An toàn giao thông từ góc nhìn trẻ thơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tai nạn giao thông đang ngày càng trở thành một vấn đề nhức nhối của xã hội, vì thế tuyên truyền về an toàn giao thông là mục tiêu hết sức quan trọng. Đáng nói là công tác này đã được đưa vào tận các trường học-đặc biệt là ngay từ bậc tiểu học-thông qua các sân chơi bổ ích và lý thú.
 

 Học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn-TP. Pleiku tham gia thi giao thông thông minh trên internet. Ảnh: Phương Duyên
Học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn-TP. Pleiku tham gia thi giao thông thông minh trên internet. Ảnh: Phương Duyên

Sân chơi khá mới được Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia phối hợp với Bộ Giáo dục-Đào tạo và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức từ năm học 2012-2013 là cuộc thi “Giao thông thông minh” trên internet. Thí sinh tham gia phải trải qua các vòng thi trắc nghiệm kiến thức với nội dung tập trung ở 3 mảng: kiến thức về an toàn giao thông, kỹ năng xử lý tình huống và các hành vi ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông. Nhờ đó, các em học sinh bắt đầu quan tâm và nhanh chóng tiếp nhận những kiến thức tưởng chừng “khô như ngói” về an toàn giao thông.

Tuy là lần đầu tham gia nhưng Gia Lai đã có đến 5 học sinh đạt giải cấp quốc gia, cả 5 đều là học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (TP. Pleiku). Em Phạm Nguyên Nhật Hoàng-lớp 54, đạt giải ba của cuộc thi-cho biết: Em biết đến cuộc thi là do được thầy cô và nhà trường hướng dẫn. Với Nhật Hoàng, những bài học đầu tiên về an toàn giao thông bắt nguồn từ việc quan sát thực tế. “Em thấy các bạn học sinh thường có những vi phạm như không đội mũ bảo hiểm khi đến trường, khi qua đường không nhìn kỹ trước sau mà cứ chạy thẳng qua luôn”-Hoàng kể. Từ khi tham gia cuộc thi, đi trên đường chỗ nào có biển báo giao thông thì Hoàng cũng đều hỏi ba mẹ, nếu ba mẹ không biết thì lên lớp hỏi thầy cô.

Cũng đạt giải ba trong cuộc thi này, em Hà Trần Thiên Ý-lớp 52, bộc bạch: Ngoài việc nhờ ba mẹ và thầy cô giúp đỡ trước những câu hỏi khó, em còn tìm hiểu kiến thức về an toàn giao thông qua những kênh khác như sách báo và chương trình phát thanh măng non của trường. Thiên Ý cũng chỉ ra những tình huống tham gia giao thông sai luật mà em nhận thấy trên đường đi học như: qua đường không đúng vạch, một số phụ huynh chở con nhưng vẫn vượt đèn đỏ… “Qua cuộc thi “Giao thông thông minh”, em hiểu thêm về an toàn giao thông để tránh bị tai nạn”-Thiên Ý nói.

Cùng với cuộc thi mới mẻ và rõ ràng là rất hấp dẫn nói trên, năm học vừa qua, một sân chơi khác là cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Thiếu nhi với an toàn giao thông” do Phòng Giáo dục-Đào tạo TP. Pleiku và Nhà Thiếu nhi tỉnh phối hợp tổ chức cũng nhận được sự hưởng ứng của đông đảo học sinh. Tác phẩm của các em đã phản ánh những góc nhìn non nớt nhưng cũng rất nghiêm khắc trước những vi phạm của người tham gia giao thông như: băng qua dải phân cách, điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia, chở quá số người quy định, vượt đèn đỏ… Ở cuộc thi này, học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn cũng đã xuất sắc đạt 2 giải (1 giải A và 1 giải B).

Cũng bằng sự quan sát thực tế, em Trần Đông Nghi-lớp 56, đã đạt giải B với bức tranh khá ấn tượng có tên “Ôi nguy hiểm quá!”. Bức tranh mô tả cảnh một bạn học sinh đi xe phân khối lớn chở 3, không đội mũ bảo hiểm đang đối đầu với chiếc xe ô tô do một người say rượu điều khiển. Đó là một tình huống không phải là hiếm gặp, và như Đông Nghi chia sẻ thì “do trên đường đi học thấy vậy nên em mới nghĩ ra và chọn làm đề tài của bức tranh”.

Có thể thấy rằng sự hấp dẫn, lý thú mà các cuộc thi, các sân chơi mang lại cũng chính là thành công trong công tác tuyên truyền. Sự thay đổi nhận thức sẽ dẫn đến những thay đổi về hành vi-một yếu tố vô cùng quan trọng nhằm hạn chế những vi phạm cũng như tổn thất về cả vật chất và tinh thần do tai nạn giao thông gây ra.

Nói về việc tăng cường tuyên truyền an toàn giao thông trong nhà trường hiện nay, thầy Hồ Hiệp Sĩ-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, cho biết: “An toàn giao thông là vấn đề hết sức thời sự hiện nay nên nhà trường rất chú ý, nhất là khi trường nằm trên trục đường chính của thành phố (đường Hùng Vương), có độ dốc cao, lại gần ngã tư. Chính vì vậy, từ nhiều năm nay nhà trường đã thực hiện tuyên truyền trong giờ chào cờ, treo băng rôn, chỉ đạo giáo viên dạy đủ 6 bài học về an toàn giao thông trong giờ ngoại khóa đầu năm học, tạo điều kiện để học sinh tham gia các cuộc thi về an toàn giao thông…”.

Hy vọng rằng, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền an toàn giao thông học đường, chính các công dân nhỏ tuổi sẽ mang lại những biến chuyển khả quan trong “cuộc chiến” với vấn nạn tai nạn giao thông hiện nay.

Lam Nguyên

Có thể bạn quan tâm