Thầy Đặng Ngọc Duy đứng lớp giảng dạy các bạn nhỏ khuyết tật. Ảnh: Mạnh Cường |
Đỗ hai bằng… tiểu học
Thầy Đặng Ngọc Duy hài hước nói vậy khi kể lại số phận cũng như hành trình đi tìm con chữ đầy lận đận của mình. Sinh năm 1976 tại mảnh đất Tam Kỳ, Quảng Nam khi đất nước đã hòa bình. Nhưng chiến tranh vẫn chưa buông tha, vật liệu nổ đã cướp đi đôi mắt và một nửa bàn tay trái của cậu bé Duy, lúc này mới hơn 10 tuổi.
Mất đi ánh sáng và bàn tay khi còn quá nhỏ, cậu bé Duy rơi vào trầm cảm, u uất một thời gian khá dài. Nhưng nỗi khát khao được đi học, được thành người bình thường đã thôi thúc cậu phải tìm lại bản thân mình. Và đầu tiên là việc học. Biết ở TPHCM có nhiều nơi dạy chữ cho người khiếm thị, Duy viết đơn xin đăng ký học, nhưng bị từ chối vì đã quá tuổi. May mắn vào năm 1992, trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu tại Đà Nẵng ra đời, chàng thiếu niên Đặng Ngọc Duy, lúc này đã 16 tuổi được đồng ý nhập học, nhưng phải học lại từ lớp 1 đến lớp 5. Thầy nói vui rằng “Nếu người ta có hai bằng đại học, thì tôi có hai bằng... tiểu học”. Đến khi hết tuổi học, Duy về lại Tam Kỳ để học hòa nhập tiếp lớp 7 cùng em gái. Người ta học bằng mắt, còn thầy học bằng tai.
Thế rồi mất thêm 4 năm trời đầy chật vật, khắc khoải nữa, Duy mới có thể bước chân vào Khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư phạm Quảng Nam. Mùa thi đầu tiên chưa có cơ chế đào tạo người khuyết tật vào ngành sư phạm. Kể từ năm sau được phép thi, thì liên tiếp 3 lần trượt đại học, do bị áp lực, mất ngủ triền miên và sức khỏe yếu. Mặc kệ mọi người góp ý đúng sai, chàng thanh niên Đặng Ngọc Duy vẫn kiên trì ôn thi đại học, để rồi đạt được ước nguyện.
“Có thể tôi không đi nhanh, nhưng chắc chắn tôi không đi thụt lùi”, đó là phương châm sống giúp chàng thanh niên khiếm thị vượt qua tất cả khó khăn của bản thân. Những lúc cảm thấy bất lực và chán nản, chàng trai lại làm thơ, học đàn, sáng tác nhạc. Và khoác ba lô và cây gậy lên đường đến mọi vùng đất để nạp lại năng lượng và ý chí.
Không chỉ làm thơ được đăng trên nhiều báo, tạp chí, người thầy khuyết tật Đặng Ngọc Duy còn sáng tác hàng trăm ca khúc dù chỉ còn nửa bàn tay trái để bấm phím đàn ghi ta. Tháng 4/2022, thầy ra mắt album “Việt Nam hát lên” chọn lọc 11 ca khúc ca ngợi quê hương đất nước, cuộc sống, được các ca sĩ và các em khuyết tật ở trung tâm thể hiện. Như những câu thơ của thầy “Dù thân mình khuyết tật/Dù hạnh phúc quay lưng/Trong cuộc đời nghiệt ngã/Vẫn ca khúc ân tình/Mỗi cuộc đời nho nhỏ/Sống là để yêu thương/Dòng đời ta sóng vỗ/Cho bến bờ thêm hương”.
Thắp ánh sáng cho người khác
Ngoài 30 tuổi mới tốt nghiệp đại học với bàn tay trắng và trước mắt giăng kín một màu đen. Gia cảnh nghèo nơi xóm nghèo. “Thương cha xe kéo vòng vòng/Mồ hôi loang loáng mưa dông bóng gầy” như câu thơ Duy viết về cha mình.
Trăn trở về số phận những người khuyết tật như mình, Đặng Ngọc Duy đi đến một quyết định bất ngờ, đó là quyết tâm thành lập một trung tâm hỗ trợ các em nhỏ kém may mắn.
