Phóng sự - Ký sự

Ám ảnh làng nghề truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong lòng TP. HCM đã từng tồn tại 64 làng nghề truyền thống một thời hưng thịnh. Nhiều làng có tuổi đời hàng trăm năm, đi qua chiến tranh một cách khó khăn, sống lay lắt thời kỳ bao cấp mà vẫn là nghề cứu cánh của biết bao gia đình. Vậy mà nay, kinh tế phát triển, thị trường mở rộng cả trong lẫn ngoài nước nhưng làng nghề lại vướng cảnh “sống dở chết dở”, hoặc biến mất đầy tiếc nuối.

Từ TP. HCM, chạy xe máy theo quốc lộ 22 tầm gần 2 giờ đồng hồ, chúng tôi đến huyện Củ Chi - cái nôi của những làng nghề thủ công để “mục sở thị” người và nghề. Xã Thái Mỹ nổi tiếng với nghề đan lát, được giới thiệu còn cả trăm người theo nghề. Trái với hình dung cảnh nhà nhà chẻ tre, í ới gọi nhau, không khí làm việc khẩn trương; trước mắt chúng tôi, những ngôi nhà mái lá nép mình sau lũy tre, vài chiếc rổ đan dở nằm chỏng chơ ngoài sân nắng. Tiếng gà trưa càng làm không gian thêm thanh vắng.

 

Làng nghề mành trúc Tân Thông Hội muốn trụ lại phải đổi mới từng ngày...

Nét chấm phá buồn

Bà Trần Thị Đo (76 tuổi) đón tôi bằng nụ cười buồn: “Đúng là ở đây có nhiều người đan rổ rá thật, nhưng toàn các ông bà già, phụ nữ lớn tuổi không có việc làm. Còn thanh niên trai tráng làm xí nghiệp hết rồi cô ơi. Mình già rồi, kiếm vài đồng ăn bánh kẹo, khỏi làm phiền con cháu chứ sống gì được bằng nghề này”.

Nói rồi, bà Đo lặng lẽ chẻ nhỏ những nan tre, tỉ mẩn luồn tay kết từng sợi nan vào nhau. Đôi bàn tay nhăn nheo thoăn thoắt lên xuống “sinh” ra cái thúng, rổ tròn xoe. Bà kể, mỗi ngày tôi làm được chừng một cặp rổ, được trả 12.000 đồng. Trước, nghề đan lát nuôi sống cả gia đình người làng Thái Mỹ, nhà bà Đo cũng có chục người làm nghề. Cơ chế thị trường, rổ nhựa, rổ nhôm “giết” dần rổ tre. Hàng bán không được, người tìm việc khác, nghề cũng teo tóp theo. “Đan lát không “chết” nhưng sống lay lắt lắm. Làm vui chơi thôi chứ không trông mong gì” - bà Đo nói nhẹ tênh.

Nghề đương (đan) đệm ở xã Tân Thạnh Tây trước xôm tụ bao nhiêu thì giờ hiu hắt, vắng vẻ bấy nhiêu. Bà Nguyễn Thị Bảy (Út Bảy, 60 tuổi) hồi tưởng, vài năm trước thương lái, người tiêu dùng ở Đồng Nai, Tây Ninh, Long An… tranh nhau đặt hàng. Nhà nhà đương nệm, việc làm không xuể. Nệm Tân Thạnh Tây “độc, lạ” vì đương từ cây bàng. Bàng mua về phải qua công đoạn phơi nắng cho khô rồi đem ép, đập cho mềm ra mới có thể bắt đầu đan. Sản phẩm làm xong có người thu mua tận nhà. “Những nguyên nhân như thiếu vốn, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, mẫu mã sản phẩm đơn điệu, thiếu tính thị trường và công nghệ lạc hậu không thể cạnh tranh được với sản phẩm công nghiệp. Dù rất tiếc nhưng tôi cũng đành buông vì không trụ nổi”- bà Út Bảy tiếc nuối.

