Ấm nồng tình đồng đội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tri ân những cựu TNXP trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Công ty TNHH Xổ số Kiến thiết Gia Lai tài trợ 525 triệu đồng để xây 15 ngôi “Nhà tình nghĩa” tặng các cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài 2 ngôi nhà vừa trao cho các cựu TNXP ở huyện Đak Đoa, sắp tới, Hội cựu TNXP tỉnh sẽ bàn giao các nhà còn lại cho cựu TNXP ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Cuối cùng, sau 37 năm giải phóng đất nước, nhiều cựu thanh niên xung phong (TNXP) trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được tri ân…

Bà Vũ Thị Hột ngồi bên người chồng-ông Y Nhợ, một cựu tù chính trị-nói nhỏ gì đó vào tai ông, rồi cả hai ông bà cùng cười. Giây phút vui vẻ, thảnh thơi tuổi già này của cặp tình già lây sang cả chúng tôi.

 

Trao nhà tình nghĩa cho cựu TNXP Đỗ Thị Thủy.Ảnh: H.N
Trao nhà tình nghĩa cho cựu TNXP Đỗ Thị Thủy. Ảnh: H.N

Ông bà gặp nhau khi cả hai không còn trẻ nữa. Bà là cựu TNXP từ Hà Nam vào Gia Lai lập nghiệp. Ông là cựu tù chính trị, sống với con trong ngôi làng nhỏ ở xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa). Ông mất vợ, bà mất chồng. Hai người gặp nhau (năm 1996) khi đã bước qua đỉnh dốc cuộc đời: ông 70, bà 46. Ông thương người phụ nữ nhỏ bé, vất vả một mình nuôi 4 người con. Còn bà thương sự phóng khoáng, rộng lượng nơi một người đàn ông đơn chiếc nuôi con. Bà về với ông như một người bạn hơn là một người vợ, cùng ông dựng vợ gả chồng cho 7 đứa con riêng, chăm sóc ông lúc ốm đau, ngày ngày trò chuyện với nhau để đỡ hiu quạnh. Ít ai biết rằng, cả hai ông bà chia bùi sẻ ngọt cùng nhau trong sự khốn khó. Ngôi nhà che mưa, che nắng cho ông bà cũng ọp ẹp, rệu rã như tuổi già của họ vậy.

Nhưng hôm nay thì họ vui về nhà mới. Một ngôi nhà khang trang, rộng rãi cho hai ông bà sống nốt phần đời còn lại. Đó là “Nhà tình nghĩa” Hội Cựu TNXP tỉnh xây tặng cho những cựu TNXP có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. “Tôi đi TNXP ở Quảng Trị từ năm 1968 đến năm 1971. Khi trở về nhà lấy một anh bộ đội thì cũng chẳng sống với nhau được nhiều. Cưới hôm nay, mai ông ấy ra chiến trường. Rồi biền biệt.

Khi đoàn viên, ở với nhau được 4 mặt con thì ông ấy lại bỏ tôi mà đi. Vào Gia Lai với hai bàn tay trắng, gặp Y Nhợ không biết sao tôi thương ổng. Thế rồi về ở với nhau. Nhưng cuộc sống khó khăn quá, bao năm rồi chỉ làm để lo cho con cái ở riêng, đến cái nhà cũng lần lữa mãi không làm sao sửa lại được”-bà Hột trải lòng trong ngày nhận nhà mới. Nhìn dáng bà nhỏ bé chạy ra chạy vào, mới hiểu bà vui dường nào. Còn ông Y Nhợ, chỉ móm mém cười. Ông điềm tĩnh, lặng lẽ hơn. Nhưng cứ nhìn bà ngồi bóp tay chân cho ông trong ngôi nhà mới, to nhỏ chuyện đời rồi cùng cười, mới hiểu, hạnh phúc thêm một lần mỉm cười với tuổi già.

Không may mắn như bà Hột khi tìm được hạnh phúc ở tuổi xế chiều, bà Đỗ Thị Thủy-thôn 76 xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa sống đơn chiếc bao năm nay trong một túp lều. Đi TNXP trong thời kỳ chống Mỹ ở Quảng Trị (1972-1975), khi trở về quê Thanh Hóa thì bà đã “quá lứa lỡ thì” theo cách nói của người dân quê. Rồi bà lấy chồng theo kiểu rổ rá cạp lại. Nhưng sinh hai đứa con đều nhiễm chất độc da cam và sớm bỏ bà mà đi. Gia đình nhỏ của bà cũng đổ vỡ theo sự bất hạnh ấy. Bà một mình vào Gia Lai để quên đi quá khứ đau buồn. Nhưng cuộc sống nơi vùng đất mới lại không mỉm cười với bà. Bà vốn đau yếu, đến cái ăn còn phải lo từng bữa. Hơn 10 năm qua, chỉ một tấm bạt căng lên giữa những gốc bời lời, lấy đó làm nhà. Căn lều ngày càng được che kín thêm bởi những vỏ bao đựng phân bón để chắn mưa. Cuộc đời người nữ cựu TNXP ấy có thể nói gói gọn trong một chữ “không”: không nhà, không con cái, không nơi nương tựa.

“Tôi nghĩ, điểm tựa của tôi bây giờ là tình đồng đội”-bà Thủy chỉ nghẹn ngào được có thế trong ngày nhận nhà mới. Ngôi nhà rộng 48 m2 xây tặng cho bà là sự chung tay của nhiều người. Một cán bộ Hội cựu TNXP huyện Đak Đoa cho biết: “Ngoài 35 triệu đồng, Hội cựu TNXP huyện, Hội cựu chiến binh huyện góp thêm hơn 10 triệu đồng nữa để giúp bà Thủy hoàn thành ngôi nhà”.

Những năm tháng đẹp nhất tuổi xuân của bà Thủy, bà Hột và nhiều cựu TNXP nữa đều ở ngoài chiến trường. Rất nhiều trong số đó, khi trở về với thương tích, nhiễm chất độc da cam nhưng chưa được hưởng chế độ ưu đãi nào. Như bà Đỗ Thị Thủy, từng ngày chiến đấu với nhiều căn bệnh như viêm khớp, ung thư dạ dày… mà theo các bác sĩ, có một phần nguyên nhân từ chất độc da cam trong cơ thể bà. “Tôi nghe nói Nhà nước vừa ban hành chính sách đãi ngộ với những cựu TNXP. Điều đó khiến tôi thấy được an ủi rất nhiều. Hai năm trở lại đây, tuy vẫn chưa được giải quyết để hưởng chế độ của Nhà nước nhưng một số tổ chức, đoàn thể cũng đã quan tâm hơn đến những cựu TNXP như chúng tôi”-bà Thủy nói.

Hoàng Ngọc
 

Có thể bạn quan tâm