảy vào mua, mà như thế thì giá sẽ lên rất cao", TS Trần Đức Anh Sơn nói.

Cũng theo TS Trần Đức Anh Sơn: "Kinh nghiệm là theo thông lệ quốc tế, các bảo tàng nhà nước luôn được ưu tiên. Bảo tàng nhà nước có thể đứng ra đàm phán trước khi đấu giá, trả tiền và chịu phí thuế. Người gửi đồ sẽ phải cắt 5 - 10% tùy theo hãng cho nhà đấu giá. Mình thương lượng thì cũng phải cắt lại ngần đó. Thứ hai là thuế cho nước sở tại. Cục Di sản văn hóa mua thì phải thương lượng với người giám tuyển tổ chức cuộc đấu giá để gặp chủ nhân thực sự và thỏa thuận trước khi bán đấu giá. Trong quá trình thỏa thuận cũng nói rõ khi mua được tôi sẽ nộp thuế đủ giống như bán đấu giá cho hãng, cho nhà nước. Nó luôn chạy từ 17 - 23% giá hiện vật".

Theo TS Sơn, đó là cách tốt nhất để hiện vật quý có thể hồi hương với giá tốt. "Mang ra đấu giá thì thua vì cơ chế của mình không cho phép theo cuộc đấu giá đến cùng. Ví dụ mình đặt 1.000 USD thì có người đặt 1.100 USD. Đấu giá bức tranh Chiều tà của vua Hàm Nghi, đến một lúc mình không thể đặt hơn được nữa vì nhà nước chỉ cho đến đó thôi, đến khung như vậy, mình dừng lại thì người thắng chỉ mua hơn mình có mấy đồng. Nên từ xưa chưa bao giờ mình thắng mua đấu giá kiểu đó", TS Sơn cho biết.

Có thể bạn quan tâm