Phường 7, 8 (Q.6) giờ đã vắng bóng người làm chổi bông cỏ, chổi lông gà. Hỏi thăm nhiều người, chúng tôi mới tìm được anh Ngô Văn Tỵ, chủ một cơ sở làm chổi trên đường Phạm Văn Chí (Q.6) - người hiếm hoi còn neo nghề. Anh Tỵ bảo, nhắc đến xóm chổi Sài Gòn, ai cũng biết tiếng Q.6. Chổi làm hoàn toàn thủ công, rất bền và chắc chắn. Vì vậy, thương lái ở các chợ đầu mối thường về tận nơi lấy hàng; hoặc vài ba gia đình có thể hùn hạp nhau chở hàng lên các chợ bán. Ba năm nay, mặt hàng chổi làm ra khó bán, số người làm nghề cũng chuyển hướng khác. “Bây giờ đồ nhựa, đồ sợi bông hóa học bán đầy đường với giá cực rẻ. Thời buổi này ít có ai chịu bỏ thời gian đi tìm mua một cái chổi tốt, cứ ra chợ mua đại về xài khi nào hư thì mua cái mới. Vì thế làm chổi thủ công, nói là giữ nghề gia truyền nhưng khó sống lắm” - anh Tỵ giãi bày.

 

Xóm chổi Sài Gòn giờ chẳng còn mấy ai theo nghề.

Loay hoay bám nghề

Nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng ngày càng hướng “sống xanh”, thân thiện môi trường, người làng nghề đã ứng dụng công nghệ cùng với đẩy mạnh tiếp thị, tham gia xúc tiến thương mại tìm đầu ra sản phẩm. Như mành trúc Tân Thông Hội (H.Củ Chi) biến tấu từ cách pha màu sơn, hình ảnh cho đến khảm thêm xà cừ, trai ốc… tạo nét mới lạ, bắt mắt. Người sản xuất cũng nhắm vào khách hàng là nhà hàng, khách sạn, resort... Ông Nguyễn Hữu Bèn - Giám đốc công ty sản xuất mành Thanh Trúc bộc bạch: “Mình phải luôn cập nhật cái mới để phù hợp xu hướng, làm sao sản phẩm đẹp, bền và nhẹ hơn, mới xuất khẩu được. Cái khó ở đây là người làm nghề vẫn đang phải tự cứu mình, chứ chưa được sự hỗ trợ gì từ địa phương. Vì yêu và tiếc cái nghề của tổ tiên nên tôi muốn gìn giữ cho con cháu”.

Làng dệt chiếu Bình An (Q.8) dường như đã chìm vào quên lãng. Hình ảnh những nghệ nhân quay đay, dệt chiếu như cũng dần phai trong ký ức nhiều người. Chị Võ Thị Xuyến (thâm niên 10 năm) thỉnh thoảng vẫn miệt mài bên khung sạp khi có người đặt hàng, nghẹn ngào: “Đối với nghệ nhân làm nghề truyền thống, nghề chính là cuộc sống, là kí ức, kỷ niệm của cả một dòng tộc suốt mấy đời gắn bó. Tôi chưa bao giờ bỏ nghề, vẫn làm khi có người yêu cầu, vẫn rong ruổi Bắc Nam để tìm đơn hàng… Tôi cũng muốn đổi mới, muốn cải tiến nhưng tiền không có, đầu ra cũng không. Thế nên vẫn làm thủ công, tham gia các buổi triển lãm, giới thiệu nghề dệt chiếu đến mọi người. Ai có nhu cầu tham quan, tìm hiểu, mình đều hướng dẫn tận tình. Tiếc là những hoạt động như vậy không nhiều nên vẫn loay hoay, tới đâu biết tới đó thôi”...