Thế rồi, năm 2008, Mái ấm Hướng Dương ra đời trên căn nhà đi thuê, từ kinh phí vài chục triệu đồng gom góp bao lâu, cùng với sự ủng hộ của gia đình. Tập thơ đầu tay của Đặng Ngọc Duy mang tên “Sắc màu âm thanh” được xuất bản dịp đó, cũng nhằm để bán và quyên tiền thành lập mái ấm. Tập thơ được nhà thơ Đỗ Trung Quân viết lời giới thiệu: “Người thấy nắng chắc gì đã biết đó là nắng. Người nhắm mắt lại đôi khi chói lọi trong lòng. Duy cứ nhắm mắt mà nhìn nắng”.
Một buổi học mỹ thuật tại trung tâm. Ảnh: Mạnh Cường |
Thành lập mái ấm này cũng chỉ là bước đầu trong kế hoạch nuôi dạy trẻ em khuyết tật của thầy Duy. “Tôi nhớ mãi những ngày đầu vất vả đi tuyển sinh ở Bắc Trà My, vùng dân tộc Ca Dong, đó là vào khoảng giáp Tết. Mình mù mà phải trèo đèo, lội suối bất ngờ gặp mưa lũ suýt chết...”. Vô vàn khó khăn ban đầu, nhưng rất may tiếng lành đồn xa, nhiều nhà hảo tâm đã tìm đến giúp đỡ.
Từ một mái ấm gồm 21 học sinh khuyết tật vỏn vẹn với 1 phòng học và 1 phòng ngủ tại căn nhà cũ đi thuê, biết bao khó khăn, bao nhiêu lần chuyển dời địa điểm, đến nay sau 15 năm hoạt động mái ấm ngày ấy đã trở thành Trung tâm Hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập tư thục Hướng Dương Việt Quảng Nam khang trang, bài bản, đang nuôi dạy, hướng nghiệp và dạy năng khiếu cho trên 50 em kém may mắn, khiếm thị, khiếm thính, tự kỷ… Các em được học văn hóa từ lớp dự bị tới lớp 5 và các môn năng khiếu, hướng nghiệp, đồng thời với việc tiếp tục học hòa nhập các cấp học cao hơn.
Giờ đây trung tâm đã có diện tích lớn hơn rất nhiều so với trước, các phòng học văn hóa, phòng năng khiếu đàn hát với đủ các nhạc cụ, phòng hướng nghiệp, phòng ăn rộng rãi khang trang. Sân chơi rộng giúp cho các bạn nhỏ thỏa sức vui đùa. Ghé qua trung tâm, luôn bắt gặp cảnh vui đùa, ca hát của những em nhỏ kém may mắn. Thành quả ngày nay là do thầy Đặng Ngọc Duy và các nhà hảo tâm cùng các cô giáo xây dựng nên, từ tấm lòng chan chứa yêu thương, chia sẻ.
Một buổi học mỹ thuật tại trung tâm. Ảnh: Mạnh Cường |
“Trường bình thường một lớp 40-50 học sinh, nhưng ở đây mỗi lớp 10 em là quá nhiều rồi. Mỗi em là mỗi dạng tật khác nhau, nên khi dạy thì kiến thức cũng đủ loại “lô nhô”, và nhiều em ngỗ nghịch do bệnh lý, nên kèm cặp, chăm sóc các em rất vất vả, đòi hỏi tâm lý giáo viên phải rất kiên trì, cùng với lòng thương yêu”, một cô giáo ở trung tâm chia sẻ.
Sau 15 năm, đến nay nhiều em khuyết tật từ mái ấm này đã trở thành sinh viên, nhiều em làm cơ khí, công nhân,... “Ngày xưa khi mình dạy, có một em khiếm thị nay đã học lớp 11 rồi. Những ngày đầu bày em cách viết vào ô 6 chữ rất khó khăn, vì em không hình dung được con chữ. Mình suy nghĩ mãi, và cuối cùng nghĩ ra cách làm thanh gỗ đục 6 lỗ, sau đó cắm đinh vào cho em ấy cảm nhận và tập ghim đinh vào những lỗ đó. Một ô chữ to bằng bàn tay để em sờ và hình dung được. Em ấy đã vượt qua khó khăn và hiện tại vẫn theo con đường học vấn”, thầy Duy nhớ lại.