Phóng sự - Ký sự

Anh hùng và những hành động anh hùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
.

(GLO)- Một ngày cuối năm 2010, bà con tổ dân phố 8, phường Diên Hồng, TP. Pleiku (Gia Lai) ngỡ ngàng khi nghe ông Nhương- cựu chiến binh, hiền lành ít nói, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời chống Mỹ. Cả phố chia vui, bạn bè, đồng đội mừng… Còn tôi, với sự tò mò của mình, muốn biết chất anh hùng của con người có dáng ngoài giản dị này?

Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Nhương.

Thuận theo đề nghị của tôi, một sáng áp Xuân Nhâm Thìn, ông Nhương kể tôi nghe về cuộc đời binh nghiệp của mình. Tôi cũng là lính trận, nhưng nghe về trận đánh của đơn vị ông vào cứ điểm Tà Cơn (Xuân 1968) không thể không khâm phục. Ngày ấy, Trung đoàn 95c của ông được giao nhiệm vụ đảm nhiệm trận đánh mở màn chiến dịch trên đường số 9 tỉnh Quảng Trị, mục đích nghi binh và giam chân một lực lượng lớn quân Mỹ-Ngụy. Tạo thế bất ngờ cho quân ta tiến công và nổi dậy toàn miền Nam vào Tết Mậu Thân 1968.

Ông bồi hồi nhớ lại: Ngày 22-1-1968, Trung đoàn 95c tấn công mở màn chiến dịch vào đội hình của Lữ đoàn 3 lính thủy đánh bộ Mỹ ở Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Đại đội 12,7 mm (C18) chúng tôi cùng với phân đội DKZ và bộ binh có nhiệm vụ đánh vào sở chỉ huy và căn cứ hậu cần của Lữ đoàn 3 tại thung lũng Tà Cơn. Nơi có sân bay và đường tiếp tế hàng không của địch. Ta chủ trương là vây lấn, tấn, triệt cắt đứt đường không vào sân bay Tà Cơn.

Chiến sự diễn ra ác liệt bằng mọi hỏa lực, nhưng hiệu quả vẫn chưa cao.Chúng tôi đã đề xuất thay đổi cách đánh: “Đưa các khẩu đội 12,7 mm và áp sát mục tiêu ngay tại chân hàng rào sân bay của địch (trước đó tiếp cận cách 500 mét, bắn máy bay không hiệu quả- N.V). Mục đích là bắn thẳng máy bay trên đường băng, khi hạ cánh cũng như cất cánh. Đây là một cách đánh mới, táo bạo vì chưa ai dùng cao xạ bắn thẳng máy bay chuẩn bị cất cánh, hay vừa hạ cánh lúc bấy giờ.

Chiếc máy bay này đã trực tiếp tham chiến tại chiến trường Khe Sanh- Tà Cơn cách đây gần 40 năm. Ảnh: Tư liệu.

Lúc đó, tôi mới là xạ thủ số 1 của khẩu đội 12,7 mm. Được cấp trên chuẩn thuận, các khẩu đội 12,7 mm tháo rời từng bộ phận súng, toài bò vào nằm đào công sự lắp lại súng dưới làn đạn địch. Khẩu đội của tôi áp sát được mục tiêu, nhưng cũng khó khăn về tiếp tế đạn. Tôi quyết định lắp đạn cách một viên lắp một viên để “điểm xạ” viên một, tiết kiệm và quyết tâm bắn một phát một mục tiêu. Bị ta khống chế, địch dùng B52 đánh bom rải thảm lên trận địa ta, rồi cho máy bay vận tải thả hàng tiếp tế cho địch ở cứ điểm. Phát hiện ý định của địch, chúng tôi áp sát sân bay hơn nữa. Khẩu đội tôi bố trí đối diện với đường băng của sân bay, hạ nòng 12,7 mm, bắn trực tiếp máy bay và binh lính ra lấy hàng, địch càng thêm hoang mang, rối loạn.

Chúng điên cuồng dùng thêm pháo binh, hỏa lực xe tăng đánh vào trận địa ta suốt ngày đêm. Lúc này đường tiếp tế của ta bị cắt. Nhiều đồng chí bị thương, bị hy sinh không đưa về được tuyến sau. Vết thương chồng vết thương, có anh hy sinh đến mấy lần. Khẩu đội tôi có 5 người, lúc đó hy sinh 1, bị thương nặng 3, tôi bị thương tay phải. Sau khi xé áo lót băng cho đồng đội và tự băng bó cho mình, thì một mảnh bom phạt gãy nòng pháo. Một mình đối diện với quân địch. Không thể chần chừ, tôi cởi quần áo dài quấn quanh nòng pháo 12,7 mm đỏ rực và… thay nòng dự phòng. Thay xong, dù tay phải bị thương đẫm máu, tôi tiếp tục bắn hạ liên tiếp 2 máy bay địch, giữ vững trận địa… Trận Tà Cơn- 1968, bây giờ nhớ lại mới thấy thật khốc liệt và… khó giải thích cho sức chịu đựng của con người, gần 40 ngày chúng tôi đánh trận trong đói khát, thiếu cứu thương, thiếu đạn và chừng ấy thời gian không… tắm.

Kể đến đây ông dừng lại. Tôi hiểu tâm trạng của ông đang nhớ về hình ảnh đồng đội hy sinh ngày nào “có người hy sinh đến mấy lần” còn tôi thì mường tượng về hình ảnh một chiến sĩ quần áo thủng, cháy sém vẫn kiên cường nã đạn xuống đầu thù. Với tay lấy cuốn lịch sử của Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4) đưa tôi xem. Tôi lướt qua thì hiểu, trải qua gần 40 ngày đêm chiến đấu (22-1 đến 30-3-1968) ở Tà Cơn, C18 của ông: Có 4/9 khẩu pháo bị phá hủy, hơn 100 đồng đội bị thương vong, nhưng đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. C18 bắn rơi 17 máy bay, riêng ông Nhương bắn rơi 7 chiếc, có ngày ông bắn rơi 3 chiếc máy bay địch. Kết thúc chiến dịch, ông được thưởng 4 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng hai và hạng ba; 3 danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ; được bầu là chiến sĩ thi đua, đi dự Đại hội Chiến sĩ Thi đua toàn miền Nam năm 1968. Một thành tích thật đáng khâm phục. Ngày ấy, chiến trường Khu 5 đã phát động cán bộ, chiến sĩ học tập những hành động anh hùng, thành tích của ông…

Từ năm 1968-1972, ông cùng đơn vị tiếp tục chiến đấu tại các chiến trường B3- Tây Nguyên; miền Đông Nam bộ; chiến trường Campuchia. Cá nhân ông nhiều lần bị thương, bị bom vùi vẫn không rời trận địa, tiếp tục là người tiên phong trong chiến trận. Đó là trận Đắc Min (1968), bị sức ép, bom vùi, được đưa về tuyến sau, vẫn kiên quyết ở lại trận địa, với câu nói: “Ai còn chiến đấu được thì ở lại cùng tôi chiến đấu” nhiều thương binh đã ở lại trận địa cùng ông tiếp tục chiến đấu và giành chiến thắng. Vẫn với tinh thần tiến công, trận Đầm Be (chiến trường Đông Bắc Campuchia, ngày 23-2-1971). Một mình, đối diện với 7 chiếc xe tăng địch, vẫn dũng cảm mưu trí ôm quả mìn còn lại duy nhất lao vào đánh cháy xe tăng địch, rồi bắn quả B40 cuối cùng diệt thêm chiếc nữa khiến địch hoảng sợ tháo lui; trận ấy ông còn bắn rơi 2 chiếc máy bay nữa…

Năm 1972, ông lại một lần nữa được đi báo cáo điển hình tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ Thi đua toàn miền Nam năm 1971-1972, rồi được cử đi học cán bộ trung cao ngoài Bắc. Sau ngày giải phóng, cuối năm 1975 ông được điều động trở lại Gia Lai, nơi chiến trường xưa, tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh…

Câu chuyện của chúng tôi xoay quanh những những kỷ niệm vui buồn của đời quân ngũ. Tôi hỏi vậy sao mãi đến năm 2010, anh mới được phong Anh hùng lực lượng vũ trang, và vì sao được phong Anh hùng? Ông cười chia sẻ: “Mình nhập ngũ tham gia chống Mỹ cứu nước đâu có nghĩ mình sẽ là anh hùng. Đơn giản như hàng triệu chiến sĩ cầm súng bảo vệ Tổ quốc thôi mà”. Nhưng rồi ông cũng mở lòng, nói với tôi rằng: Để được phong Anh hùng, ông không chỉ với bề dày thành tích tham gia chiến đấu 175 trận. Bắn rơi 13 máy bay các loại. Tiêu diệt 54 tên Mỹ, ngụy, bắn cháy 2 xe tăng. Được thưởng 18 Huân chương các loại. 18 Huy hiệu dũng sĩ diệt Mỹ, diệt ngụy, kỷ niệm chương. Mà, để được hai lần đi dự Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ Thi đua toàn miền Nam, được nêu gương để toàn quân học tập, chính là có những hành động anh hùng trong chiến đấu. Đó là khi, ông không chỉ có sáng tạo trong cách đánh, mà chính là khi chỉ có một mình đối diện với quân địch vẫn bình tĩnh, dũng cảm, kiên quyết tiến công và đánh thắng địch.

Tiêu biểu như trận đánh cứ điểm Tà Cơn (Xuân 1968), khi ông một mình thay nòng 12,7 mm giữa trận địa ác liệt, bắn cháy thêm 2 máy bay địch. Lần thứ hai tại trận Đầm Be (Campuchia), cũng một mình đối diện với 7 xe tăng địch, trong tay còn một quả mìn, một quả đạn B40. Ông đã dũng cảm, mưu trí dùng mìn (thông thường nhiều người dùng B40 trước) để tiến công đánh trước rồi mới dùng B40, kết quả không chỉ đã đánh cháy 2 xe tăng, mà làm cho địch hoang mang, không phán đoán đúng hỏa lực của ta. Kết quả, mình ông đã bẻ gãy mũi tấn công của địch giữ vững được trận địa. Đó là hành động anh hùng.

Còn vì sao phải gần 40 năm sau ông mới được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, là cả câu chuyện dài. Nhưng với nụ cười hiền hòa khiêm tốn của ông thì: “Trong chiến tranh mọi việc đều có thể xảy ra”. Đúng vậy, theo như lời của các đồng đội cùng đơn vị tham gia chiến đấu với ông thì, bản thành tích đề nghị phong danh hiệu Anh hùng cho ông đã được đơn vị lập từ năm 1972 và sau đó là năm 1975… nhưng như chúng ta đã biết: Bản thành tích và người Anh hùng đã “thất lạc” nhau và mãi 40 năm sau mới tìm lại được nhau...

Quốc Ninh
 

Có thể bạn quan tâm