Phóng sự - Ký sự

"Bà đỡ" của những học trò nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều năm qua, người dân khu Đọ Xá, phường Ninh Xá, TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh vẫn hay đùa gọi bà giáo Nguyễn Thị Thuận (70 tuổi) với biệt danh trìu mến “người ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”.
Bà là người khởi xướng nhiều hoạt động thiện nguyện như: “Một kèm một” (các thầy cô đến tận nhà những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để dạy học miễn phí) và “Hội đỡ đầu những hoàn cảnh khó khăn tỉnh Bắc Ninh”. Bằng những việc làm thiết thực, bà cùng các cộng sự của mình đã giúp đỡ được hàng chục trẻ em mồ côi, người khuyết tật, những người già neo đơn…
70 tuổi vẫn đạp xe đi làm thiện nguyện
Chúng tôi tìm đến nhà bà giáo Thuận đúng vào lúc bà đang kèm cho một học sinh lớp 5, con của một nữ công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trường hợp này  đích thân một vị sư thầy nhờ bà Thuận giúp đỡ. Bà Thuận chia sẻ rằng, do dịch COVID-19 nên hoạt động “Một kèm một” của nhóm tạm thời phải dừng hoạt động.

Bà Thuận trao tiền hỗ trợ cho một học sinh được Hội đỡ đầu.
Bà Thuận trao tiền hỗ trợ cho một học sinh được Hội đỡ đầu.
Hoạt động thiện nguyện “Một kèm một” do bà giáo Thuận khởi xướng đã hoạt động được tròn 10 năm. Chuyện một ai đó có tâm gom những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn để dạy học miễn phí cho chúng đã không còn trở nên xa lạ. Nhưng chuyện những thầy cô giáo tối tối lại tự nguyện phóng xe có khi cả chục cây số đến nhà học sinh để dạy học miễn phí cho chúng thì quả là hiếm. Khi được hỏi lý do vì sao không gom học sinh lại để tiện cho việc dạy học thì bà giáo Thuận cười bảo: “Có nhiều lý do để tôi không làm việc đó. Thứ nhất, lớp học diễn ra vào buổi tối, nếu để các cháu đi lại vào thời gian đó thì rất nguy hiểm như: tai nạn giao thông, hoặc các tệ nạn xã hội khác. Hơn nữa nhà các cháu ở các quận, huyện khác nhau nên khó tập trung. Và một điều quan trọng nhất là, khi dạy một lớp có quá nhiều học sinh, các cháu sẽ khó tiếp thu được đồng đều. Nếu một thầy kèm một trò thì các em sẽ tiến bộ rất nhanh, chỗ nào không hiểu có thể nhờ thầy cô giảng lại thật kỹ mà không ngại”.
Để hoạt động thiện nguyện “Một kèm một” giúp được đúng người và có hiệu quả cao, bà Thuận đã cùng một số thành viên trong Hội đỡ đầu những người có hoàn cảnh khó khăn tỉnh Bắc Ninh đi khảo sát khắp các phường, xã của tỉnh. Sau quá trình khảo sát và tìm hiểu kỹ càng, bà giáo Thuận đã cùng các cộng sự lựa chọn những em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn rồi cử những thầy cô tình nguyện đến kèm học.
“Để có được những cộng sự nhiệt tình, tận tâm như bây giờ, tôi đã phải khá kỳ công. Đối với những gia sư là sinh viên vừa tốt nghiệp, hay các thầy cô đã nghỉ hưu thì không nói làm gì, nhưng đối với những thầy cô giáo hiện còn công tác thì tôi phải tới tận trường của họ để gặp thầy hiệu trưởng, xin cho họ được làm gia sư miễn phí. Bởi bây giờ Nhà nước có quy định cấm dạy thêm dưới mọi hình thức, nếu như không báo cáo trước, đến một ngày nào đó các thầy cô ấy “bị phát hiện” dạy thêm có khi lại lao đao”.

