An Khê: Thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2018

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2018, cán bộ thị xã An Khê và các tầng lớp nhân dân đã chung sức thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế-xã hội. Trong đó, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) và phát triển du lịch của thị xã đạt kết quả nổi bật.
5/5 xã hoàn thành xây dựng NTM
Năm 2011, thị xã An Khê bắt tay thực hiện chương trình xây dựng NTM tại 5/5 xã, gồm: Song An, Tú An, Xuân An, Thành An và Cửu An. Sau khi xây dựng kế hoạch chi tiết, thị xã đã huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị và sự chung tay của các tầng lớp nhân dân để phấn đấu kết thúc năm 2018 sẽ có 100% số xã đạt chuẩn.
Xác định được vai trò quan trọng của hạ tầng giao thông trong việc xây dựng NTM tại các xã, An Khê đã ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này. Theo ông Huỳnh Ngọc Mỹ-Trưởng phòng Kinh tế thị xã, từ năm 2011 đến nay, địa phương đã đầu tư làm mới, nâng cấp hơn 181 km đường giao thông nông thôn tại 5 xã. Tính riêng năm 2018, thị xã đã nâng cấp 70,17 km đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí hơn 51,2 tỷ đồng, từng bước tạo ra mạng lưới giao thông liên hoàn, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển bền vững. 
 Hệ thống giao thông nông thôn ở An Khê được đầu tư hoàn thiện. Ảnh: N.S
Hệ thống giao thông nông thôn ở An Khê được đầu tư hoàn thiện. Ảnh: N.S
Tại xã Thành An (được công nhận đạt chuẩn NTM đầu năm nay), phong trào làm đường giao thông nông thôn được đẩy mạnh. Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Điệp, sau hơn 6 năm triển khai xây dựng NTM, xã đã lồng ghép các chương trình, dự án, kết hợp nguồn lực huy động từ nhân dân để bê tông hóa 100% trục đường chính, 100% trục đường thôn, xóm, 70% đường trục chính giao thông nội đồng. Ngoài ra, các công trình hạ tầng thiết yếu của xã như: điện, trường, trạm, chợ... cũng được đầu tư xây dựng đạt chuẩn.
Bên cạnh đó, thị xã tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM và giảm nghèo; cơ cấu cây trồng, vật nuôi có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ để tăng thu nhập cho người dân. Nhiều mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản đã xuất hiện như: mô hình sản xuất rau VietGAP với diện tích 22 ha; sản xuất cà chua trên gốc cà tím; trồng hoa trong nhà lồng... Đến cuối năm 2018, số hộ nghèo trên địa bàn thị xã An Khê là 357 hộ, giảm 127 hộ so với năm 2017. Các chỉ tiêu về giáo dục, y tế, quốc phòng-an ninh tại 5 xã được nâng lên. Với sự đồng lòng chung sức của các cấp chính quyền và nhân dân, đến nay, cả 5/5 xã của thị xã An Khê đều đã đạt chuẩn NTM.
Để đạt được kết quả đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ thị xã đến xã, thôn đã tập trung quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, thị xã về xây dựng NTM cũng như đề ra các giải pháp thực hiện nhằm nhân rộng những cách làm hay. Công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung, mục đích, ý nghĩa xây dựng NTM. Việc lồng ghép các chương trình, đề án gắn với cơ chế, chính sách của tỉnh được triển khai, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên như: xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, điện, trường chuẩn quốc gia, cơ sở vật chất văn hóa, trạm y tế, giải quyết việc làm, bảo vệ môi trường... Vì vậy, bộ mặt các xã NTM thay đổi rõ nét.
Du lịch phát triển mạnh mẽ
An Khê là vùng đất giàu tiềm năng phát triển du lịch. Đây không chỉ là một trong những cái nôi của loài người với những phát hiện về dấu tích của người tiền sử ở một số di chỉ sơ kỳ Đá cũ mà còn là nơi khởi phát phong trào khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, gắn liền với tên tuổi người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Nơi đây còn có những thắng cảnh đẹp phù hợp phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái...
3. Hội cầu Huê ở An Khê.
Hội cầu Huê ở An Khê. Ảnh: Hoành Sơn
Để đánh thức tiềm năng du lịch vùng đất này, từ năm 2008, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra Nghị quyết “Phát triển du lịch đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”. Theo đó, 10 năm qua, UBND thị xã đã trích kinh phí đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch như: đầu tư làm mới 36,91 km đường nội thị, đường liên xã, liên thôn với kinh phí hơn 145,6 tỷ đồng; xây dựng bờ kè Đông sông Ba với chiều dài 6 km, kinh phí khoảng 20 tỷ đồng; đầu tư hơn 3 tỷ đồng để tôn tạo các cụm di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo, hơn 5,5 tỷ đồng cải tạo Hoa viên Quang Trung, ao cá Bác Hồ và Hội trường 23-3 cũ. Mới đây nhất, thị xã đầu tư kinh phí hơn 600 triệu đồng xây dựng các công trình tại các di tích khảo cổ học thời đại Đá cũ tại Gò Đá và Rộc Tưng để thu hút du khách.

