Sau những trận sạt lở núi, lũ quét tại khu vực miền Trung vào năm 2020, theo chỉ đạo của Chính phủ, các tỉnh thành đã thành lập hàng loạt cuộc điều tra, khảo sát và tiến đến hội thảo khoa học để nhận diện những bất cập ở các tỉnh miền núi có nguy cơ sạt lở, lũ quét cao.
Nhiều ý kiến, cách làm mới được cả nước đặc biệt quan tâm, trong đó, mô hình làng Cơ Tu tập trung sống thuận thiên giữa rừng Tây Giang (Quảng Nam) được xem là điểm sáng đầu tiên để khắc phục những rối loạn của làng “cóc”, làng “treo”.
Kịch bản sinh tồn
Đề cập về sạt lở núi, lũ quét, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Mậu Văn cho biết, hiện tại địa phương vẫn đang trống trong lĩnh vực này. Xưa nay cũng chưa ai đề cập, hay chú trọng đến vấn đề này nhiều. Quảng Ngãi hiện chỉ giao về cho chính quyền các địa phương cơ sở, chủ yếu theo dõi, cảnh báo và di dời dân lúc cấp bách. Tương tự, ông Hồ Đắc Chương, Ban Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định cho biết: “Địa phương chưa có một kịch bản, hướng dẫn cụ thể nào trong câu chuyện chống đỡ với sạt lở núi, lũ quét. Thực tế, bây giờ chúng ta vẫn còn rất chậm so với các diễn biến gia tăng của thiên tai. Mọi thứ đều không được bàn luận, chú trọng cho đến khi trời gọi tên đâu thì chạy chữa ở đó”.
Để có thể thiết lập lại trật tự tại khu vực miền núi, ông Nguyễn Mậu Văn kiến nghị, chúng ta cần sớm có quy hoạch chi tiết cho các địa phương miền núi. Bởi, hiện tại các vùng dân cư đồng bằng cơ bản đã có quy hoạch chi tiết nhưng miền núi thì chưa. Trong quy hoạch, cần phải xác định những vùng nguy cơ cao, nguy cơ thấp, trung bình; những vùng cần phải giữ rừng, bảo vệ nghiêm ngặt rừng núi không để người dân, dự án, công trình tác động quá mức vào tự nhiên. Khi đã có được quy hoạch chi tiết thì các địa phương sẽ có được một “lá bùa” để thuận lợi hơn trong việc thiết lập lại trật tự, tháo gỡ tình trạng rối loạn định canh, định cư. Còn ông Hồ Đắc Chương kiến nghị thêm, cần kiểm soát dòng dự án, bớt tác động vào rừng núi...
Một căn nhà đang được hoàn thiện, chuẩn bị cho hộ dân bị trôi nhà tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My về ở. Ảnh: NGỌC PHÚC |
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, địa phương đã lên kế hoạch sắp xếp, quy hoạch tập trung lại trên 6.000 hộ dân đang ở rải rác tại các vùng sạt lở, vùng rừng đệm, rừng phòng hộ. Kế hoạch sắp tới, Quảng Nam sẽ tiếp tục sắp xếp cho khoảng gần 10.000 hộ ở khu vực miền núi Quảng Nam. “Việc sắp xếp dân được lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng, nhà khoa học trên cơ sở đánh giá các yếu tố môi trường, địa chất, tiểu vực, diễn biến hệ sinh thái rừng, chất lượng rừng và cả văn hóa làng…”, ông Lê Trí Thanh nói.
Tại Thừa Thiên - Huế, sau loạt bão lũ năm 2020, tỉnh đã lên kế hoạch dời 1.528 người dân ở vùng nguy hiểm, thành lập 7 dự án bố trí dân cư tập trung và 1 dự án bố trí dân cư xen ghép, kinh phí là 102 tỷ đồng...
Quy hoạch bản làng
17 năm trước, huyện Tây Giang là địa phương nghèo nhất của tỉnh Quảng Nam, với 97% người dân tộc thiểu số Cơ Tu. Bí thư huyện ủy Tây Giang Bh’ling Mia nhớ lại, thời ấy bà con Cơ Tu ở rừng núi rất nguy hiểm, đời sống nghèo khó, không điện, đường, trường, trạm gì. Lúc ấy, nhiều thế hệ lãnh đạo huyện rất trăn trở, làm sao để tìm hướng đi, lối thoát cho bản làng Cơ Tu trong núi, trong rừng. Đến năm 2003, Tây Giang thống nhất ý tưởng thiết lập lại trật tự, quy tụ các cộng đồng Cơ Tu bố trí thành các khu định cư kiểu mới.
Chọn vị trí lập khu tái định cư đã khó nhưng dời dân đến để sinh sống ổn định càng khó hơn. Dù vậy, với sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Tây Giang, mọi thứ đều được triển khai theo đúng kế hoạch ban đầu. Ngày tháng trôi qua, mọi khó khăn đều được tháo gỡ từng bước, bản làng Cơ Tu tại Pơr’ning chính thức được quy tụ với 45 hộ dân tiên phong. Về sau, tại Pơr’ning, địa phương tiếp tục mở rộng khu tái định cư, quy tụ thêm 85 hộ khác trên các nẻo rừng, hốc núi về ở.