Chiếc xe đạp đồng hành cùng bà Thuận trên những chặng đường thiện nguyện.
Chiếc xe đạp đồng hành cùng bà Thuận trên những chặng đường thiện nguyện.
Không chỉ là người đứng ra khởi xướng hoạt động “Một kèm một” mà bản thân bà giáo Thuận cũng đều đặn tuần 2 buổi đạp xe mấy cây số tới nhà của học sinh để kèm các cháu học thêm. Nhiều hôm trời mưa gió, các con của bà Thuận can ngăn mẹ nghỉ ở nhà nhưng bà không chịu. Lúc đó bà lại bảo với các con, làm việc gì cũng phải làm tới nơi tới chốn, nếu cứ vì khách quan mà nản thì chắc có lẽ mẹ đã buông xuôi công việc này từ lâu rồi.
Còn nhớ, 5 năm trước, cứ 19 giờ tối thứ 2 hàng tuần, những bệnh nhân trong khu nội trú Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Bắc Ninh lại thấy bà Thuận có mặt ở đó để dạy học cho học trò Nguyễn Đình Việt. Việt khi đó đang học lớp 9, gia đình em có hoàn cảnh rất thương tâm, bố bị tai biến đã 4 năm nên mẹ phải thường xuyên có mặt bên cạnh để tiện việc chăm sóc. Căn phòng nhỏ cho bệnh nhân giờ biến thành nơi cư trú của gia đình Việt.
Chiếc giường của bệnh nhân giờ lại thành góc học tập của em. Gia cảnh khó khăn là vậy nhưng Việt luôn chăm chỉ học tập và đạt được kết quả tốt. Cùng thời điểm đó, ngoài Việt, bà Thuận còn kèm cho một học sinh khác là Chu Tam Sơn. Bố Sơn ốm yếu không làm gì được, mẹ cũng yếu nhưng phải trở thành lao động chính nuôi cả gia đình. Kèm Sơn từ năm học lớp 8, năm lớp 9 Sơn đỗ vào trường Lý Thái Tổ, một trường điểm của tỉnh Bắc Ninh. Không chỉ dạy học cho Sơn mà bà giáo Thuận đã cùng với hội của mình nhận đỡ đầu cho Sơn mỗi tháng 300.000 đồng.
Trước khi nghỉ dịch, bà Thuận cũng nhận kèm cho một học sinh ôn thi lớp 9 vào lớp 10. Để đến được nhà học sinh này, bà giáo già đã phải đạp xe 8 cây số. Vậy mà khi học trò đỗ vào lớp 10 thì bà lại khiêm tốn nói rằng: “Tôi cũng chỉ là đến ôn lại kiến thức cho cháu còn thành quả là do cháu đã nỗ lực cố gắng”.
“Quả ngọt” của bà giáo già
Là người sáng lập ra Hội đỡ đầu những hoàn cảnh khó khăn tỉnh Bắc Ninh, bà Thuận đã dùng uy tín của mình để kêu gọi sự ủng hộ từ bạn bè và các nhà hảo tâm. “Ban đầu, tiêu chí của Hội là đối với những người già, tàn tật, không nơi nương tựa, Hội sẽ giúp cho đến khi họ “nhắm mắt xuôi tay”.

Dù dịch bệnh nhưng bà Thuận vẫn tranh thủ đến trao quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Dù dịch bệnh nhưng bà Thuận vẫn tranh thủ đến trao quà cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
Còn đối với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì Hội sẽ giúp cho các em học hết lớp 12. Nhưng sau này thấy nhiều bạn rất có nghị lực nên chúng tôi quyết định sẽ đỡ đầu đến khi các cháu học hết đại học. Chỉ tính riêng năm học 2020-2021, đã có 6 cháu mà Hội đỡ đầu thi đỗ vào các trường đại học”, bà giáo Thuận tự hào chia sẻ.
Một trong 6 học sinh đỗ đại học năm nay là em Nguyễn Thị Minh An (trú tại Thị Cầu, TP Bắc Ninh). Từ khi sinh ra An chưa một lần biết mặt bố vì mẹ em chấp nhận làm mẹ đơn thân. Một mình vất vả nuôi con nên mẹ Minh An đã phải làm việc quá sức trong suốt một thời gian dài, dẫn đến bị viêm đa khớp nặng nhiều khi không thể đứng, cũng không thể ngồi được.
Cuộc sống của hai mẹ con Minh An chủ yếu diễn ra trong bệnh viện. Giường bệnh của mẹ cũng chính là bàn học của Minh An. Bà Thuận tự hào cho biết: “Lần nào tôi vào trao tiền cho Minh An cũng thấy cháu đang cặm cụi học bài. Thành tích học tập của Minh An thực sự rất đáng nể với 12 năm liền đạt học sinh giỏi; năm nay An đỗ vào Học viện Ngân hàng”.
Một học trò nghèo khác mà bà giáo Thuận cũng rất ấn tượng, đó là Tạ Thị Phương (ở xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Mẹ Phương mất lúc em mới vừa tròn 2 tuổi, đến khi Phương 8 tuổi thì bố em cũng qua đời. Mồ côi cả cha lẫn mẹ nên từ nhỏ Phương ở cùng bà nội. Thương cháu thiệt thòi nên bà nội Phương sẵn sàng làm mọi việc để cho cháu được học hành nhưng hai bà cháu vẫn luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau.