Ông Nguyễn Hùng Vỹ-Chủ tịch UBND thị xã An Khê: “Thời gian tới, thị xã sẽ tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị gắn với quy hoạch. Nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM gắn với đẩy mạnh xây dựng làng NTM kiểu mẫu trong đồng bào dân tộc thiểu số. Triển khai các giải pháp thúc đẩy thương mại-dịch vụ gắn với du lịch. Đặc biệt, hoàn thành việc lập và điều chỉnh quy hoạch chung thị xã đến năm 2035”.

Mặt khác, Thị ủy, UBND thị xã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá tiềm năng du lịch như: phối hợp với các cơ quan báo chí đăng tải hàng chục bài viết, phóng sự, phim tài liệu về cụm di tích Tây Sơn Thượng đạo, khảo cổ học; phát 14.000 tờ rơi quảng bá cụm di tích Tây Sơn Thượng đạo và về khảo cổ học ở An Khê; phối hợp với Viện Khảo cổ Việt Nam tổ chức hội nghị công bố kết quả khai quật khảo cổ học tại Rộc Tưng, Gò Đá với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước về khảo cổ học và để quảng bá vùng đất, hình ảnh con người An Khê; tiến hành nhiều hoạt động xúc tiến du lịch. Bên cạnh đó, hàng năm, thị xã tổ chức các lễ truyền thống liên quan đến cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn; hội hát Cầu huê của người Việt vùng An Khê. Theo thống kê, trong 2 năm (2017 và 2018), thị xã đón khoảng 100 ngàn lượt người đến tham quan, dự các lễ hội. Tính riêng năm 2017, tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 25 tỷ đồng với 51 ngàn lượt khách.
Ông Dương Thanh Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã An Khê-cho biết: Để thu hút du khách đến nhiều hơn, thị xã đang đẩy mạnh các hoạt động từ kêu gọi nhà đầu tư cho đến quảng bá và đầu tư thêm kinh phí cải tạo, xây mới nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Giai đoạn 2018-2020, thị xã sẽ đầu tư kinh phí và huy động xã hội hóa để xây dựng Khu du lịch Công viên bảo tàng Đá cũ An Khê tại xã Xuân An kết hợp du lịch nghiên cứu khảo cổ học với du lịch sinh thái; trùng tu, tôn tạo cụm di tích Tây Sơn Thượng đạo; xây dựng làng Pờ Nang (xã Tú An) thành làng du lịch cộng đồng, hướng đến giúp dân giảm nghèo bền vững; quy hoạch, đầu tư xây dựng thêm 3 điểm du lịch sinh thái là đập Bến Tuyết (phường An Phú), khu vực Hố Trời (xã Xuân An) và khu vực đầu đèo An Khê.
Ngọc Sang - Hoành Sơn

Có thể bạn quan tâm