Phóng sự - Ký sự

Bác sĩ 'thời chiến': Chế đường dẫn ô xy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi hàng loạt bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM nằm thoi thóp vì thiếu máy thở, bác sĩ Phan Trung Hiếu, Bệnh viện dã chiến số 6, đã dùng bộ chia ô xy hồ cá, cấp tốc đưa ô xy tới mũi bệnh nhân.
Việc này đã giúp nhiều F0 được cứu sống và cũng là tiền đề để thành lập “trung tâm ô xy” ngay trong bệnh viện dã chiến.
Khi số lượng F0 tại TP.HCM tăng lên vài ngàn ca/ngày, câu chuyện cung cấp ô xy kịp thời trở nên nóng hơn bao giờ hết. Khắp các trang mạng xã hội là những lời kêu cứu cần tiếp hơi thở nhưng bệnh viện (BV) còn thiếu máy thở nên bên ngoài càng thiếu. Lúc ấy, rất nhiều bệnh nhân phải nằm chờ ô xy trong tuyệt vọng. Số người tử vong vì không kịp dùng máy thở cũng không ít. Lúc này, bác sĩ (BS) Phan Trung Hiếu từ BV Chợ Rẫy sang BV dã chiến (DC) số 6 (P.An Khánh, TP.Thủ Đức) phụ trách điều trị trực tiếp cho bệnh nhân. Ngoài việc cầm ống nghe, mũi tiêm trực tiếp cứu bệnh nhân, anh luôn đau đáu suy nghĩ làm sao để hạn chế người thoi thóp vì phải chờ ô xy. “Suốt đời BS của mình, việc phải chứng kiến bệnh nhân mất không hiếm. Tuy nhiên, chết vì Covid-19 lại khác, nó đến rất nhanh nhưng cũng có thể được chặn đứng chỉ nhờ đưa hơi thở tới mũi bệnh nhân kịp lúc”, BS Hiếu nói.
 
Sáng kiến của bác sĩ Hiếu giải quyết được tình trạng thiếu máy thở ô xy trong những ngày đỉnh dịch
Nhiều người được thở ô xy hơn
Mỗi ngày thăm khám, đánh giá tình hình bệnh nhân tại khoa điều trị Covid-19, BS Hiếu đều nhận ra nhu cầu được thở của bệnh nhân là rất lớn. Ô xy giống sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình điều trị F0. Với nhiều bệnh nhân chuyển nặng, đúng ra chỉ cần được thở thì BVDC vẫn có thể điều trị tiếp nhưng điều kiện ở BV không đáp ứng kịp, đồng nghĩa với việc phải dồn bệnh nhân về BV tuyến trên. Một kíp chuyển bệnh tối thiểu cũng phải có một xe cấp cứu, một lái xe, một BS điều trị và một điều dưỡng theo cùng. Trong khi đó, các BVDC nối đuôi nhau thành lập, lực lượng y tế phải chia nhỏ, chuyển một bệnh nhân mà phải mất 3 - 4 người theo càng làm lực lượng mỏng hơn.
Suy nghĩ nhiều ngày, tranh thủ lúc ăn cơm, khi đêm đến, BS Hiếu mày mò tìm hiểu đồng hồ đo ô xy và bộ chia ô xy hồ cá. “Nếu có thể đưa vào điều trị bệnh nhân Covid-19, sẽ hạn chế được việc bệnh nhân không có máy thở ô xy”, BS Hiếu nghĩ. Tuy có lý nhưng việc làm này trước nay chưa ai thử. Hơn nữa, thời gian đó TP đang giãn cách xã hội nghiêm ngặt, nhưng “không đi sao thành đường”, BS Hiếu lên internet tìm hiểu và đặt mua dụng cụ chế đường dẫn ô xy và đưa tới phòng bệnh.
Định sẽ nghiên cứu thêm rồi thử nghiệm, nhưng hôm đó trong một ca thăm khám, BS Hiếu chứng kiến bệnh nhân trở nặng đột ngột. Liên hệ phòng cấp cứu chuẩn bị đưa bệnh nhân xuống thì phòng cấp cứu báo hết máy thở nên không thể tiếp nhận bệnh. Nếu liên hệ chuyển bệnh, thời gian chờ đợi kéo dài, có thể bệnh nhân sẽ không chịu nổi, cứ do dự thì có thể mình sẽ mất bệnh nhân, vì thế BS Hiếu lại gọi phòng cấp cứu: “Nếu giờ tôi chế được máy thở thì nhận bệnh được không?”. Phòng cấp cứu đồng ý nhận bệnh. Vậy là vận dụng tất cả vật dụng có sẵn là những chiếc van chia ô xy bằng nhựa và đồng hồ đo ô xy hồ cá mới mua, BS Hiếu cùng BS Võ Nguyên Bảo (BV Chợ Rẫy tăng cường BVDC số 6) cùng tháo lắp thành công đồng hồ và bộ chia ô xy từ một bình ra nhiều van thở. Họ thành công chia ô xy tới mũi nhiều bệnh nhân cùng lúc.
 
