Phóng sự - Ký sự

Ăn theo mùa nước nổi: Xóm… lưỡi câu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tọa lạc trong một con hẻm nhỏ tại khóm 8, P.Mỹ Hòa, TP.Long Xuyên (An Giang), xóm lưỡi câu quy tụ hơn 20 gia đình tham gia sản xuất lưỡi câu theo từng công đoạn.
Công đoạn cắt ngạnh lưỡi câu ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Công đoạn cắt ngạnh lưỡi câu ẢNH: HOÀNG PHƯƠNG
Ngoài lưỡi câu đồng, câu sông được tiêu thụ ở vùng ĐBSCL, mấy năm gần đây còn có thêm lưỡi câu biển bán ra các tỉnh miền Trung.
Một lưỡi câu 10 công đoạn
Ông Trần Văn Be, chủ cơ sở sản xuất lưỡi câu Minh Hải, cho biết xóm lưỡi câu hình thành cách đây hơn nửa thế kỷ. Hồi xưa chủ yếu sản xuất thủ công nhưng đã làm được vài chục loại. Nổi tiếng là các loại lưỡi câu rùa, câu ó để giăng trên đồng ruộng, hoặc lưỡi câu rê dành cho những người câu cá lóc quanh năm. Nhưng mấy năm gần đây, nhiều cánh đồng đã đắp đê bao làm lúa 2, 3 vụ. Cá đồng giờ không còn nhiều. Năm nào nước lụt lớn thì lưỡi câu cá đồng bán chạy. Như năm nay nước lên sớm, khách hàng đặt mua lưỡi câu đồng nhiều, làm không kịp.
Sản phẩm của xóm lưỡi câu Mỹ Hòa rất đa dạng, từ câu kiều dùng để câu các loại cá biển như cá ngừ, cá bò, cá ngát...; câu rùa, câu rê dùng để câu cá lóc; câu hòa long dùng câu cá trê; câu đúc sử dụng câu cá rô. Ngoài ra còn có lưỡi câu tôm, câu rắn, câu ếch... tổng cộng chừng 40 loại. Riêng lưỡi câu cá biển được làm quanh năm để bán cho khách hàng ở Đà Nẵng, Nha Trang, Bình Thuận...
"Cứ mài một muôn (10.000 lưỡi) từ sáng tới chiều thì được 100.000 đồng. Gặp người có vốn thì họ thuê mình làm mãn năm, người ít vốn thì nghỉ từ tháng giêng đến tháng ba. Nhưng “chạy” nhất là từ tháng sáu âm lịch"

