Ấm lòng những ngôi nhà tình nghĩa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tháng 7 lại về cùng bao cảm xúc tri ân dành trọn cho những người không tiếc máu xương giữ gìn Tổ quốc. Rất nhiều hoạt động ý nghĩa đã diễn ra, trong đó, xóa nhà ở dột nát cho đối tượng chính sách, người có công trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Kông Chro nói riêng là một việc làm vô cùng thiết thực.

Dẫu rằng ký ức và nỗi đau vẫn còn đó, song trái tim những người từng đóng góp hay phải gánh chịu hậu quả chiến tranh vì đất nước, dường như đã được sưởi ấm hơn dưới những mái nhà đầy ắp nghĩa tình.

Ký ức và nỗi đau

Hòa bình lập lại đã mấy chục năm qua, thế nhưng hồi ức về chiến tranh dường như vẫn còn vẹn nguyên trong tâm khảm của bệnh binh Đinh Let (làng Hle Ktu, thị trấn Kông Chro). Mỗi khi trời trở lạnh, vết thương trên cơ thể đau nhức lại nhắc nhớ ông về quãng thời gian khốc liệt nhuốm mùi thuốc súng cùng bom đạn thuở nào.

Ông Đinh Let (áo sọc cam) kể lại cho con cháu nghe về những kỷ niệm thời chiến của mình. Ảnh: Hồng Thi
Ông Đinh Let (áo sọc cam) kể lại cho con cháu nghe về những kỷ niệm thời chiến của mình. Ảnh: Hồng Thi

13 tuổi, ông Let tham gia dân quân du kích, lớn lên không ngần ngại đi bộ đội để đánh đuổi giặc Mỹ, bảo vệ quê hương. Ông cũng là một trong những người lính trực tiếp tham gia trận đánh giải phóng Pleiku vào ngày 17-3-1975. May mắn trở về sau cuộc chiến, song đôi tai ông Let đã không còn được tinh anh do ảnh hưởng bởi tiếng nổ của đạn bom trong ngần ấy năm ra chiến trận. Càng về già, di chứng này lại càng một nặng hơn khiến ông gặp không ít khó khăn lúc chuyện trò. Vậy mà với ông, đó lại là “chứng bệnh” mang niềm vinh dự và tự hào của một người từng cầm súng gìn giữ độc lập cho dân tộc.

Không phải chịu nỗi đau về thể xác như ông Đinh Let, song suốt 39 năm qua, bà Lê Thị Sở (tổ dân phố 2, thị trấn Kông Chro) vẫn không thể quên được cái ngày hay tin chồng mình vĩnh viễn nằm lại nơi xứ lạ. Tháng 4-1974, vừa lập gia đình được 1 tháng 20 ngày, ông Nguyễn Đình Diện lên đường nhập ngũ rồi sang chiến đấu tận chiến trường Campuchia. Đôi vợ chồng trẻ vui vẻ biệt ly, hẹn ngày hạnh ngộ khi giang sơn lặng im tiếng súng. Những lời yêu thương, động viên chỉ gói gọn trong mấy bức thư tay.

Dẫu biết chiến tranh không tránh khỏi hy sinh, song với bà Sở, sự ra đi của chồng là một mất mát không thể nào nguôi. Ảnh: Hồng Thi
Dẫu biết chiến tranh không tránh khỏi hy sinh, song với bà Sở, sự ra đi của chồng là một mất mát không thể nào nguôi. Ảnh: Hồng Thi

“Lá thư cuối cùng ông ấy gửi cho tôi là vào giữa tháng 12-1978, khi đó tôi vừa sinh con được gần 1 tháng. Trong thư ổng dặn tôi nếu là con trai đặt tên là Duyên, con gái thì đặt tên là Sánh, còn bảo ngày 30-12 tới đi đánh một trận nữa sẽ được về phép ăn Tết với gia đình. Vậy mà tôi chờ hoài chẳng thấy đâu cho đến ngày có người đồng đội cùng làng trở về báo tin, ổng đã mãi mãi nằm lại trên một ngọn đồi ở Campuchia trong trận đánh ngày 15-1-1979. Tôi tay bế thằng Duyên mà nước mắt cứ rơi lã chã, dù biết chiến tranh không thể tránh khỏi hy sinh, mất mát, nhưng trong lòng vẫn đau đớn tột cùng”-bà Sở nhớ lại.

Năm 1999, hai mẹ con bà Sở dắt díu nhau rời Thanh Hóa vào Kông Chro mưu sinh bằng đủ thứ nghề để kiếm sống. Cậu con trai lập gia đình, sinh hạ cho bà được 2 đứa cháu rồi lại vội vàng “theo cha” vì căn bệnh ung thư phổi. Người phụ nữ ấy một lần nữa lại nếm trải nỗi đau mất đi người thân duy nhất của đời mình.

Ấm lòng những tri ân

Tôi tìm gặp bệnh binh Đinh Let tình cờ đúng dịp gia đình ông đang mổ heo cúng Yàng làm lễ mừng nhà mới. Không khí vui vẻ, nhộn nhịp lan rộng cả một góc làng. Ngôi nhà sàn kiểu Jrai khá khang trang có diện tích 80 m2 với sàn cao, vách tôn, 2 mái… vừa được xây dựng theo chương trình hỗ trợ nhà ở cho gia đình chính sách, người có công mà huyện Kông Chro cũng như toàn tỉnh triển khai thực hiện trong năm 2017. Ngoài số tiền 50 triệu đồng được hỗ trợ, các con ông Let còn bỏ thêm 70 triệu đồng để dựng nhà.

Ông Let vui mừng bên ngôi nhà sàn mới rộng rãi, khang trang. Ảnh: Hồng Thi
Ông Let (áo sọc cam) vui mừng bên ngôi nhà sàn mới rộng rãi, khang trang. Ảnh: Hồng Thi

Ngắm nhìn căn nhà mới, ông Let cảm nhận rất rõ niềm vui mà bản thân có được lúc tuổi già. Ông tươi cười khoe: “Nhà này mình ở cùng vợ chồng thằng con thứ 3 và các cháu, vừa rộng rãi lại không sợ nắng mưa ướt át nữa. Được Đảng và Nhà nước quan tâm, mình mừng và biết ơn lắm”.

Huyện Kông Chro vừa hoàn thành việc xây mới 80 ngôi nhà và sửa chữa 15 ngôi nhà cho đối tượng chính sách, người có công trên địa bàn với tổng số tiền hơn 4,3 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí do tỉnh phân bổ là 3,7 tỷ (xây mới 70, sửa chữa 10 nhà); còn lại do huyện tự vận động thêm (xây mới 10 nhà, sửa chữa 5 nhà).

Đồng tâm trạng, ông Đinh Hei (làng Măng, xã Ya Ma, huyện Kông Chro) tâm sự: “Thời chiến tranh, cả làng tôi ai cũng một lòng theo cách mạng. Thanh niên thì tham gia du kích, đi bộ đội, còn người già, tụi nhỏ thì ở nhà chăm chỉ sản xuất, dệt khố, mền rồi bí mật đem lên rừng cho cán bộ cách mạng. Một lần gia đình tôi để giặc Mỹ phát hiện nên bị chúng quản thúc trên rừng, không cho làm ăn gì hết. Bộ đội biết được, cứ 7 ngày lại lén mang lương thực cho chúng tôi nên cả nhà mới sống sót. Giờ hòa bình rồi, tôi được Nhà nước cấp tiền hàng tháng, giờ còn giúp đỡ tiền xây nhà mới để ở thay cho cái nhà sàn cũ mục nát nên rất sung sướng và phấn khởi”.

Ấm lòng với những mái nhà đầy ắp nghĩa tình tại làng Măng, xã Ya Ma. Ảnh: Hồng Thi
Ấm lòng với những mái nhà đầy ắp nghĩa tình tại làng Măng, xã Ya Ma. Ảnh: Hồng Thi

Không thuộc diện xây mới nhưng bà Sở vẫn được huyện hỗ trợ 20 triệu đồng để sửa sang lại “tổ ấm” của mình. Căn nhà cấp 4 ẩm thấp được bà nâng cao hơn, sơn mới và lợp lại mái để khỏi bị dột nước mỗi mùa mưa đến. “Nếu nhà nước không tri ân, quan tâm giúp đỡ, tôi chưa dám nghĩ đến việc sửa nhà. Bởi lẽ cái nghề mua bán ve chai hàng ngày của tôi cũng chỉ đủ cơm canh qua bữa. Giờ nhà cửa thế này là tôi đã mãn nguyện quá rồi”-bà Sở xúc động nói.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm