"Bà đỡ" buôn Choanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều năm qua, chị Ksor H’Đế (nhân viên y tế buôn Choanh, xã Uar, huyện Krông Pa) đã mang tất cả tâm huyết của mình để giúp đỡ những thai phụ trong buôn được “mẹ tròn con vuông”.  
Ở buôn Choanh,  người dân vẫn gọi Ksor H’Đế là “bà đỡ” dù năm nay chị mới bước qua tuổi 27.


Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên khi đang học lớp 11, H’Đế phải dở dang giấc mơ đèn sách để ở nhà phụ giúp cha mẹ. Tuy vậy, H’Đế vẫn ôm ấp giấc mơ được mang kiến thức về giúp đỡ bà con ở buôn làng mình. Và cơ hội đã đến khi H’Đế được nhận vào làm nhân viên y tế ở chính buôn Choanh. Sau đó, chị được cử đi học lớp “Bà đỡ dân gian” tại Bệnh viện Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh. H’Đế luôn dặn mình phải chăm chỉ học hành để có đủ kỹ năng, kiến thức phục vụ tốt cho công việc sau này.

 

Trên 80% phụ nữ ở buôn Choanh được tiêm phòng uốn ván đầy đủ. Ảnh: L.V.N
Trên 80% phụ nữ ở buôn Choanh được tiêm phòng uốn ván đầy đủ. Ảnh: L.V.N

Trở về buôn làng sau khóa học, H’Đế phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi buôn Choanh có số dân đông nhất xã với 216 hộ, hơn 1.300 khẩu; trong đó hơn 98% là người Jrai, trình độ dân trí thấp nên kiến thức về chăm sóc sức khỏe còn hạn chế. Là người con của buôn làng nên chị hiểu hơn ai hết nếp sống, lối suy nghĩ của bà con. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, chị đã phối hợp với Trưởng thôn, cán bộ phụ nữ buôn lồng ghép tuyên truyền tới bà con trong những buổi họp dân về công tác chăm sóc sức khỏe như: ăn chín, uống sôi, phát quang bụi rậm xung quanh nhà, vận động các gia đình làm công trình phụ hợp vệ sinh, khi ốm cần đến Trạm Y tế xã để khám và điều trị...

Thấy việc vận động người dân tham gia các buổi tuyên truyền chỉ thông qua loa phát thanh không phát huy hiệu quả, chị đã lặn lội đến từng nhà, nhiều khi phải tới tận rẫy để thông báo, nhắn nhủ. 7 năm gắn bó với công việc, H’Đế thuộc từng ngả đường, ngôi nhà và những hoàn cảnh khác nhau, đặc biệt là những gia đình có phụ nữ đang mang thai và có con nhỏ. Hầu như tháng nào H’Đế cũng ghé đến thăm hỏi tình hình sức khỏe thai phụ, bà mẹ và em bé để có những tư vấn kịp thời. Không phân biệt ngày hay đêm, nếu có người cần giúp đỡ, chị lập tức gác lại mọi công việc để đến nhà họ. Không ít lần, chị phải đỡ đẻ ngay tại nhà của thai phụ. Nhớ lại ca đỡ đẻ đầu tiên tại nhà, chị H’Đế chia sẻ: “Dù khi đi học mình cũng nhiều lần tiếp xúc với bệnh nhân nhưng mình vẫn thấy hơi run và bối rối.  Nhưng sau đó, mình tập trung cao độ, cố gắng nâng niu đứa bé như chính con của mình. Lần ấy mẹ tròn con vuông, mình hạnh phúc vô cùng”.

Với người dân buôn Choanh, chị không khác gì người thân trong gia đình. Chị Rcăm H’Mơi-một sản phụ ở buôn Choanh, cho biết: “Bà con ở đây ai cũng yêu quý H’Đế vì cô ấy rất nhiệt tình, hễ trong làng ai ốm đau nhờ đến xem giúp là đến liền. Bản thân mình khi mang thai cũng được H’Đế nhắc nhở uống viên sắt và tiêm phòng đầy đủ. Khi mình có dấu hiệu trở dạ, người nhà đến gọi, H’Đế cũng tới kiểm tra rồi đưa mình lên Trung tâm Y tế huyện để sinh bé. Giờ mình khỏe, con cũng khỏe, mình cảm ơn H’Đế lắm”.

Không chỉ là cán bộ y tế, chị Ksor H’Đế cũng kiêm luôn công việc của cộng tác viên dân số.  Chị cho biết, vì công việc có liên quan chặt chẽ với nhau nên khi lồng ghép càng hiệu quả dù có vất vả hơn một chút. “Nhiều lúc vất vả nhưng chưa bao giờ mình nản lòng vì tình cảm tin yêu của bà con trong buôn dành cho mình. Nhiều năm nay, buôn Choanh không xảy ra trường hợp sản phụ hay trẻ sơ sinh tử vong sau sinh. Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng và uống vitamin A đầy đủ luôn đạt trên 90%; tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiêm phòng uống ván đầy đủ luôn đạt trên 80%. Những nỗ lực nhỏ của mình dần dần cũng mang lại kết quả tích cực, mình vui lắm và sẽ cố gắng hơn nữa vì buôn làng”-chị H’Đế chia sẻ.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm