Phóng sự - Ký sự

'Bà mụ' của rùa biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hòn Bảy Cạnh (thuộc Vườn quốc gia Côn Đảo) là nơi có nhiều rùa đẻ nhất Việt Nam. Cao điểm từ tháng 6 - 8, ngày là giấc người, đêm là giấc rùa. Vì thế, những 'bà mụ'(người đỡ đẻ) cho rùa hầu như trắng đêm với mưa gió.
Anh Thái Khắc Tình hướng dẫn tình nguyện viên lấy trứng rùa. Ảnh: Thanh Tâm
Anh Thái Khắc Tình hướng dẫn tình nguyện viên lấy trứng rùa. Ảnh: Thanh Tâm
Gọi “ông mụ” thì đúng hơn, vì đội đỡ đẻ cho rùa biển tại hòn Bảy Cạnh chỉ toàn nam giới.
Đêm ở đảo rùa kiệm sáng. Sau bữa cơm tối, Trạm kiểm lâm Bảy Cạnh chỉ thi thoảng vụt sáng những ngọn đèn pin đội đầu. Phần vì mùa mưa, pin năng lượng mặt trời không đủ cấp cho sinh hoạt. Phần vì đêm là giấc của rùa, có điện cũng hạn chế sử dụng. Rùa biển rất nhạy cảm với ánh sáng nên sẽ không lên bờ đẻ trứng nơi nhiều người sinh sống.
Từ phía biển tối om, từng đợt rùa mẹ đang theo con nước lên bờ vượt cạn. Trên trạm, “đội hộ sinh” bình thường chỉ có một người nay tưng bừng hơn vì nhóm tình nguyện viên học việc háo hức “đi rùa” lúc nửa đêm.
Trắng đêm “đi rùa”
Hòn Bảy Cạnh có ba bãi rùa lên đẻ là bãi Cát Lớn, bãi Sạn, bãi Xi Măng. Trực rùa đẻ gọi là “đi rùa”. Rùa lên theo con nước nên giờ giấc trực rùa cũng vậy, có ca bắt đầu từ 6 giờ 30 tối đến nửa đêm; nhưng có ca từ nửa đêm đến 5, 6 giờ sáng.
Mang sọt nhựa và cây xăm (để thăm dò tổ rùa) lên vai, tay cầm bịch thẻ titan để bấm vào vây theo dõi rùa mẹ, anh kiểm lâm Thái Khắc Tình (31 tuổi, quê Nghệ An) cùng chúng tôi bước thẳng ra bãi cát. Mưa vừa ngớt nhưng gió vẫn ầm ào, ẩm ướt. Chúng tôi lọ dọ đi, mãi mới quen với việc nhìn trong bóng tối.
Chòi gác ở bãi Xi Măng
Chòi gác ở bãi Xi Măng
Bài học vỡ lòng là theo vết rùa mà theo dõi chúng đang đào lỗ, đẻ trứng hay về biển. Thông thường, rùa mẹ sẽ tìm nơi thông thoáng, an toàn gần bụi rậm để đẻ trứng rồi lấp tổ xóa dấu vết. Chúng còn cẩn thận đào trước một, hai lỗ giả để đánh lừa thiên địch, tăng tỷ lệ sống sót cho con non. Trường hợp cảm thấy không an toàn, rùa mẹ quay về biển để hôm sau lên tiếp, chậm chạp mà cẩn trọng. “Nhưng nhịn đẻ nhiều nhất cũng chỉ ba ngày, có lần không kịp bò lên bụi rậm, rùa mẹ “mắc đẻ” phải đào lỗ ngay giữa đường. Có con chưa kịp lấp lỗ, ém cát chặt thì đã lo chạy về”, anh Tình kể.
Công tác tại trạm 2 năm, anh Tình còn quen với cả tiếng thở của rùa, “nghe nó thở cũng đếm được bao nhiêu quả trứng”. Hồi hộp nhất là lúc đào trứng rùa. Dùng tay không đào sâu chừng 50 cm thì chạm tới tổ trứng, khoét rộng ra rồi nhặt từng quả trứng lên. Một tổ rùa chừng 80 -150 quả, tròn nhỏ như quả bóng bàn trắng tinh bọc đầy cát.
Việc di dời trứng về hồ ấp nhân tạo nhằm bảo vệ trứng rùa khỏi các loài thiên địch, tăng tỷ lệ nở cho con non. Trong 6 tiếng đầu tiên, phôi rùa tạm ngưng hoạt động, trứng có độ đàn hồi, mọi việc di dời phải thực hiện nhanh trong thời gian này. Công việc của một đêm cứ tuần tự lặp lại như vậy: tuần tra bãi, phát hiện rùa đẻ; theo dõi, đánh dấu tổ rùa, đào trứng lên; di dời về hồ ấp. Nghe chừng khá đơn giản, nhưng mùa mắn đẻ, có lúc rùa lên hơn 10 con, 5 - 7 tổ trứng nên việc cứ liên tục đến sáng.
Lúc canh rùa đẻ, kiểm lâm mắc võng dưới gốc bàng, tranh thủ chợp mắt chừng 15 - 30 phút. Giấc ngủ ngắn ngủi, chập chờn trong tiếng sóng, vậy mà hỏi có cực không, ai cũng lắc đầu: “Không, làm lâu sẽ quen”.
5 giờ sáng, vẫn còn một ca “đi rùa” ở bãi Xi Măng, nơi rùa lên đẻ ít hơn. Ở đây địa hình cách trở nên không có người trực chốt xuyên đêm. Vì không thể theo dõi lúc rùa đẻ nên phải dùng xăm thăm dò ổ rùa. Chọc gậy từ từ để không làm bể trứng, thấy chỗ cát sụp xuống là biết chạm ổ rùa. “Đi rừng không quen nên thấy khó, chứ tụi em quen rồi, dễ lắm”, vừa nói chàng kiểm lâm Tạ Văn Thắng (24 tuổi, quê Nghệ An) đeo ba lô đựng trứng rùa vừa thoăn thoắt đôi dép tổ ong bước qua đoạn vách đá dốc đứng, trơn trượt.
Vui buồn trên đảo rùa
Cách biệt với thế giới sôi động bên ngoài, cuộc sống của tám “nam hộ sinh” hồn nhiên, trong lành như đảo.
Tạ Văn Thắng là kiểm lâm trẻ nhất đảo. Bạn gái Thắng là SV năm cuối trường y - một tình nguyện viên bảo tồn rùa biển năm ngoái. Đang tuổi yêu, lại cách trở địa lý, không có mạng internet, nỗi nhớ cũng biết cách nối dài. Giờ trưa khi mọi người tranh thủ chợp mắt, Thắng lại giắt chiếc áo mưa giấy bên hông rồi đi bộ ra điểm có sóng 3G cách trạm kiểm lâm chừng 700 m để nhắn tin, gọi điện cho người yêu. Côn Đảo hay mưa bất chợt, gió xé áo mưa tơi tả, cậu vẫn điềm tĩnh đưa hai tay giữ điện thoại không ướt rồi nấp vào gốc cây, chờ mưa tạnh lại ra mỏm đá ngồi tiếp tục hí hoáy.
Rùa con được thả về biển
Rùa con được thả về biển
Có thể liên lạc được với người yêu dễ dàng như Thắng dù sao cũng quá hạnh phúc. Công tác tại Vườn quốc gia Côn Đảo 28 năm, luân chuyển khắp các đảo lớn nhỏ, anh Nguyễn Đình Lý, Trưởng trạm kiểm lâm Bảy Cạnh, đã nếm hết những khắc nghiệt của cuộc sống thiếu thốn tiện nghi. Đầu những năm 1990, không có điện thoại, bộ đàm, muốn thông báo phải đốt lửa ra hiệu để người trực từ đảo Côn Sơn cho thuyền chạy sang. Nước ngọt phải tiếp tế từng can từ đảo lớn. Có khi đánh răng bằng nước biển, hai ba ngày mới dám tắm một lần, xà phòng cũng không dám dùng vì thiếu nước sạch... nhưng “khổ cỡ nào cũng không bằng việc xa gia đình”.
“Ngày bố mất, không có chuyến bay, tôi phải nhảy tàu chở dầu chạy xuyên đêm về Vũng Tàu rồi đi xe ngược lên Sài Gòn để bay ra Nghệ An, về đến nhà đã trễ mấy ngày”, anh kể. Dầu vậy, nếu được chọn anh vẫn thích ở đảo vì yên tĩnh, trong lành, “chỉ sợ lúc gia đình có việc, biển động, tàu thuyền không vào được thôi...”.
Trạm kiểm lâm Bảy Cạnh gồm 8 người, ngoài 2 chàng chưa vợ, gia đình những người còn lại đa phần ở đảo Côn Sơn (đảo lớn). Mỗi cuối tuần có ca nô vào Bảy Cạnh, anh Tình lại nhờ người quen đem theo... bé Mốc. “Con tôi đó, nó tò mò lắm, thấy gì cũng hỏi, nhức đầu luôn nhưng không có nó hỏi cũng thấy thiếu vắng”, nói rồi anh chìa điện thoại khoe hình Mốc chụp lúc tết bên vườn hoa. Còn vợ? Anh cười lắc đầu, chắc không buồn đâu. Ở khu tập thể của cán bộ vườn quốc gia, chồng đi công tác, các chị nấu cơm ăn chung, chia sẻ chuyện con cái, vậy cũng vui mà.
Nỗi buồn của kiểm lâm chẳng nói ra thành lời, chỉ nhẹ nhàng chất chứa. Hôm chia tay nhóm tình nguyện viên cũng là lúc kết thúc một ngày dầm mưa đi bộ băng rừng lên hải đăng. Trạm trưởng Lý vừa lột củ khoai vừa nhìn ra ngoài hiên, nói vu vơ: “Mưa đi, mưa đi, tôi đang cần một cơn mưa”. Trong bếp hỏi vọng ra: “Sao vậy cụ Lý ơi?”. Không nói bằng chất giọng “uy lực” như mọi hôm, ngừng một lúc, anh đáp: “Để ngày mai mọi người khỏi về!”.
Một tuần trắng đêm = hai rùa biển
“Đi rùa” càng cực thì những rạng sáng có tổ rùa nở lại càng quý giá. “Vui nhất là lúc thả rùa con về biển, một phần nỗ lực của mình được chút thành quả”, anh Tình nói. Tôi nhớ mãi câu trả lời rất tình cảm của anh khi hỏi: “Rùa biển đẻ ở đâu?”, anh đáp nhanh: “Tại quê hương của nó”.
Ai cũng có một quê hương để trở về, rùa biển cũng vậy. 30 năm sau, rùa con khi đến tuổi trưởng thành sẽ tìm về bãi biển nơi chúng được sinh ra để nối tiếp vòng đời sinh sản. Chỉ có điều, trong 1.000 con bắt đầu hải trình, chỉ có 1 con may mắn được quay về nhà.
Mùa cao điểm, trung bình một tuần kiểm lâm thả khoảng 2.000 con, điều đó có nghĩa 7, 8 đêm trắng của kiểm lâm, đàn rùa biển mới hy vọng tăng thêm... 2 con.
Đã vậy, nhiều người vì chứng tỏ đẳng cấp, cho rằng trứng rùa bổ nên vẫn tìm mua ở chợ đen (dù hành vi này bị cấm). Mỗi tổ rùa hơn trăm trứng, đút túi ít nhất 20 triệu đồng, đó là lý do mà “rùa tặc” vẫn rình mò, lén trộm trứng ở những bãi rùa đẻ, gây khó khăn cho lực lượng kiểm lâm vốn còn mỏng.
Thanh Tâm (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm