Phóng sự - Ký sự

Anh hùng Đỗ Trạc với hai chữ “độc lập”

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Là người con của An Khê, cũng là một trong những người lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương thắng lợi sớm nhất trong toàn tỉnh Gia Lai, Anh hùng Đỗ Trạc (SN 1921) đã thấm thía với hai chữ “độc lập” và tự hứa với lòng mình sẽ cùng Nhân dân giữ vững nền độc lập đó.

Cuộc nổi dậy giành chính quyền ở An Khê ngày 20-8-1945 chỉ diễn ra sau Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám ở Thủ đô Hà Nội đúng 1 ngày. Có người hỏi: “Vì sao ở một huyện miền núi xa xôi của Tây Nguyên như An Khê, mọi liên lạc nhận thông tin lúc bấy giờ dường như không thể, tổ chức Việt Minh chưa hình thành, ngay cả Bình Định ở dưới chân đèo mà cũng sau mấy ngày mới khởi nghĩa giành chính quyền, vậy An Khê làm thế nào để tự mình đứng ra tổ chức khởi nghĩa thành công?”. Đó là một câu chuyện dài gắn với cuộc đời hoạt động của Anh hùng Đỗ Trạc và tổ chức Đoàn Thanh niên Chấn Hưng nơi đây.

Là một thanh niên trưởng thành, có học, yêu nước và có chí hướng, Đỗ Trạc muốn được đem sức trai giúp ích cho đời. Ông luôn gắn bó với bà con thôn xóm và giúp đỡ mọi người, nhất là những ai gặp hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Tuy không giao du rộng rãi với nhiều thành phần trong xã hội nhưng công việc làm ăn của bản thân và gia đình dựa vào hiệu bán sách, cho thuê sách; sắm cỗ xe ngựa để chuyên chở hàng hóa, vật liệu; sản xuất gạch phục vụ cho nhu cầu xây dựng của người dân địa phương đã giúp ông gần gũi với mọi tầng lớp lao động trong xã hội, nhất là viên chức, giáo viên, những người có học lúc bấy giờ. Những năm lao động cật lực, có người thấy ông vất vả đã cật vấn: “Sao anh có bằng cấp, có vốn tri thức kha khá mà không xin vào làm trong các công sở, cơ quan hành chính bấy giờ mà phải lo mưu sinh vất vả vậy?”. Ông chỉ mỉm cười và nhẹ nhàng trả lời: “Vài ba chữ nghĩa trong đầu giờ đây có giúp ích được gì cho ai trong thời buổi loạn lạc này. Cứ bỏ công sức ra như bao người ở quê mình mà làm ăn lương thiện, họ sao mình vậy, cố chống chọi cho qua cái thời buổi khó khăn này, rồi hãy hay…”.