Bác sĩ Hiếu điều phối ô xy lên các phòng phục vụ bệnh nhân. Ảnh: Lam Ngọc
BS Hiếu giải thích: “Việc chế ra hệ thống cung cấp ô xy cùng lúc cho nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 không phải vì BV thiếu ô xy mà do thiếu đồng hồ chia ô xy. Mỗi bình ô xy chỉ dùng cho một bệnh nhân thở trong vòng 5 - 7 giờ. Tuy nhiên nếu lắp vào chỗ van mở ô xy một bộ chia với nhiều đường dẫn thì cùng lúc có thể dùng từ 5 đến 6 bệnh nhân. Như vậy, bước đầu BVDC số 6 có thể khắc phục tình trạng phải chuyển bệnh do thiếu đường thở ô xy. Ngoài ra, việc cung cấp ô xy kịp thời còn giúp nhiều bệnh nhân từ nặng chuyển nhẹ, phần nào giải quyết bớt áp lực cho BVDC thời điểm đó”.
Trung tâm ô xy giải phóng nhân lực
BS Hiếu chia sẻ, trong BVDC tất cả BS hay nhân viên y tế đều phải tận dụng và tối ưu hóa những nguồn lực sẵn có để kịp thời phục vụ bệnh nhân. Việc chế ô xy kiểu dã chiến như vậy cũng là giải pháp tình thế. “Cung cấp ô xy tới từng phòng cho người bệnh không chỉ thiếu mà còn là gánh nặng cho lực lượng hậu cần mỗi ngày. Mỗi bình ô xy nặng khoảng 60 kg (trong đó 10 kg là khí ô xy). Với trọng lượng như vậy nhân viên hậu cần phải cật lực trong khâu vận chuyển để đưa bình từ tầng trệt lên tới mỗi phòng bệnh”, anh nói.
Cạnh đó, BS Hiếu cho rằng cách vận chuyển thủ công như vậy chỉ trong trường hợp bất khả kháng. Tuy nhiên, khi đã đi vào ổn định cần tính cách để tiết kiệm nhân lực, giảm gánh nặng cho nhân viên hậu cần. Vì vậy anh đề xuất đưa những người bệnh cần thở ô xy về một phòng chung cho từng tầng: “Thông thường, nếu không chế ô xy thì mỗi bệnh nhân dùng một bình, phòng 6 bệnh nhân dùng 6 bình, vừa tốn nhân lực vận chuyển và diện tích phòng bệnh cũng bị thu hẹp khiến không gian nghỉ ngơi của bệnh nhân không được thoải mái”.
Trước cửa phòng thở ô xy, BS Hiếu ghi chú đầy đủ các lỗi cần lưu ý khi cung cấp ô xy cho bệnh nhân để điều dưỡng có thể theo sát. Việc tập trung người cần ô xy tại mỗi tầng đã vào guồng, BS Hiếu tiếp tục đề xuất thành lập trung tâm ô xy đặt ở tầng trệt. Ở đây trang bị đầy đủ bộ chia, đường dẫn ô xy. Khi bệnh nhân cần được hỗ trợ thở từ các phòng bệnh trong toàn BV sẽ đưa về phòng này. Với trung tâm ô xy thì chỉ cần một, hai điều dưỡng là có thể phụ trách được việc căn chỉnh, kịp thời giúp đỡ bệnh nhân, giải phóng y BS để làm những việc khác. Mặt khác, việc theo dõi mức độ hỗ trợ ô xy cũng được thực hiện bài bản hơn. Với những người chưa cần hỗ trợ thở nhiều sẽ sử dụng ô xy râu, lượng thấp. Khi sử dụng rồi mà mức độ không giảm sẽ tiếp tục nâng mức sử dụng ô xy túi, bình...
BS Phan Minh Hoàng, Giám đốc BVDC số 6, nhận xét: “Trong những ngày đỉnh dịch, việc tạo đường dẫn ô xy đơn giản, không tốn nhiều chi phí nhưng có ý nghĩa rất quan trọng. Nó giúp giải nguy trong giai đoạn căng thẳng nhất và cũng là tiền đề để BV thành lập trung tâm ô xy. Đề xuất triển khai ô xy bồn là những quyết định kịp thời nhiều ý nghĩa trong điều kiện dịch bệnh quá thiếu thốn”. (còn tiếp)
Van đóng mở tiết kiệm ô xy
Sau khi áp dụng rộng rãi việc sử dụng đồng hồ đo ô xy hồ cá, chia ô xy từ một bình để nhiều bệnh nhân cùng thở, BS Hiếu phát hiện các đầu nối chia ô xy bằng nhựa bị xì. Điều trị Covid-19 thì ô xy quý hơn vàng, không thể để ô xy thất thoát nên anh tiếp tục tìm hiểu và quyết định thay đầu chia ô xy nhựa qua đầu chia ô xy bằng inox. Mỗi đầu chia này lại có van đóng mở giúp bệnh nhân, điều dưỡng kiểm soát lượng ô xy đưa vào mũi dễ dàng hơn. Đồng thời, khi bệnh nhân cần làm vệ sinh cá nhân cũng có thể đóng lại van thở mà không phải mang theo cả bình ô xy cồng kềnh hoặc bỏ ô xy chảy ra tự do.
Theo Lam Ngọc (TNO)

Có thể bạn quan tâm