Nem Thủ Đức dù nổi tiếng là vậy nhưng cũng không thoát cảnh chợ chiều. Để tồn tại, ông Nguyên Hùng - chủ cơ sở nem Bà Chín chân tình, muốn sống được trong thời buổi này, những làng nghề truyền thống buộc phải thay đổi cách sản xuất. “Bí quyết sống được với nghề của gia đình tôi là hiện đại hóa cách làm nem. Không thể giữ mãi lối sản xuất cũ kỹ, tốn nhiều thời gian, công sức như ngày xưa. Cái gì cải thiện được hãy cải thiện” - ông Hùng chia sẻ. Với quan điểm đó, ông Hùng dùng máy giã thịt thay cho giã tay; đăng ký thương hiệu nem Bà Chín; công khai các chỉ tiêu chất lượng để người tiêu dùng tin tưởng; ngoài cách gói nem theo chùm bằng dây và lá chuối, ông thiết kế hộp giấy để đóng gói tiện cho khách đi đường xa. Đồng thời giới thiệu trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội… chứ không trông chờ “hữu xạ tự nhiên hương” như trước.

Ông Lê Thế Khải - Chủ nhiệm HTX làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông cho biết, HTX không chỉ đổi mới từ làm thủ công sang công nghiệp, nâng cao chất lượng, tìm đường xuất ngoại cho sản phẩm; đồng thời kết hợp du lịch để “cứu” nghề. “Chỉ khi nào người dân sống được với nghề thì mới mong họ giữ và phát triển nghề ấy” - ông Khải nhấn mạnh.

 

Nghề đan lát ngày càng teo tóp.

Hy vọng mong manh

Không gì khó hơn du lịch làng nghề - là quan điểm của ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Lửa Việt tour. Ông cho rằng làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một là thực tế không chỉ riêng ở TPHCM mà là thực trạng chung cả ở Hà Nội, Hội An, Bình Dương. Nguyên nhân là sự hợp tác giữa làng nghề với doanh nghiệp còn kém. Sự hỗ trợ của nhà nước trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng và chính sách nhằm vực dậy làng nghề quá yếu. “Muốn vực dậy làng nghề, nhà nước cần xác định những làng nghề nào cần bảo tồn, có chính sách hỗ trợ, miễn giảm thuế để họ tiếp tục duy trì, đồng thời cải thiện không gian tham quan. Và quan trọng là phải có sự đầu tư cơ sở hạ tầng” - ông Mỹ nói.

Thành phố đã có dự án quy hoạch làng nghề, tầm nhìn đến năm 2020 gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung bảo tồn và phát triển các làng nghề mang đậm nét văn hóa truyền thống, các làng nghề có khả năng phát triển độc lập, bền vững. Đồng thời, xây dựng thí điểm một mô hình làng nghề tập trung nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư, phát triển ngành nghề nông thôn, nhưng việc triển khai chưa thật sự hiệu quả. Theo TS.KTS Ngô Lê Minh - Trường Đại học Tôn Đức Thắng TPHCM, cấu trúc chặt chẽ của làng nghề giúp hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của xã hội và đóng góp tích cực vào việc phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa tại cơ sở. Do đó, cần có chính sách và cơ chế quản lý phù hợp để giúp bảo vệ, nâng cao giá trị các làng nghề truyền thống, nhất là các làng nghề ngoại ô, hình thành nên một vùng ven đô trù phú, sung túc và hỗ trợ phát triển cho trung tâm đô thị.

Theo ông Trần Trường Sơn - Phó chủ tịch Hội Nông dân TPHCM cho biết: “Thành phố hiện chỉ còn 19 làng nghề truyền thống. Để cứu làng nghề, cần có nhiều chính sách hỗ trợ kinh phí thành lập mới HTX làng nghề, ngành nghề nông thôn; hỗ trợ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng công tác tại các HTX nông nghiệp và các cá nhân, tổ chức tham gia bảo tồn, phát triển làng nghề trên địa bàn được vay vốn, có hỗ trợ lãi suất… Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào nhà nước thì chưa đủ, chính bản thân người làm nghề phải có ý thức giữ nghề, phát huy những thế mạnh của mình thì mới có hy vọng vực dạy nghề cha ông”.

Uyên Phương/tienphong

Có thể bạn quan tâm