Bà Thuận trong một chuyến đi thiện nguyện vùng cao.
Bà Thuận trong một chuyến đi thiện nguyện vùng cao.
May mắn, khi lên cấp 2, Phương được bà giáo Thuận đỡ đầu nên việc học mới không bị lỡ dở. Dù học lực rất khá nhưng Phương luôn xác định sẽ chỉ học xong lớp 12 rồi đi làm công nhân để còn nuôi bà nội.
Tuy nhiên khi được bà Thuận và một số thành viên khác của Hội động viên rằng cố gắng phấn đấu thi đại học, nếu đỗ, Hội sẽ tiếp tục hỗ trợ học phí đến khi em ra trường. Phương lao vào học và thi đỗ vào Trường Đại học Thương mại cách đây 2 năm. Hiện Hội của bà giáo Thuận lại tiếp tục hỗ trợ Phương bằng việc kết nối cho em làm gia sư để kiếm thêm thu nhập.
Cũng giống Phương, Nguyễn Thị Hương (Gia Đông, Thuận Thành, Bắc Ninh) chưa bao giờ nghĩ mình sẽ được học đại học. Bởi bố mẹ em đều là những người khuyết tật, gần như không thể làm ăn gì được. Khi Hương đang học lớp 12 thì mẹ em qua đời. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, mẹ Hương đã gọi em đến bên và dặn: “Mẹ mất rồi, cả nhà chỉ trông vào mỗi con thôi vì bố ốm yếu, các em còn nhỏ. Thế nên con phải nghỉ học để làm việc nuôi cả nhà”. Không thể làm gì khác hơn, Hương cũng đã chuẩn bị tâm lý cho việc mình sẽ phải nghỉ học giữa chừng nhưng rồi may mắn đã đến khi vô tình bà Thuận biết được hoàn cảnh của em.
“Hôm đó tôi cùng một vài hội viên trong Hội đang hỏi thăm tới nhà của một học sinh khác để trao quà từ thiện thì được một người dân giới thiệu rằng có hoàn cảnh khác còn đáng thương hơn nhiều. Khi vào nhà cháu Hương, tôi thấy một cô bé người nhỏ thó đang ngồi băm bèo cho lợn, bên cạnh là mấy đứa em thơ. Nói chung việc nào nặng nhất trong nhà thì đều do một tay Hương làm”, bà Thuận nhớ lại.
Việc tình cờ gặp được Hội thiện nguyện của bà giáo Thuận chính là bước ngoặt của cuộc đời Hương. Nhờ sự động viên kịp thời của bà và Hội, Hương đã thi đỗ Đại học Tài chính và tốt nghiệp ra trường cách đây 2 năm. Điều đáng nói là, nhìn vào tấm gương của chị, hai  em kế sau của Hương cũng đã thi đỗ đại học. Giờ đây, chính Hương lại là cộng sự đắc lực của bà Thuận trong nhiều chuyến đi thiện nguyện. Bất kể chuyến đi đó gần hay xa, vất vả thế nào, chỉ cần sắp xếp được công việc là Hương sẽ lên đường tháp tùng bà Thuận. Với Hương, bà Thuận như người mẹ thứ 2, một người đã tái sinh cuộc đời Hương và các em của em.
Hạnh phúc của bà giáo Thuận chính là luôn được sự ủng hộ từ các học trò cũ trong các hoạt động thiện nguyện. Dù giúp được hàng trăm hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh nhưng bà giáo già luôn khiêm tốn nói rằng: “Hoạt động thiện nguyện của Hội được như ngày hôm nay là kết quả chung của tất cả mọi người. Tôi chỉ đóng vai trò là cầu nối, kết nối những nhà hảo tâm, những người giàu tình thương với những số phận kém may mắn mà thôi”.
Trâm Anh (cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm