Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Anh hùng Võ Tiệu và lá cờ nhuộm máu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong bài viết này, tôi xin được kể về khí tiết của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Tiệu-cựu tù chính trị yêu nước, nguyên Bí thư Huyện ủy Mang Yang. Ông là người đã dùng máu của mình và đồng đội để nhuộm vải làm cờ Tổ quốc tại Lễ truy điệu Bác năm 1969 ở Trại giam tù binh Cộng sản Phú Quốc. Từ hành động anh hùng ấy cùng với lòng quả cảm, ông đã được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang truy phong Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 25-4-2015.
Vừa rồi, tôi có dịp dự buổi liên hoan gặp mặt của Hội Cựu tù chính trị yêu nước tỉnh tại nhà bà Phạm Thị Năm (đường Nguyễn Trãi, TP. Pleiku)-một cựu tù chính trị yêu nước thời chống Mỹ, quê Bình Định. Ngoài lý do gặp gỡ cuối năm, đây còn là dịp tưởng nhớ ông Võ Tiệu-chồng bà (ông Tiệu mất năm 1984). 
Trong những câu chuyện về lao tù của “người trong cuộc” như ông Phan Kỳ (tức Lúa) khi ấy là Bí thư chi bộ phòng giam, Trần Văn Thu-đoàn viên Đội cảm tử, điều cảm động nhất mà tôi được nghe kể lại chính là chuyện ông Tiệu cùng đồng đội dùng máu nhuộm vải thành cờ Tổ quốc tại Lễ truy điệu Bác ở Trại giam tù binh Cộng sản Phú Quốc năm 1969. Ông Võ Tiệu khi ấy là Bí thư Đảng ủy phân khu V (bí mật) của nhà tù Phú Quốc đã trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo và cùng anh em quyết biến đau thương thành hành động cách mạng. 
Anh hùng Võ Tiệu (ảnh gia đình cung cấp).
Một khẩu mật từ người Bí thư Đảng ủy Võ Tiệu được truyền nhau khắp trại giam: Hãy lấy chính máu của mỗi tù binh nhuộm vải thành lá cờ đỏ để làm lễ truy điệu Bác. Vậy là, với mảnh thủy tinh đập vỡ, các tù binh ở mỗi phòng giam tự chích máu mình, từng giọt, từng giọt máu đào gom lại để bí mật nhuộm lá cờ bằng vải xé từ màn, sao vàng chiết từ nhựa cây. Hôm đó, Đảng ủy nhà tù đã biến buổi điểm danh của địch thành buổi lễ truy điệu Bác Hồ. Sau tiếng hô “Lễ truy điệu Bác bắt đầu” là những tiếng hô vang “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm”, “Đả đảo chế độ hà khắc, tra tấn dã man của nhà tù”. Bọn quân cảnh điên cuồng xả súng xuống tù binh, người trước ngã, người sau đứng dậy. “Hình ảnh những đồng đội hiên ngang phất cao lá cờ, thân thể họ cũng nhuộm máu mãi mãi khắc sâu trong tâm trí chúng tôi. Khí tiết của đồng chí Võ Tiệu là động lực, là linh hồn để tổ chức buổi lễ truy điệu thành công”-ông Kỳ nhớ lại.  
Nghe câu chuyện xúc động nhân tâm này, đọc lại lý lịch và qua lời kể của các nhân chứng là bạn tù năm xưa, trong tôi hình ảnh người anh hùng Võ Tiệu (tên khai sinh là Võ Văn Liêu, bí danh Tương) dần hiện rõ. Ông sinh ngày 28-6-1928 tại xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha ông bị địch giết năm 1966, em trai hy sinh năm 1967. Bản thân ông từng tham gia khởi nghĩa năm 1945, tham gia kháng chiến chống Pháp, hoạt động tại chiến trường Gia Lai, là một trong 134 người “B trụ” của tỉnh; từng kinh qua nhiều chức vụ, là Bí thư huyện 6 (Mang Yang) từ năm 1962. 
Trong chiến dịch tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ông cùng đồng đội lãnh đạo 5.000 đồng bào nổi dậy, tiến vào ngoại vi thị xã Pleiku. Mùng 2 Tết năm ấy, ông bị địch bắt. Từ đây, địch đưa ông qua nhiều nhà tù nhưng không khai thác được gì. Do vậy, chúng đẩy ông ra Trại giam tù binh Cộng sản Phú Quốc từ năm 1968 cho đến ngày trao trả tù binh theo Hiệp định Paris năm 1973. Suốt thời gian này, ông luôn là người tiên phong, cùng các đảng viên bí mật thành lập chi bộ, Đảng bộ trong trại giam của kẻ thù. Ông từng bị giam ở “biệt giam 5”  và trải qua hầu hết các phân khu của trại giam (Trại giam Phú Quốc có 12 phân khu, mỗi phân khu giam trên 4.000 tù binh). Nhưng kẻ thù không lường được rằng, dù bị đưa đến phân khu nào, ông cũng đều giữ vai trò là Bí thư Đảng ủy phân khu, tiên phong và trực tiếp chỉ đạo phong trào đấu tranh trong trại tù của địch. Trong phần lý lịch tự khai, ông viết về mình hết sức giản dị: “Lúc bị tra tấn, dù có chết cũng nhất định không gây thiệt hại cho cách mạng và nhân dân, giữ vững khí tiết”.
Mùa xuân năm 2020 này, Đảng Cộng sản Việt Nam tròn 90 năm thành lập, lịch sử của Đảng gắn liền với lịch sử dân tộc trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hôm nay. Sinh thời, Bác đã từng khẳng định: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: “Đảng ta thật là vĩ đại” (Đọc tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Đảng vào tháng 5-1960). Làm nên sự vĩ đại ấy không thể không kể đến tinh thần, nghị lực và ý chí của mỗi đảng viên qua các thế hệ, trong đó có khí tiết của người đảng viên nơi chốn lao tù của thực dân đế quốc như Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Tiệu.
QUỐC NINH

Có thể bạn quan tâm