“Tại các khu tập trung dân được chúng tôi nghiên cứu kỹ lưỡng từ làng cũ của bà con để đặt lại thiết chế cộng đồng, bản sắc của họ vào khu dân cư tập trung. Ngoài văn hóa, tín ngưỡng, tập tục, chúng tôi bố trí các khu sản xuất tập trung cho làng, chia ruộng đất cho dân đầy đủ, hình thành lên tư duy canh tác thuận thiên, kiểu ruộng rừng, từng bước chấm dứt lối canh tác cũ”, ông Bh’ling Mia kể.
Ông Bh′riu Liếc, nguyên Bí thư Huyện ủy Tây Giang kể, sau một thời gian dài khảo sát, thực địa, đối chiếu, lựa chọn, lấy ý kiến cộng đồng, huyện quyết định chọn khu đất bằng phẳng tại thôn Pơr’ning, xã Lăng để làm mô hình thí điểm.
“Pơr’ning lúc ấy là một thung lũng cỏ tranh bằng phẳng, xung quanh núi hình cái bát úp lại, độ dốc ít, rừng còn khá nguyên vẹn. Khi chọn được vị trí tốt, chúng tôi đến gặp từng già làng, trưởng bản, người uy tín với dân bản để nói cái lý, thuyết phục bà con hiểu, ưng bụng và chung sức làm theo”, ông Liếc kể.
Từ mô hình điểm ở Pơr’ning, đến nay huyện Tây Giang tiếp tục lập quy hoạch, lựa chọn mặt bằng bố trí tập trung cho 62/63 thôn với 117 điểm dân cư có mặt bằng ổn định tại 10 xã. Bước đột phá này đã mang lại cho hơn 3.750 hộ dân có nhà ở kiên cố, những làng treo bên núi, hốc rừng đều được bóc ra nơi an toàn. Việc quy hoạch tập trung dân cư giúp quy tụ ruộng đất, tập trung được nguồn lực lao động để triển khai tốt các dự án xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, Tây Giang tập trung hơn để cải thiện công tác chăm sóc sức khỏe cho các khu dân cư tập trung. Hiện có 6/10 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, trung tâm y tế huyện được công nhận là Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện C Đà Nẵng. Tại xã biên giới Ch′Ơm, già làng Rial Đưm (Thôn H′Juh) khoe, toàn xã có 7/7 thôn đều khang trang, chỗ ở của người dân ổn định, đời sống nâng cao nên dân làng phấn khởi lắm!”.
Qua 17 năm tái lập, rừng núi Tây Giang được tái sinh, phục hồi phủ xanh đất trống đồi trọc. Khi quy tụ lại, đời sống nâng cao thì bà con quay lại tôn trọng, bảo vệ rừng rất tốt (huyện đã phục hồi đạt 70% tỷ lệ che phủ rừng có chất lượng).
Hiện, cả khu rừng già pơmu và rừng đỗ quyên cổ tới ngàn năm tuổi đều được người dân bảo vệ, giữ gìn gần như nguyên vẹn. Mỗi cây rừng một thân phận, được đánh số thứ tự để dễ kiểm soát, bảo vệ.
Ngoài ra, năm 2018, Tây Giang đã phục dựng lại được lễ hội Tạ ơn rừng, đây là lễ hội tín ngưỡng thờ phụng gắn với tâm linh, người có công với đất nước. Thành công của Tây Giang hiện đang được Quảng Nam và nhiều tỉnh khu vực miền Trung quan tâm, nhân rộng.
Phục hồi chất lượng rừng
Tại nhiều báo cáo, ý kiến của các bộ, ngành Trung ương, địa phương đều thể hiện độ che phủ rừng ở miền Trung những năm qua đang tăng. Tuy nhiên, chỉ số về độ che phủ rừng trên chỉ là lớp vỏ, còn thực tế chất lượng rừng thì suy giảm nghiêm trọng. Tiến sĩ Hoàng Ngọc Tuấn, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên khẳng định, chất lượng của rừng quyết định rất lớn trong vấn đề sạt lở, lũ quét. Các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần phải đặc biệt quan tâm đến việc khôi phục lại chất lượng rừng, bảo vệ nghiêm ngặt rừng phòng hộ, rừng tự nhiên. Ngoài ra, trong câu chuyện ứng phó với thiên tai, sạt lở, lũ quét cần lấy người dân bản địa làm trung tâm, trang bị cho họ đầy đủ các kiến thức để phòng tránh, chống đỡ. Về lâu dài, cần xây dựng bản đồ cảnh báo nguy cơ xảy ra sạt lở đất đến tận cấp huyện, cấp xã, cần những tỷ lệ lớn ví dụ như cấp xã cần bản đồ 1/5000, tỷ lệ càng lớn càng tốt.
NHÓM PV (SGGPO)