Phóng sự - Ký sự

Bạc bẽo nghề trông giữ những con tàu tiền tỷ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nghề trông giữ tàu thuyền đã giúp cho nhiều người dân ở vùng biển Tịnh Hòa (TP Quảng Ngãi, Quảng Ngãi) có thêm một nguồn thu nhập đáng kể. Thế nhưng khi các chủ tàu làm ăn không hiệu quả thì nhiều con tàu trị giá tiền tỉ gửi lại nơi đây rồi bỏ đi biệt tích nhiềm năm.
“Ăn nên làm ra”
Đang mùa khai thác nhưng cảng cá Tịnh Hòa rất trầm lắng, có chăng cũng chỉ bắt gặp được vài người ngư dân đang gia cố lại tàu thuyền của mình sau một thời gian dài nằm bờ. Những hoạt động ít ỏi đó không thể phá đi được không gian yên ắng tại đây.
 
Những con tàu công suất lớn trị giá hàng tỉ đồng bị chủ tàu bỏ lại cảng neo đậu.
Dọc cảng, dễ dàng bắt gặp nhiều con tàu nằm phơi mình giữa cái nắng chang chang. Nhiều bộ phận tàu này đã ố vàng và hoen gỉ. Những chiếc tàu này bị “bỏ rơi” suốt nhiều năm qua, chưa từng một lần ghé thăm lại. Họ bỏ đi vì nhiều lý do khác nhau, chấp nhận để cho tài sản hàng tỷ đồng của mình bị nắng, gió biển bào mòn từng ngày.
Những người dân sống xung quanh cảng cho biết, có 2 nguyên nhân chủ yếu là khó khăn trong việc tìm bạn thuyền và khai thác, đánh bắt không hiệu quả. Nhiều chuyến ra khơi dài ngày thua lỗ nên muốn đợi sau một thời gian khi ngư trường nhiều tôm cá hơn. Nhưng vài tháng, thậm chí vài năm không thấy họ trở lại theo nghề.
Trước khi ra đi, chủ tàu bỏ ra một khoản phí thuê người trông. Tịnh Hòa bắt đầu hình thành nghề mới, trông giữ tàu thuyền thuê. Có một thời, cái nghề đặc biệt này rất thịnh. Tàu cá tấp nập ra vào cảng neo đậu, tạo thu nhập tương đối cho hàng chục người dân vùng biển Tịnh Hòa.
 
Người làm nghề trông coi tàu thuyền rơi vào thế khó xử khi phải trông coi và chăm sóc những con tàu không chủ.
Ngót nghét 20 năm làm nghề trông giữ tàu thuyền, ông Phạm Ngọc Anh (69 tuổi, trú thôn Đông Hòa, xã Tịnh Hòa) cho biết, tại xã Tịnh Hòa đang có khoảng 7 nhóm, mỗi nhón từ 5 đến 7 người làm cái nghề này.
Trước đây một tàu thuyền hoạt động nhiều, có cả tàu thuyền ở các địa phương khác đến neo đậu nên mỗi nhóm có thể trông giữ đến 40, 50 chiếc. Trung bình 1 chiếc được trông coi 1 ngày đêm chủ tàu sẽ trả chi phí khoảng 30 – 50 ngàn đồng tùy vào tàu lớn hay tàu nhỏ.
“Giờ đây thì khác hẳn. Không chỉ tàu thuyền đến neo đậu ít đi, nhiều chiếc giữ 2 đến 3 năm không công. Thậm chí chúng tôi còn phải tự bỏ tiền ra để bảo vệ tàu cho họ. Quen với các nghiệp này rồi, hơn nữa lớn tuổi như tôi bây giờ cũng không biết làm gì khác. Kiếm được đồng nào hay đồng đó thôi”, ông Anh trầm ngâm.  
Trông ngóng
Dẫn chúng tôi ra phía những con tàu lớn phía trước mặt nhà, ông Anh cho biết đó là con tàu có công suất hơn 700CV có giá hàng tỷ đồng làm nghề lặn của một chủ tàu ở Đà Nẵng. Người chủ này đã bỏ lại cảng nhờ nhóm của ông trông giữ suốt 3 năm nay. Thời gian đầu, ông cũng chỉ nghĩ rằng họ chỉ đi một thời gian nhưng không ngờ đến nay vẫn không thấy tin tức.
“Những con tàu lớn như thế họ thường thuê chúng tôi trông giữ với giá 50 ngàn đồng một ngày đêm. Chúng tôi thường chờ tới khi chủ tàu đến và ra khơi đánh bắt lần tiếp theo mới lấy tiền chứ không lấy trước. Ai cũng nghĩ là với những con tàu có giá trị lớn như thế thì người chủ làm sao có thể “tham nhỏ bỏ lớn được”. Nhiều lần chúng tôi gọi chủ tàu nhưng không thể nào liên lạc được”, ông Anh tâm sự.
Để tàu không bị chìm, hư hỏng sau một thời gian dài nằm bờ, ông Anh cũng với những người trong nhóm còn phải tự bỏ tiền túi ra để hút nước, bảo dưỡng, che chắn cho những con tàu như thế.
 
Tàu bỏ không mấy năm trời nên thiết bị đã hư hỏng nhiều.
“Mỗi ngày tôi phải hút nước và làm sạch khoang tàu 6 lần, mỗi lần mất 1-2 tiếng, ngoài việc tốn chi phí điện nước, mua bạt che, còn phải tốn công túc trực. Tính sơ qua, 3 năm nay, tôi phải bỏ tiền túi thay cọ hút nước 5 lần, chi phí hơn 10 triệu đồng, bởi nếu cọ hút nước bị cháy mà mình không thay kịp thời thì tàu sẽ chìm. Tốn kém nhưng đành chịu”, ông Anh than thở.
Nhóm ông Anh còn trông coi thêm 2 chiếc tàu khác làm nghề giã cào trong tình cảnh tương tự. Hầu như các nhóm trông coi tàu thuyền ở Tịnh Hòa cũng có ít nhất 2 – 3 chiếc tàu bị “bỏ rơi như vậy. Cảng neo đậu này có đến hàng chục chiếc tàu nằm đợi chủ đến để “quyết định số phận”.
“Quyết định số phận” ở đây chính là rao bán lại cho người khác. Bởi, tàu đã lâu không hoạt động thì cũng ít nhiều bị hư hỏng. Có lẽ chủ tàu e ngại rằng việc tiếp tục bỏ ra một số tiền để sang sửa lại nhưng tình cảnh đánh bắt sau đó không khá hơn thì tốn thêm tiền vô ích. Thế nhưng, hỏi ra mới biết được rằng tại cảng Tịnh Hòa này có nhiều con tàu rao bán nhưng không ai hỏi mua. Cũng có một số người tìm đến nhưng sau một hồi xem qua lại bỏ đi.
Nhóm của chị Phạm Thị Liên (46 tuổi, trú thôn Đông Hòa, xã Tịnh Hòa) có lẽ may mắn hơn cả. Hai con tàu giã cào “vô chủ” mà chị trông coi suốt 2 năm nay mới đây đã được chủ tàu tìm tới.
“Họ cũng chấp nhận trả tiền trông coi suốt thời gian qua đồng thời nhờ tôi rao bán 2 chiếc tàu đó nhưng mấy tháng rồi không có ai hỏi mua, vẫn nằm chơ vơ ở đó. Mấy chiếc tàu làm nghề này cũng khó bán lắm. Vì tàu làm nghề này giờ khai thác không còn hiệu quả mà hoán cải sang làm nghề khác cũng khó”, chị Liên nói.
 
Cảng neo đậu Tịnh Hòa hiện còn rất nhiều con tàu đang nằm không chờ chủ.
Ông Bùi Văn Khôi, Trưởng Ban Quản lý (BQL) Cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa nói thêm, phần lớn các tàu bị chủ bỏ lại nơi đây đều có công suất lớn từ 500 – 700 CV trở lên. Việc này ảnh hưởng đến công tác khai thác công trình cảng đặc biệt là vào mùa đánh bắt hải sản hoặc tàu thuyền vào trú bão không có chỗ neo đậu. “Nhân viên trong BQL cảng hiện nay chỉ có 3 người nên không thể nắm hết được. Hơn nữa các chủ tàu khi vào neo đậu ở đây cũng không báo với BQL nên tình trạng này rất khó để xử lý”, ông Khôi nói.
Lê Khánh (Nông nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm