Báo xuân 2025

Bảo tồn những bài thuốc quý của người Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn là nơi lưu giữ nguồn dược liệu vô cùng phong phú. Từ nguồn tài nguyên này, cộng đồng người Bahnar đã cho ra đời những bài thuốc quý, lưu dấu qua bao thế hệ.

1. Đầu tiên phải nhắc đến cây sâm khỏe (cây khỏe, rễ khỏe) ở xã Kon Pne. Loại thảo dược này mọc trong rừng tự nhiên, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, được người Bahnar nơi đây gọi tên là pơgang bơran.

bao-ton-nhung-bai-thuoc-quy-cua-nguoi-bahnar-dd.jpg
Anh Đinh Văn Quý-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đăk ASêl (xã Kon Pne) được kế thừa nhiều bài thuốc gia truyền. Ảnh: Đ.Y

Là một trong những người am hiểu về cây sâm khỏe, anh Đinh Lơr (làng Kon Ktonh) cho hay: Lúc nhỏ, anh theo bố mẹ lên rừng tìm cây sâm khỏe. Cây này có rễ mọc thành chùm, lá khá giống với lá sa nhân tím nhưng cây lớn hơn, mọc cao hơn. Khi đào sâm khỏe phải moi rễ từ từ thì mới giữ được củ ở bên dưới.

“Sâm khỏe sau khi đào được mang về rửa sạch, phơi khô. Gia đình có người ốm hay suy nhược cơ thể, chỉ cần lấy sâm khỏe đun nước uống là phục hồi. Nhiều người còn dùng cây này ngâm rượu uống, cũng khá tốt cho sức khỏe”-anh Lơr cho hay.

Cũng từ cây sâm khỏe, ông Đinh Lai (ông nội anh Lơr) đã nghiên cứu ra các bài thuốc “bí truyền” bằng cách kết hợp nó với một số dược liệu khác... để chữa các bệnh suy nhược cơ thể, đau đầu, ù tai và tăng cường sinh lực cho nam giới.

Ông Đinh Lai khoe: “Nhờ bài thuốc này của tôi mà nhiều người trở nên khỏe mạnh. Phụ nữ sau sinh bị hậu sản uống thuốc này cũng giúp phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên, thuốc này tôi chỉ làm khi có người đặt”.

Ông Dương Quốc Điệp-Chủ tịch UBND xã Kon Pne-thông tin: Theo Viện Nghiên cứu sâm và dược liệu Việt Nam, sâm khỏe ở vùng núi Kon Pne có hàm lượng saponin chiếm đến 30-35% so với sâm Ngọc Linh. Hiện nay, các trang mạng xã hội đăng tải nhiều bài viết về giá trị của cây sâm khỏe Kon Pne. Để bảo tồn và duy trì loại thảo dược quý này, xã đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân không khai thác theo kiểu tận diệt để bán cho thương lái.

2. Người làng Đăk Asêl (xã Sơn Lang) bao đời nay đã quen thuộc với bài thuốc bổ máu, chữa liền da cho phụ nữ sau sinh của gia đình anh Đinh Văn Quý. Từ đời ông, bà của anh Quý đã lưu truyền bài thuốc đặc biệt này. Giờ đây, anh là người kế thừa bí quyết gia truyền này. Bài thuốc được pha trộn từ các loài thảo dược như: riăh (hliêng), ria nhoi...

Để có được các cây thuốc này, anh Quý cất công vào tận rừng sâu tìm kiếm. Cây hliêng có thân dây, rễ, lá khá nhỏ; còn cây ria nhoi thì lá dài, nhỏ, có màu xanh đậm và thân cây to. Cả rễ và thân của 2 loại thảo dược này đều được anh Quý sử dụng trong bài thuốc của mình.

Bà Đinh Thị Phăn (làng Đăk Asêl) cho biết: “Nhờ có bài thuốc này mà bản thân mình và cả 3 đứa con gái sinh rất thuận lợi, khỏe mạnh, da dẻ hồng hào. Năm nay, mình 70 tuổi nhưng cơ thể ít khi bị mỏi mệt hay đau nhức xương khớp”.

bao-ton-nhung-bai-thuoc-quy-cua-nguoi-bahnar-2.jpg
Ông Đinh Doen (bìa phải) cùng bài thuốc chữa bệnh viên gan B bốc cho vợ anh Đinh Mreo (làng Kơ Xom, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa). Ảnh: Đ.Y

Tương tự, bài thuốc hỗ trợ điều trị viêm gan B từ cây nhó đông kết hợp với nấm linh chi của ông Đinh Doen (làng Đak Pơ Kao, xã Tơ Tung) cũng nổi tiếng khắp vùng. Cây nhó đông có tên khoa học là Morinda longissima Y.Z.Ruan thuộc họ cây cà phê, là cây bụi, thân gỗ, cao khoảng 2-4 m, rễ có màu vàng. Trong đó, rễ là bộ phận chính được sử dụng để làm thuốc.

