(GLO)- 7 tháng tuổi, di chứng của bệnh sởi đã khiến thị lực một bên mắt tối dần; và với thị lực khiếm khuyết, anh đến trường cùng bao khó khăn vất vả… Sẽ không ít người lấy làm ngạc nhiên khi biết rằng người con của Phố núi Pleiku ấy vẫn đang cố gắng “vượt lên chính mình”, anh vẫn tiếp tục con đường học vấn và hiện đang là bác sĩ đa khoa tại đất nước của những chú kangaroo.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên sinh ra và lớn lên trong một gia đình có đến 7 anh chị em. Ba anh là cố võ sư Thanh Long, người thầy đáng kính của rất nhiều thế hệ võ sinh tại Pleiku vài mươi năm trước.
“Lạc quan để tồn tại…”
Bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên (ảnh do nhân vật cung cấp). |
Xuất phát điểm không thuận lợi như bạn bè nên trong cuộc sống Nguyễn Đình Nguyên luôn phải tự động viên mình, luôn tự vượt khó rất nhiều lần để không bỏ dở những ước mơ. Thử thách lớn nhất khi vào đời, với anh, có lẽ là khi cổng Trường Đại học Y mở ra trước mặt bỗng dưng gần như khép lại do mắt anh thiếu thị lực. Sau khi khám sức khỏe anh bị từ chối, không cho nhập học. Nhưng như một phép màu, cuối cùng anh lại được đón nhận.
Song thử thách của số phận dường như vẫn chưa dừng ở đó. Năm thứ 4, thị lực của Nguyên bị giảm sút nghiêm trọng. Bỏ học nửa chừng, anh ra Hà Nội tìm cơ hội chữa bệnh. Dăm bận mổ đi mổ lại, không khá hơn, mắt bên còn lại cũng bị ảnh hưởng, mọi thứ xung quanh anh cứ nhạt nhòa dần khiến anh gần như tuyệt vọng. Nhưng trời không lấy đi của ai hết bao giờ. Trong sự thương yêu và đùm bọc của bố mẹ nuôi ở Hà Nội và bạn bè đồng niên, anh vẫn tiếp tục đến trường. Anh nhờ bạn chép bài để tối về ghi âm nghe lại lời thầy giảng, kê thước tập viết chữ thật thẳng. Cứ như thế trong cả năm trời. Rồi thị lực dần phục hồi và rồi anh giành luôn vị trí thủ khoa tốt nghiệp Trường Y Hà Nội năm 1992.
“Có lẽ nhờ trời thương nên dần dần mắt tôi lấy lại được thị lực, tuy chỉ còn khoảng 70%, một bên thôi, nhưng như thế là may mắn lắm rồi. Không biết kéo dài được bao lâu thì mù hẳn nhưng tôi nghĩ còn làm được điều gì thì cố gắng làm. Phải vui với cái mình hiện có, chứ chẳng nên ngồi đó để vò đầu bứt tai. Vì thế tôi vẫn làm việc, khám-chữa bệnh, vẫn đọc, viết, nghiên cứu. Tôi lạc quan để tồn tại”-Nguyễn Đình Nguyên nhẹ nhàng chia sẻ. Với anh, nghịch cảnh cũng chính là động lực để không ngừng vươn lên.
Nghề của những nguyên tắc
Bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên bộc bạch, bản thân anh không chủ động chọn nghề này. Anh nhớ lại: “Ba má mình làm Đông y, nên khi còn nhỏ, gia đình đã định hướng cho mình về nghề Y. Tuy nhiên, vận may cũng đã mỉm cười với mình khi mình thi đậu Y khoa”.
Nguyễn Đình Nguyên tốt nghiệp THPT năm 1984 với vị trí thủ khoa toàn tỉnh. Năm 1992, anh tốt nghiệp Đại học Y tại Hà Nội cũng với vị trí thủ khoa. Tiếp đó, anh trở thành bác sĩ Nội trú Nhi và tốt nghiệp Nội trú/Cao học, tiếp tục đạt thủ khoa. Năm 2006, Nguyễn Đình Nguyên tốt nghiệp Tiến sĩ Y khoa tại Úc với danh hiệu “Luận án tiến sĩ xuất sắc nhất trong năm”. Chưa kể, anh còn đạt 4 giải thưởng lớn đáng kể, trong đó có 3 giải Young Investigator Award (Nhà nghiên cứu trẻ xuất sắc) của Mỹ và châu Âu, một giải Nghiên cứu Lâm sàng xuất sắc nhất năm 2009 của Úc-New Zealand. Tất cả các giải thưởng này đều thuộc lĩnh vực nghiên cứu về loãng xương. Sau đó, anh thi lấy bằng bác sĩ tại Úc và cũng đạt điểm tuyệt đối. |
Nhưng để gắn bó với một nghề đòi hỏi nhiều tâm sức như nghề Y thì không chỉ có lựa chọn là đủ, mà trên hết phải là lòng yêu nghề và sự nỗ lực không ngừng. “Chính bản thân mình cũng là bệnh nhân trong một thời gian rất dài, gần như suốt cả tuổi thơ, nên mình rất thấu hiểu nỗi đau của bệnh nhân và gia đình họ. Do đó mình đã cố gắng để học nghề một cách nghiêm túc nhất”-anh trò chuyện.
Sau thời gian lấy được học bổng và xuất sắc hoàn thành chương trình thạc sĩ rồi tiến sĩ tại Úc, mối duyên với đất nước này đã “giữ chân” anh với nhiều vị trí như tham gia nghiên cứu, khám-chữa bệnh, hướng dẫn nghiên cứu cho sinh viên sau đại học… Trò chuyện về y đức, bác sĩ Nguyên cho biết, khi làm nghề, anh luôn đặt ra cho mình những nguyên tắc nghề nghiệp nhất định. Đó là, mỗi khi đối diện với một bệnh nhân, anh luôn có hai điều tự vấn: thứ nhất, nếu mình là họ, thì mình sẽ muốn gì; thứ hai, người ấy có thể so sánh với ai trong gia đình mình? Từ đó, anh sẽ có cách điều trị phù hợp với người bệnh và đối xử với họ như người thân. Một số nguyên tắc khác cũng được anh đề cao như: phải đảm bảo rằng người bệnh họ hiểu rõ và hài lòng với những gì mình đã tư vấn trước khi bước ra khỏi phòng khám; được phép sai sót, nhưng phải thành thật với những sai sót của mình, biết nhận ra sai sót để sửa đổi.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Đình Nguyên cho hay, từ giữa những năm 2005 đến 2011 anh thường tháp tùng với Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn-một chuyên gia về dịch tễ học và di truyền loãng xương, cũng là người thầy hướng dẫn anh làm luận án Tiến sĩ-nhiều lần về Việt Nam mở các lớp tập huấn về phương pháp nghiên cứu khoa học cho các nghiên cứu sinh và đồng nghiệp tại đây. Song từ năm 2011 cho đến nay, vì bận công việc nên anh không thể về thường xuyên. Dẫu vậy, trong lòng anh vẫn đau đáu nỗi niềm của một người con xa xứ: “Mình là công dân Úc, nhưng khi trở về với chính mình thì tâm hồn vẫn là người Việt, hướng về nước Việt, vẫn đau đáu theo dõi tin tức từ quê nhà. Dù có đi đâu, ở vị trí nào, làm công việc gì thì trong mình vẫn chỉ có một dòng máu người Việt Nam”.
Phương Duyên