Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Âm vang Khu 5...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không khí văn nghệ đậm “chất lính”, hào hùng nhưng cũng rất hào hoa của người chiến sĩ tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang Quân khu 5 đã khép lại, nhưng hình ảnh người lính “Bộ đội Cụ Hồ” luôn rực sáng lý tưởng, lạc quan phơi phới mãi là dư âm đẹp đọng lại trong trái tim người xem.
 Các tiết mục tại hội diễn được đầu tư công phu, bài bản. Ảnh: M.C
Các tiết mục tại hội diễn được đầu tư công phu, bài bản. Ảnh: Minh Châu
Định kỳ 5 năm tổ chức một lần, mỗi tiết mục mang đến hội diễn nghệ thuật quần chúng lần này được các đơn vị dàn dựng đầy sáng tạo, hấp dẫn, lôi cuốn. Trong gần 100 tiết mục tham gia, có những tiết mục ít gặp trên sân khấu của các kỳ hội diễn như akapenla-hát không nhạc đệm, người hát chỉ dùng chính chất giọng của mình để hỗ trợ nhau bằng hòa thanh, bè phối để tạo nên nhạc điệu. Thể loại này đòi hỏi khả năng thẩm âm và kiến thức thanh nhạc rất tốt, cho thấy sự chuyên nghiệp của người lính trên sân khấu nghệ thuật. Bên cạnh đó, các tiết mục múa cho thấy sự công phu trong dàn dựng, bài bản trong luyện tập và cả những quyết tâm của người lính để cống hiến cho khán giả những tiết mục hay, xuất sắc. Nổi bật trong hội diễn lần này còn là những màn hòa tấu, độc tấu nhạc khí dân tộc được đầu tư không thua kém sân khấu chuyên nghiệp.

Hội diễn Nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang Quân khu 5 bế mạc tối 19-8 tại Nhà Thiếu nhi tỉnh. Ban tổ chức đã trao giải nhất cho 3 đoàn nghệ thuật: Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên, Đak Lak và Lữ đoàn Công binh 280; trao 3 giải nhì, 5 giải ba và 2 giải khuyến khích cho các đoàn nghệ thuật có thành tích xuất sắc tại hội diễn. Ngoài ra, Ban tổ chức tặng giấy khen cho nhiều nội dung khác như: đoàn nghệ thuật dàn dựng và biểu diễn bài hát quy định hay nhất, đoàn có tiết mục múa tự biên hay nhất; các cá nhân đạt danh hiệu “Diễn viên xuất sắc nhất”; đoàn nghệ thuật có lãnh đạo, chỉ huy trực tiếp tham gia biểu diễn tiết mục hay nhất.

Nhiều bài hát truyền thống, “đi cùng năm tháng” vốn rất quen thuộc với nhiều người như: Bác cùng chúng cháu hành quân, Tiến bước dưới quân kỳ, Vì nhân dân quên mình, Hát mãi khúc quân hành… được các đơn vị khai thác, dàn dựng sáng tạo, kết hợp thành tổ khúc, hợp xướng, hát múa, trở thành những tiết mục nghệ thuật mới mẻ hấp dẫn. Riêng phần kịch, Đại tá Trương Thiên Tô-Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu, Trưởng ban giám khảo đánh giá: “Đây là thể loại khó, tuy nhiên các đoàn mang đến 14 tiểu phẩm và kịch ngắn tái hiện dấu ấn người lính từ quá khứ đến hiện tại, tập trung vào các vấn đề thời sự, xã hội và nhiệm vụ của quân đội trong giai đoạn hiện nay. Qua đó, chúng ta thấy được phần nào đời sống lao động, học tập, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ. Các tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc và xúc động như: Tình quân dân, Sáng mãi niềm tin, Đúng là bộ đội, Người con gái Phú Hòa, Ký ức Nâm Nung… Ở đó, tình đồng chí đồng đội, tình cảm của lớp cán bộ, chiến sĩ hiện nay đối với các thế hệ cha anh được thể hiện chân thành, xúc động, khơi dậy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và có ý nghĩa giáo dục rất lớn đối với thế hệ trẻ, tiếp bước cha anh một cách xứng đáng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Các tiết mục tập trung làm rõ chủ đề “Âm vang Khu 5”, dải đất “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, ghi dấu những chiến công lừng lẫy, sản sinh những thế hệ anh hùng luôn “tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, mưu trí sáng tạo, chiến đấu kiên cường, chiến thắng vẻ vang”. Âm vang ấy đã trở thành nguồn cội, tạo nên sức mạnh tinh thần, động viên, thúc giục cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ. Đánh giá chung về hội diễn, Trưởng ban giám khảo nhấn mạnh: “14 đoàn nghệ thuật đều có các tiết mục được dàn dựng công phu, bám sát quy chế và chủ đề hội diễn với nội dung, hình thức sinh động, thể loại phong phú, đề tài đa dạng, phản ánh tương đối đầy đủ tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ kính yêu, quân đội anh hùng và các lĩnh vực hoạt động của lực lượng vũ trang Quân khu, của các địa phương và đơn vị. Đề tài được tập trung khai thác nhiều nhất vẫn là người lính. Hình tượng người chiến sĩ cách mạng được các đơn vị khắc họa vừa mang những nét đặc trưng của người lính nói chung vừa đậm “chất lính” Khu 5 nói riêng. Đó là những người lính trẻ có tri thức, năng động, dũng cảm đối mặt với khó khăn, khắc nghiệt của cuộc sống nơi đầu sóng, ngọn gió và chiến thắng. Những người lính ấy mang vẻ đẹp cao cả nhưng cũng rất dung dị, đời thường, đáng yêu”.
Hội diễn Nghệ thuật quần chúng lực lượng vũ trang là sân chơi làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần, nơi người lính thể hiện được năng khiếu, sở trường, tài hoa trong sân chơi nghệ thuật. Theo Thiếu tướng Trịnh Đình Thạch-Phó Chính ủy Quân khu 5, Trưởng ban tổ chức: “Các tiết mục trong hội diễn lần này đều có giá trị nghệ thuật tốt cần được lan tỏa để phát huy giá trị trong thực tiễn. Vì vậy, sau hội diễn này, các đơn vị cần đưa các chương trình nghệ thuật đi biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, để người dân không chỉ được hưởng thụ món ăn tinh thần mà cảm nhận chân thực, gần gũi hơn về người lính. Đây cũng chính là mục đích của hội diễn”.
Minh Châu

Có thể bạn quan tâm