Từ lâu, ông Doen cùng người dân vùng Đông Trường Sơn đã sử dụng loại thảo dược này để hỗ trợ chữa các bệnh về viêm gan, xơ gan, vàng da hay các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa. “Ngoài ra, tôi còn lưu giữ bài thuốc bó xương gãy của gia đình với sự kết hợp từ lá của các loại cây thuốc như: bạch thau, tần, cám… Bài thuốc này có tác dụng giúp liền xương, giảm đau”-ông Doen cho hay.

Anh Đinh Dinh (cháu ruột của ông Đinh Doen) kể: “Vợ chồng bác Doen không có con. Do tuổi đã cao nên bác không còn vào rừng lấy thuốc được nữa mà nhờ tôi làm, còn bác ở nhà điều chế thuốc. Để đảm bảo chất lượng thuốc, bác Doen còn cẩn thận tự mình sắc thuốc, đóng vào chai rồi đưa cho người bệnh. Sau 3 ngày, người bệnh uống hết thang thuốc bác sắc cho thì lại đến lấy tiếp. Tôi đang được bác Doen truyền lại các bài thuốc Nam. Tôi sẽ cố gắng học để giúp ích cho mọi người”.

3. Để bảo tồn cây thuốc Nam cùng những bài thuốc quý của đồng bào Bahnar, Jrai, đầu tháng 11-2024, Hội Đông y tỉnh đã tổ chức tập huấn chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm sử dụng 100 cây thuốc và 66 bài thuốc chữa bệnh thường dùng của người Jrai và Bahnar cho hơn 40 thầy thuốc đã qua đào tạo bài bản và cả những lang y “cha truyền con nối”.

bao-ton-nhung-bai-thuoc-quy-cua-nguoi-bahnar-3.jpg
Ốc đảo Kon Pne đang bảo tồn nguồn gen bằng cách lấy mô nhân giống sâm khỏe để trồng dưới tán rừng. Ảnh: Quang Điệp

Theo bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thanh Hùng-Chủ tịch Hội Đông y tỉnh: Từ đầu thế kỷ XIV, đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh và các danh y hậu thế cũng đã để lại những y văn về sử dụng cây cỏ làm thuốc chữa bệnh.

Riêng tại Gia Lai, đặc biệt là vùng Đông Trường Sơn, người dân còn lưu giữ hàng trăm cây thuốc và bài thuốc từ thiên nhiên. Tuy vậy, nhiều cây thuốc đang dần cạn kiệt, nhiều bài thuốc có hiệu quả cao chỉ được lưu giữ trong ký ức và lan truyền bằng miệng nên có nguy cơ thất truyền.

Về phần những lang y “cha truyền con nối” như anh Đinh Văn Quý cũng rất có ý thức trong việc bảo tồn và phát huy nguồn dược liệu tự nhiên dưới tán rừng. Mỗi khi hái thuốc, anh đều cố gắng khai thác cẩn thận, đảm bảo duy trì sự sống cho cây; đồng thời, nghiên cứu đưa dần các loại cây thuốc về trồng và chăm sóc thử nghiệm tại vườn nhà, vừa giúp bảo tồn giống thảo dược quý, vừa thuận lợi trong quá trình chế thuốc và điều trị cho người bệnh. Anh Quý cũng sẵn sàng chia sẻ phương thuốc gia truyền của mình cho những người muốn học.

Liên quan đến cây sâm khỏe, Chủ tịch UBND xã Kon Pne thông tin: Xã đang xây dựng thương hiệu và phát triển cây sâm khỏe thành sản phẩm đặc trưng của vùng đất Kon Pne. Sở Khoa học và Công nghệ cũng đã phối hợp với địa phương lấy mô về để nhân giống sâm. Khi có giống, xã sẽ hướng dẫn cho người dân trồng sâm dưới tán rừng. Nếu thành công, đây sẽ là cơ hội tốt không chỉ bảo vệ cây thuốc, bảo vệ hệ sinh thái mà còn giúp người dân Kon Pne có thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Ngày 3-7-2019, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về bảo tồn và phát triển cây dược liệu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực; huy động được nhiều nguồn lực và thu hút các nhà đầu tư tham gia vào công tác bảo tồn, phát triển dược liệu trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có 55 sản phẩm dược liệu được công nhận OCOP.

Có thể bạn quan tâm