Trong lúc đó, phong trào kháng Nhật trên cả nước đã lên đến cao trào. Ở miền Trung, các cuộc nổi dậy bãi công, bãi thị, mít tinh tuyên truyền chống Nhật của Nhân dân diễn ra khắp nơi. Đặc biệt, tháng 3-1945, cuộc khởi nghĩa của du kích Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã giành thắng lợi, gây tiếng vang lớn. Tiếp đó, đầu tháng 4-1945, một số quần chúng và thanh niên tiến bộ ở thị xã Pleiku và thị trấn An Khê tổ chức đón tiếp đoàn chính trị phạm từ Đak Tô về Quy Nhơn, trong đó có các chiến sĩ cách mạng nổi tiếng như: Lê Văn Hiến, Huỳnh Ngọc Huệ, Nguyễn Côn… Khi đoàn tù chính trị về đến An Khê, Đỗ Trạc cùng với nhóm thanh niên tiến bộ như: Trần Thông, Lý Bính… đã tổ chức đón tiếp chu đáo và được tiếp nhận thêm nhiều thông tin quý báu, khiến cho tinh thần yêu nước, chống giặc tăng cao trong nhóm thanh niên này. Trước đó, Đỗ Trạc đã từng biết và trân trọng những tấm gương đấu tranh của các tù nhân chính trị ở Ngục Kon Tum qua mô tả của Lê Văn Hiến, đặc biệt là cuộc đấu tranh lưu huyết, tuyệt thực trong chốn “địa ngục trần gian” đó: “Trăm rưỡi người đồng thanh nỗ lực/Hô khẩu hiệu tuyệt thực tranh đua/Vỗ tay diễn thuyết reo hò/Đế quốc mật vỡ, hung đồ hồn bay” (Ngục Kon Tum-Lê Văn Hiến). Những chiến sĩ cộng sản trong cuộc đấu tranh lưu huyết ấy đã nêu khẩu hiệu: “Chết cho sự sống, chết một người để cứu muôn người”, “Một người ngã xuống cho đất nước nở hoa độc lập”. Lúc này, ông Huỳnh Ngọc Huệ đã căn dặn Đỗ Trạc về nguyên tắc đấu tranh là phải có lực lượng và đường lối; phải khôn khéo bằng nhiều hình thức đấu tranh với địch; khi có thời cơ thì tổ chức quần chúng nổi dậy, đánh bại kẻ thù…

Những lời tâm huyết đó đã nung nấu trong nhóm thanh niên tiến bộ An Khê. Đến tháng 5-1945, Đỗ Trạc cùng Trần Thông đã tập hợp được trên 30 thanh niên có chí khí, yêu nước làm nòng cốt, công bố lập ra tổ chức Đoàn Thanh niên Chấn Hưng An Khê với mục tiêu là rèn luyện sức khỏe, hoạt động từ thiện, chống tệ nạn xã hội…

Từ đó, tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, thu nạp những quần chúng tốt vào tổ chức; bí mật chuẩn bị các điều kiện để chờ thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền. Theo quan điểm của nhóm thủ lĩnh Đoàn Thanh niên Chấn Hưng An Khê là muốn giành độc lập cho quê hương, đánh đuổi ngoại xâm và tay sai thì trước hết chúng ta phải mạnh lên, thịnh vượng và có thực lực. Từ “chấn hưng” mà những thanh niên An Khê bấy giờ lấy đặt tên cho tổ chức mình là mang ý nghĩa đó.

Tượng đài Anh hùng Đỗ Trạc trong khuôn viên trụ sở UBND xã Cửu An, thị xã An Khê. Ảnh: N.M

Tượng đài Anh hùng Đỗ Trạc trong khuôn viên trụ sở UBND xã Cửu An, thị xã An Khê. Ảnh: N.M

Nhớ lời dặn dò chu đáo của các chiến sĩ cách mạng Ngục Kon Tum, ngay sau khi thành lập tổ chức Đoàn Thanh niên Chấn Hưng An Khê, Đỗ Trạc cùng với Nguyễn Diễm đã tìm về Quảng Ngãi, nơi đang có tổ chức Đảng và Mặt trận Việt Minh. Từ tờ báo Chơn Độc Lập thuộc tổ chức Việt Minh ra đời ở Mộ Đức (Quảng Ngãi) có những thông tin về đường lối, chủ trương của Mặt trận khá rõ nên 2 ông đã tìm đến Cơ quan của Ủy ban Vận động cứu quốc Lê Trung Đình ở Quảng Ngãi và được đồng chí Bùi Định, Ban lãnh đạo Việt Minh Quảng Ngãi giao nhiệm vụ: “Trong bất kỳ tình huống nào cũng phải khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Đồng minh vào; tuyệt đối giữ vững độc lập về chính trị và quân sự. Khi tiếp xúc chỉ nêu khẩu hiệu đánh Nhật chứ không liên minh; vì liên minh là mất quyền độc lập, sẽ biến thành đội quân tay sai của chúng…”.

Từ chỉ thị quan trọng này, cuối tháng 7-1945, Đỗ Trạc và Trần Thông trở về mang tới cho Đoàn Thanh niên Chấn Hưng An Khê và quần chúng những thông điệp quý báu gợi lên tinh thần cứu nước, ý chí quật cường trong Nhân dân thị trấn. Thời gian này, dù chỉ cách Bình Định một con đèo nhưng các thủ lĩnh của Đoàn Thanh niên Chấn Hưng An Khê chưa liên lạc được với các tổ chức Việt Minh ở đây. Thực tế thì Bình Định lúc đó có 2 tổ chức Việt Minh: Việt Minh ở Hoài Nhơn gọi là Việt Minh Tăng Bạt Hổ (tháng 4-1945) và Việt Minh Nguyễn Huệ (tháng 5-1945) ở Phú Phong-Tây Sơn do đồng chí Võ Xán làm Thư ký. Hai tổ chức này hợp nhất sau ngày 2-9-1945. Chính vì điều đó mà những người lãnh đạo khởi nghĩa ở An Khê bấy giờ còn ngần ngại khi dự định tiếp cận.

Giữa tháng 8-1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã lan rộng ra nhiều vùng nông thôn trên cả nước. Qua thông tin từ Việt Minh Nguyễn Huệ ở Bình Định, Đoàn Thanh niên Chấn Hưng An Khê biết được Nhật đầu hàng Đồng minh ngày 14-8-1945 và Vua Bảo Đại sắp thoái vị. Các thủ lĩnh Đoàn Thanh niên Chấn Hưng An Khê nhận định “thời cơ vàng” đã đến nên tập hợp lực lượng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đội công tác, đồng thời ra sức chuẩn bị khí tài, lương thực và các phương án khởi nghĩa giành chính quyền.

Sáng 20-8-1945, lực lượng nòng cốt Đoàn Thanh niên Chấn Hưng An Khê có lực lượng vũ trang tự vệ cùng đông đảo quần chúng nhân dân kéo đến các cơ quan quân sự, hành chính của huyện lỵ đòi lính Bảo an hạ vũ khí và bàn giao chính quyền cho cách mạng. Sức mạnh và áp lực của quần chúng nhân dân buộc Tri huyện Phan Sĩ Sàng và cả bộ máy tay sai ở An Khê chấp nhận các yêu sách của lực lượng khởi nghĩa và bàn giao quyền lực cho Nhân dân. Chính quyền cách mạng lâm thời huyện An Khê được tuyên bố thành lập gồm: ông Trần Sanh-Chủ tịch, Bùi Thế Viện-Phó Chủ tịch, Đỗ Trạc-Ủy viên Thư ký, Trần Thông-Ủy viên Quân sự…

Sau khởi nghĩa giành chính quyền ở An Khê thắng lợi, ông Trần Sanh và Trần Thông được cử chỉ huy lực lượng vũ trang tự vệ của huyện tiến về thị xã Pleiku, phối hợp cùng Đoàn Thanh niên Gia Lai khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh lỵ. Ngày 23-8-1945, các tầng lớp nhân dân thị xã Pleiku mít tinh tại Tòa Công sứ trong niềm hân hoan thắng lợi. Các khẩu hiệu được Nhân dân trưng lên lúc này là “Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “Ủng hộ Mặt trận Việt Minh”…

Là người con của An Khê, cũng là một trong những người lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương thắng lợi sớm nhất trong toàn tỉnh, Anh hùng Đỗ Trạc đã thấm thía với hai chữ “độc lập” và tự hứa với lòng mình sẽ cùng Nhân dân giữ vững nền độc lập đó. Trong ngày Quốc khánh đầu tiên (2-9-1945), khi nghe bản Tuyên ngôn độc lập mà Bác Hồ đọc trước quốc dân đồng bào cả nước, ông vui mừng đến rơi nước mắt. Ở dòng cuối Tuyên ngôn, Người khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Có thể bạn quan tâm