Ông Hồ Văn Xuống, 57 tuổi


Ông Hồ Văn Xuống, 57 tuổi, làm nghề mài lưỡi câu từ lúc 13 tuổi, cho biết để có một chiếc lưỡi câu hoàn chỉnh phải qua 10 công đoạn: “Đầu tiên là đặt mua thép từ Sài Gòn về rồi thuê gia công kéo từ cọng lớn ra cọng nhỏ. Các công đoạn tiếp theo là chặt khúc, cắt ngạnh, mài mũi, uốn lưỡi, chặt hai (một mũi chặt ra 2 lưỡi) rồi dập đít... Câu biển lưỡi bự, câu đồng lưỡi nhỏ, giá khác nhau. Câu bự tiền... bự vì lưỡi bự thì mài hao đá. Cứ mài một muôn (10.000 lưỡi) từ sáng tới chiều thì được 100.000 đồng. Gặp người có vốn thì họ thuê mình làm mãn năm, người ít vốn thì nghỉ từ tháng giêng đến tháng ba. Nhưng “chạy” nhất là từ tháng sáu âm lịch”.
Theo ông Trần Văn Be, đa số các công đoạn hiện nay được làm bằng máy. Như cơ sở của ông đã đầu tư 30 máy chặt và máy kéo dây. Ông Be giải thích: “Công đoạn kéo dây là làm cho sợi thép thẳng ra, do nguyên liệu không có loại đúng theo kích cỡ nên phải chuốt cho đường kính nhỏ lại theo yêu cầu của khách hàng. Xong công đoạn này thì chuyển sang chặt khúc. Nếu làm bằng máy thì có thể vừa làm, vừa uống trà được. Hồi xưa lưỡi câu làm bằng thép, còn hiện nay đa phần sử dụng dây inox, vừa cứng vừa dai, rất được ưa chuộng”.
Lưỡi câu sau khi cắt ngạnh xong được mài mũi rồi uốn theo “vọng nỏ” bằng phương pháp thủ công. Rất nhiều vọng nỏ, tùy theo chủng loại mà cách uốn khác nhau. Lưỡi câu uốn xong thì đã hoàn thành công đoạn căn bản, chuyển qua khâu dập và cắt đít theo nguyên tắc lưỡi câu cá đồng phải cắt, lưỡi câu cá biển thì dập. Cuối cùng, người thợ đem lưỡi câu đi trui cho cứng rồi mới cho vào hộp hoặc bọc ni lông giao cho khách hàng.
Anh Tải là người uốn lưỡi câu “cha truyền con nối”, cho biết: “Cắt ngạnh, uốn lưỡi là khâu quan trọng. Lưỡi câu “nhạy” hay không nằm ở tay nghề cắt ngạnh của người thợ. Nếu làm không khéo, khi cá dính câu rồi dễ bị vuột ra”. Vợ chồng anh Tải có 2 máy mài mũi, cắt ngạnh gia công cho các cơ sở. Anh làm quanh năm nhưng chủ yếu là lưỡi câu đồng bán cho những người làm câu cắm, câu đường, còn gọi là câu giăng. Mỗi ngày vợ chồng làm từ sáng tới chiều thì được một muôn. Năm nay nước về sớm nên lưỡi câu đồng bán chạy. Khách hàng đặt mua liên tục, các cơ sở hối thúc, làm không kịp giao.
Công đoạn mài lưỡi câu
Công đoạn mài lưỡi câu
Tuy vậy, theo anh Tải thì thu nhập còn khá khiêm tốn. Miệt mài bên 2 chiếc máy từ sáng đến chiều tối, vợ chồng anh kiếm được chừng 400.000 đồng.
Khó, nhưng quyết giữ nghề
Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, hồi trước cơ sở của ông nhân công đông, không đủ chỗ nên phải ngồi ngoài sân để làm. Còn bây giờ ông đem vật tư tới từng nhà nhờ gia công, sau đó đi gom thành phẩm về giao cho các nơi. Ông tính trung bình một muôn câu giá bán 1 triệu đồng, sau khi trừ chi phí xong còn lời khoảng 300.000 đồng.
“Nếu mình tham gia một vài công đoạn thì kiếm thêm được chừng năm, bảy chục ngàn đồng, gọi là lấy công làm lời. Nhưng tôi chỉ mướn các khâu khác. Riêng phần cắt, dập đít thì tôi tự làm. Vừa làm vừa kiểm tra chất lượng, loại bỏ những lưỡi không đạt yêu cầu. Nhờ vậy lưỡi câu của tôi luôn giữ được khách hàng”, ông Liêm chia sẻ.
Cũng theo ông Liêm, gần 20 năm trước, xóm lưỡi câu Mỹ Hòa có hơn 100 cơ sở, mỗi cơ sở có từ 6 - 8 nhân công. Tính ra không dưới 700 lao động, chưa kể những lao động gián tiếp gia công theo từng công đoạn. Năm 2007, xóm lưỡi câu Mỹ Hòa được công nhận làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống và được nhà nước tạo điều kiện cho bà con vay vốn, mở rộng quy mô sản xuất. Nhưng hiện giờ chỉ còn hơn 10 cơ sở lớn. Làm ăn không khá, nhiều người đã bỏ, chuyển sang nghề khác.
Có những gia đình gắn bó lâu đời với nghề làm lưỡi câu như ông Truyện, ông Thành. Họ nói có ít làm ít, có nhiều làm nhiều, quyết không bỏ nghề. Ông Liêm tâm sự: “Ba tôi là một trong những người tiên phong làm nghề lưỡi câu. Hồi ông làm thủ công, dùng dao cắt ngạnh mỗi ngày được vài trăm lưỡi. Tôi nối nghiệp cha, nhưng các con tôi không đứa nào chịu theo nghề. Hồi đó mỗi năm xóm này sản xuất được 200 - 250 tấn lưỡi câu, bây giờ chỉ còn vài chục tấn. Ruộng đồng bị bao đê hết, không còn cá thì làng nghề lưỡi câu bít đường, phải chuyển sang nghề khác thôi”.
Mùa nước nổi năm nay về sớm hơn năm ngoái, vì vậy số lượng người đặt hàng gấp 3 lần năm rồi. Cơ sở của ông Liêm mỗi ngày giao khoảng 2 muôn lưỡi đi các tỉnh và sang Campuchia. Ngoài ra còn có nhiều cơ sở làm bán thẳng cho các sạp chợ, mỗi ngày ít nhất cũng vài thiên (một thiên bằng 1.000 lưỡi). Các sạp chợ bán lại cho khách hàng từ các tỉnh. Cũng có một số khách gọi điện trực tiếp đặt hàng. Chỉ cần cho số tài khoản chuyển tiền, còn hàng thì đóng thùng gửi qua đường bưu điện.
Mấy năm nay mặt hàng lưỡi câu không ổn định nên ông Liêm sản xuất thêm dây phao, tóm lưỡi sẵn bán cho những người làm câu cần. Mùa này dây phao đắt hàng, làm không đủ bán. Vì vậy, bữa nay giao cho đại lý này thì mai phải giao cho đại lý khác, quay vòng mới kịp theo đơn đặt hàng, mặc dù mỗi ngày cơ sở của ông Liêm làm ra 50.000 phao đã tóm lưỡi sẵn.
“Làm dây phao tóm lưỡi sẵn vừa khỏe, vừa có thu nhập khá hơn sản xuất lưỡi. Vào mùa cao điểm, tôi kiếm được vài triệu đồng tiền lời mỗi ngày. Cứ sau tết, bắt đầu từ tháng hai âm lịch là có người đặt hàng. Lúc này tôi tập trung mấy chục đứa nhỏ trong xóm làm tới khuya. Tiền công thì trả theo từng công đoạn, khoảng 150.000 đồng một muôn”, ông Liêm cho biết. (còn tiếp)
Hoàng Phương-Ngọc Phan (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm