Phóng sự - Ký sự

Angkor muôn mặt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong giao lưu với nước bạn Campuchia, nhiều người Việt Nam đã đặt chân tới khu vực đền “Đế Thiên - Đế Thích”, ngày nay thường gọi là đền Angkor. Nếu như ngày trước, đi Angkor như tới một vùng “ma thiêng nước độc” trong nếp nghĩ, thì ngày nay, đến Angkor quả là một hành trình an lành.

Các cựu sinh viên khóa 14 Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội chụp hình lưu niệm trước Tượng đài Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia



Đoàn chúng tôi vốn là sinh viên khóa 14 Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thấm thoắt  ra trường đến nay đã 45 năm, nhưng cả khóa quyết định chỉ kỷ niệm ngày nhập trường (tháng 8-1969), vì trong 4 năm rưỡi học, nhiều bạn phải lên đường nhập ngũ, kết thúc chiến tranh mới về học lại. Chuyến đi kỷ niệm 50 năm ngày chúng tôi nhập trường. Gần 100 nam thanh nữ tú ra trường tản mát cả nước. Số người cầm bút và cầm súng chiến đấu trong chiến tranh chống Mỹ và chống quân bành trướng (gồm cả Pôn Pốt) khá đông. Chúng tôi chọn Campuchia làm điểm đến của các U.70.

1. Trong giao lưu với nước bạn Campuchia, nhiều người Việt Nam đã đặt chân tới khu vực đền “Đế Thiên - Đế Thích”, ngày nay thường gọi là đền Angkor. Nếu như ngày trước, đi Angkor như tới một vùng “ma thiêng nước độc” trong nếp nghĩ, thì ngày nay, đến Angkor quả là một hành trình an lành.

Máy bay cất cánh ở sân bay Nội Bài. Từ cửa sổ máy bay nhìn rõ dãy Trường Sơn và Tây Nguyên hùng vĩ. Năm 1974, nhiều bạn ở khóa 14 đã chống gậy vượt Trường Sơn, hình ảnh này khiến chúng tôi không khỏi cảm khái. Vùng đất quanh sân bay quốc tế Angkor có vẻ giống vùng “đất xám” Đông Nam bộ của Việt Nam. Quen quen, lạ lạ.

Khu vực đền Angkor nổi tiếng nằm trên một vùng đất bằng phẳng, tựa như một bình nguyên. Không có núi non hiểm trở, không có rừng rậm khó đi. Con đường trải nhựa to rộng chạy xuyên qua rừng già, rừng nguyên sinh. Những thân cây lực lưỡng, gốc đến 2 vòng tay người, cao hàng chục mét. Những tia nắng buổi sớm chiếu qua ngọn cây thành từng vệt, từng vệt. Hào nước chạy quanh khu vực Angkor nước trong vắt, in bóng trời xanh mây trắng. Mọi người hào hứng qua chiếc cầu phao (cầu đá cũ đang được tu sửa) bắc qua hồ nước, tiến vào Angkor Wat. Và rồi những ngọn tháp Angkor huyền thoại hiện ra dưới chân trời phía Đông. Những cây thốt nốt im lìm. Những hành lang chạy dài, những pho tượng vũ nữ, tượng thần, tượng rắn thần Naga 9 đầu.

2. “Cưỡi ngựa xem hoa” là câu nói đúng nhất cho những tour du lịch Angkor Wat là khu đền tháp thờ thần đặc trưng cho lối kiến trúc và nền văn hóa Khmer (Campuchia) có ảnh hưởng của đạo Hindu (Ấn Độ). Lướt qua Angkor Wat, cả đoàn lại lên xe đến Angkor Thom. Angkor Thom được coi là thủ đô cuối cùng và lâu dài nhất của đế quốc Khmer, được xây dựng vào cuối thế kỷ XII. Tòa thành rộng 9km² này có 4 cửa. Ô tô chở khách du lịch đi quanh và dừng lại ở cửa Nam để du khách có thể từ đây leo dần những bậc thềm đá đến với đền Bayon, ngôi đền nổi tiếng với những bức tượng đá 4 mặt người quay đi 4 hướng.

Đến với Angkor, mỗi du khách có một vé vào cửa in hình chân dung mình và ngày tới thăm. Cảnh sát du lịch Campuchia kín đáo đứng ở những góc không làm phiền ai, nhưng sẽ có mặt kịp thời khi bạn gặp điều phiền phức. Trừ nước giải khát thốt nốt bày bán ven đường, còn ăn uống, cà phê… đã có nhà hàng phục vụ, kèm theo đó là những khu vực vệ sinh thoáng đãng và sạch sẽ. Thật không dễ dàng làm điều đó khi mà mỗi ngày có hàng ngàn người lui tới khu vực này.

Đến Angkor, chúng tôi lại nhớ tới buổi biểu diễn có tên gọi “Nụ cười Angkor” tại một sân khấu ở thành phố Siem Reap tối hôm trước. Vé vào cửa không rẻ, 37USD.  Chương trình kéo dài 75 phút, tái hiện lịch sử của Angkor, cũng là lịch sử thời xa xưa của đế chế Khmer.

Mới đây, theo cơ quan quản lý khu quần thể Angkor, 6 tháng đầu năm 2018 có hơn 1,3 triệu người đã mua vé vào tham quan khu quần thể Angkor, mang lại số tiền hơn 61 triệu USD cho Campuchia, tăng 17,84% so với cùng kỳ năm ngoái. Trông người lại ngẫm đến ta. Cứ nhìn cung cách người Campuchia điều hành hoạt động du lịch ở khu đền Angkor, lại ước ao các khu du lịch Việt Nam có tính chuyên nghiệp cao, bớt đi cảnh co kéo chụp giật, “chặt chém”, nhếch nhác, bẩn thỉu khiến du khách nước ngoài đến Việt Nam “một đi không trở lại”.

3. Từ đất Nam bộ của Việt Nam, tới Phnom Penh có thể theo quốc lộ số 1 và 2 trên đất Campuchia. Ở cung đường này, bạn sẽ qua cầu Neak Leung - cây cầu dây văng nổi tiếng. Đoạn sông này chính là của dòng sông chảy vào Việt Nam mang tên Tiền Giang.

 Đoàn chúng tôi đi từ Siem Reap theo quốc lộ số 6 với đoạn đường dài 314km, qua các tỉnh Siem Reap -  Kampong Thom -  Kampong Cham là tới Phnom Penh. Xe chạy nhanh vì đường tốt, nhưng cũng nhờ người dân Campuchia rất tôn trọng luật giao thông, không họp chợ buôn bán dưới lòng đường, xe hai bánh, ba bánh chạy sát mép đường.

Campuchia bắt đầu vào mùa mưa. Đồng ruộng loang loáng  nước. Cánh đồng lúa đang xanh, đầm sen… Dễ thấy nhất là  những cánh đồng thốt nốt dọc hai bên đường. Hướng dẫn viên du lịch kể, người Campuchia có câu: Thốt nốt đời cha trồng, đời con được hưởng. Vì cây thốt nốt 20 tuổi mới cho thu hoạch. Nhưng ở nước tôi, không ai trồng thốt nốt cả. Đến mùa nước ngập, quả thốt nốt rụng xuống, theo sóng nước trôi đi, gặp gờ đất cao, bám đất, nảy mầm thành cây. Thốt nốt mọc trúng ruộng nhà ai, nhà ấy được hưởng. Đồng ruộng Campuchia mỗi năm làm một vụ lúa, không thuốc trừ sâu, không phân hóa học. Nên con dế, con cà cuống, con nhái, con cá… không nhiễm thuốc trừ sâu. Đấy anh nhìn kìa, trước cửa mỗi nhà, trong sân vườn có căng những miếng ni lông trắng. Ban đêm bật đèn sáng, côn trùng bay vào, rơi xuống, chủ nhà ra hốt, mang ra chợ bán. Côn trùng sạch đấy!

Hướng dẫn viên này được bộ đội Việt Nam nuôi dưỡng, nói tiếng Việt rất sõi, có những lối ví von, so sánh rất tinh tế và hóm hỉnh, đúng chất lính Việt.  Xe qua một đám ruộng có một đàn bò đang gặm cỏ, anh bảo: “Bò trắng - người đen”. Lại nói thêm: bò Campuchia đa số là giống bò trắng Ấn Độ. Còn người Campuchia thì da đen. Nói rồi cười, phô hàm răng trắng trên khuôn mặt đen bóng.

4. Xe lướt nhanh qua những đầm sen. Sen hồng, sen trắng san sát. Sen ở đây bà con chủ yếu lấy hạt để bán. Lâu lâu thấy một chòi lá ven đường, trên tấm phên nứa gác chéo một bó đài sen, khách qua đường mua thì dừng lại. Nhìn cái chòi ven đường, thấy bà con đang thì thụp giã cốm dẹt mà muốn dừng lại, sà xuống bốc một nắm cốm nhai kỹ cho thấm hết cái hương vị của lúa mới. Lại nhìn những trường học ven đường, trường nào cũng sân rộng, cây cối phủ khắp mà bâng khuâng nhớ thuở học trò. Đang là buổi trưa tan học. Gặp đúng cảnh các phương tiện lưu thông dừng lại, mấy thầy cô giáo đứng chắn giữa đường để học sinh qua. Thằng bé cuối cùng xe đạp cao hơn người, hớt hải dắt xe chạy qua, nhìn mà thấy thương. Chú lái xe cũng là người có ý, bấm còi khi xe chạy song song một đôi đèo nhau bằng xe máy để nhắc. Thì ra cậu chàng mừng khi đón nàng, quên gạt chân chống!

Campuchia không có cổng làng, nhưng cổng chùa thì phum sóc nào cũng có. Qua cổng chùa thấy tít tắp con đường đất đỏ, không biết dẫn về đâu. Những nếp nhà sàn Khmer quần tụ. Đủ kiểu to nhỏ, bằng gạch, bằng gỗ, bằng tre nứa… Những mái đao cong vút hình con rắn như gợi nhớ truyền thuyết người Khmer lấy hình ảnh rắn là “vật tổ” (tô-tem) của mình.

Hành trình về Phnom Penh, rồi dạo chơi ở thủ đô bạn, lướt qua Hoàng cung, qua quảng trường sông 4 mặt, qua đài Độc Lập, qua chợ Trung tâm… Cứ ước ao gặp được một trận mưa. Cầu được ước thấy. Khi cả đoàn mang 2 lẵng hoa hồng lớn, màu đỏ và vàng, tượng trưng cho màu cờ Tổ quốc Việt Nam, đến đặt tại Tượng đài Quân tình nguyện Việt Nam, trời đổ mưa như trút. Cả đoàn vẫn đứng yên thành kính, lắng nghe một bạn có anh ruột hy sinh trong trận chiến chống Pôn Pốt, nói lên ước nguyện của đoàn, cầu mong anh linh của các liệt sĩ phù hộ cho đất nước hôm nay.

Đêm chia tay Phnom Penh, cả đoàn đi xem vũ điệu Apsara. Với cá nhân tôi, vũ điệu Apsara tượng trưng cho sự hồi sinh của đất nước Campuchia. Có cảm tưởng vũ công chính chỉ múa cho riêng mình xem. Chỉ riêng mình thôi. Chậm rãi, thanh thoát, uyển chuyển. Khát vọng tự do và hòa bình.

Thầm nghĩ, dù cho vật đổi sao dời, nhưng những hy sinh của người lính tình nguyện Việt Nam không uổng. Họ đã làm được một sự nghiệp vô cùng lớn lao: Trả lại nụ cười cho một dân tộc. Và trên đường ra sân bay Pochentong, thấy lòng thư thái khi nhìn sang bên trái đường: Công viên Hòa Bình với hai dãy dài những cây sứ mùa này đang đơm hoa trắng đầy cành - hai hàng cây của những người lính tình nguyện Việt Nam trồng trước khi trở về Việt Nam vẫn lên xanh tốt.

Thanh Vũ (sggp)

Có thể bạn quan tâm