Chính trị

Quốc phòng - An ninh

ASEM 11 thông qua 20 sáng kiến mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 16-7, tại thành phố Ulan Bator (Mông Cổ), Hội nghị Cấp cao Diễn đàn hợp tác Á - Âu lần thứ 11 (ASEM 11) đã kết thúc tốt đẹp.

Nhân dịp tham dự ASEM 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có 17 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với nguyên thủ, lãnh đạo các quốc gia Á, Âu gồm: Trung Quốc, Bulgaria, Lào, Phần Lan, Thụy Sĩ, Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Đức, Malta, Ba Lan, Hà Lan, Ấn Độ, New Zealand, Nhật Bản, Slovenia và Ủy ban châu Âu.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Malta, hai thủ tướng đã chứng kiến lễ ký hiệp định giữa hai chính phủ về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế thu nhập. 
 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các trưởng đoàn chụp ảnh chung tại lễ bế mạc ASEM.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các trưởng đoàn chụp ảnh chung tại lễ bế mạc ASEM.

Cần tăng cường đối thoại

Trước đó, các nhà lãnh đạo ASEM ra Tuyên bố lên án mạnh mẽ các vụ khủng bố diễn ra tại cả châu Á và châu Âu; bày tỏ đoàn kết và chia buồn sâu sắc đến Chính phủ, nhân dân Pháp. Nhiều thành viên bày tỏ quan ngại trước những diễn biến mới đang tác động đến môi trường an ninh tại châu Á, trong đó có Biển Đông và biển Hoa Đông. Các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết cùng nỗ lực đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, thương mại; không cản trở, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực và các hành động đơn phương, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng các mục tiêu phát triển, kết nối, liên kết kinh tế và gia tăng hợp tác không thể thực hiện được trong môi trường bất ổn và đầy bất trắc. Những diễn biến phức tạp đang đặt ra yêu cầu cấp bách đối với hai châu lục là tăng cường đối thoại trên tinh thần xây dựng, thúc đẩy hợp tác, chia sẻ lợi ích và trách nhiệm chung trong việc bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định nhằm tập trung mọi nguồn lực cho phát triển và thực hiện các mục tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 cũng như các mục tiêu quan trọng khác được quốc tế thừa nhận.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các thành viên ASEM tiếp tục thực hiện quyết tâm chính trị và trách nhiệm cao; đi đầu thúc đẩy các cơ chế đối thoại hợp tác khu vực, liên khu vực và toàn cầu; đồng thời chú trọng các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa.
 

Phát biểu trong chuyến thăm Australia, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Trung Quốc phải tôn trọng các quy tắc cũng như các phán quyết của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) trong vụ kiện Biển Đông của Philippines. Ông Biden nói rằng, Mỹ đang kêu gọi cả Trung Quốc và Philippines tuân thủ các phán quyết của tòa án quốc tế. Ngoại trưởng Australia Julie Bishop cũng cho rằng, Bắc Kinh có thể chịu tổn hại nếu không công nhận phán quyết này. Trước đó, phát biểu tại một hội nghị không chính thức ở ASEM, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tự cho rằng, phán quyết của PCA không có ảnh hưởng gì tới chủ quyền lãnh thổ, các quyền và lợi ích biển của Trung Quốc ở Biển Đông.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực phát triển năng động và động lực tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những diễn biến đáng lo ngại gần đây tại Biển Đông, tuyến đường huyết mạch về hàng hải và hàng không quốc tế, đang làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và thế giới.

Thủ tướng đánh giá, thời gian qua ASEAN luôn kiên trì lập trường thúc đẩy đối thoại; tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa; tự kiềm chế, không có hành động đơn phương gây căng thẳng, làm phức tạp tình hình; không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, không quân sự hóa; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Các tranh chấp phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý.     

EU đăng cai ASEM 12

Trưa cùng ngày, các nhà lãnh đạo đã thông qua 20 sáng kiến mới do các thành viên đề xuất và thành lập thêm Nhóm hợp tác chuyên ngành thứ 20 nhằm hiện thực hóa các định hướng hợp tác trong giai đoạn 2016-2018. Trong đó, Việt Nam đề xuất sáng kiến về “Hội nghị ASEM về Giáo dục sáng tạo và xây dựng nguồn nhân lực vì phát triển bền vững”, được nhiều thành viên đánh giá cao, đồng ý tham gia đồng bảo trợ.

Tại lễ bế mạc, các thành viên chúc mừng Mông Cổ đã tổ chức thành công ASEM 11, hoan nghênh EU đăng cai ASEM 12 vào năm 2018 và Myanmar tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 13 vào năm 2017.

Đối với Việt Nam, Diễn đàn ASEM tiếp tục là một cơ chế hợp tác quan trọng ở tầm liên khu vực để thúc đẩy các lợi ích, quan tâm về kinh tế, phát triển và an ninh cũng như nâng cao vị thế của nước ta. Tất cả các đối tác chiến lược, hầu hết các đối tác toàn diện và các đối tác thương mại tự do của nước ta là thành viên ASEM. Đó là những cơ hội đầy tiềm năng để các bộ, ngành, địa phương và từng người dân tận dụng trong giai đoạn phát triển mở.

Theo sggp

Có thể bạn quan tâm