Bài 1: Báo động rác thải khu vực nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Hiện nay, nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra. Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế-xã hội, tình trạng xả rác thải bừa bãi cũng như việc rác chưa được thu gom, xử lý hợp vệ sinh đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất và sức khỏe của người dân.

Rác thải sinh hoạt tràn ngập…

Ra khỏi khu vực thành phố Pleiku, rất dễ bắt gặp những bãi rác lộ thiên bốc mùi xú uế ở dọc quốc lộ 14, 19, đầu làng, cuối xóm, lòng kênh mương, thậm chí ngay sát nhà dân, trường mầm non, nhà văn hóa… với đủ các loại rác thải sinh hoạt như túi nilon, chai lọ, lông gà vịt, xác động vật… Cứ cách vài trăm mét, có nơi vài chục mét lại xuất hiện nhiều đống rác do người dân vứt tràn lan ra hai bên đường, khiến cho những khu vực này trông nhếch nhác và mất mỹ quan.
 

Bãi rác tự phát tại thôn Phú Vinh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông. Ảnh: Trần Dung
Bãi rác tự phát tại thôn Phú Vinh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông. Ảnh: Trần Dung

Hầu hết những bãi rác tự phát ở nhiều vùng nông thôn tại địa bàn các huyện Đak Đoa, Chư Prông, Ia Grai, Chư Sê, Đức Cơ… đều bị ứ đọng từ nhiều năm nay và ngày càng "phình to" ra với tốc độ ngày một nhanh hơn. Với người dân thôn Phú Vinh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông thì sự xuất hiện của bãi rác “khổng lồ” ngay con đường đi vào khu dân cư đã trở nên rất đỗi quen thuộc. Cũng không biết rõ bãi tập kết rác này có tự bao giờ nhưng số lượng rác ở đây cứ ngày một nhiều hơn, có thời điểm rác tràn ra lòng đường, kéo dài và tự phân hủy. Một số người dân xung quanh khu vực này đã khắc phục tình trạng hôi thối bằng cách đốt chúng khi lượng rác đã quá tải và bốc mùi nặng.

Ngay con đường chạy dài từ TP. Pleiku về huyện Chư Sê hay Ia Grai cũng xuất hiện rất nhiều đống rác với đủ các loại rác thải từ túi nilon, giấy vụn đến những mảnh chai, rác thải từ vật liệu xây dựng được người dân tập kết thành những đống nhỏ, thậm chí còn được vứt bừa bãi xuống hệ thống cống rãnh thoát nước. Nhiều khu vực, rác không được vứt thành đống mà vô tư thả rải rác ở bất cứ nơi nào có thể.

Chỉ vào những đống rác nhỏ sau vườn nhà, chị Rah Lan Phem (làng Bạc II, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) nói: “Gia đình mình và nhiều nhà trong làng không có chỗ đổ rác cụ thể mà chỉ vứt sau vườn thôi. Nếu rác nhiều quá thì đem chúng vứt xuống mấy cái mương nhỏ hay ngoài đường lớn. Từ xưa tới nay mọi người đã làm như vậy rồi”. Cách phổ biến được người dân áp dụng để xử lý các loại rác thải này là… đốt. Tuy nhiên, mỗi lần đốt lại là một lần khiến cho không khí thêm ngột ngạt, khó chịu, nhất là vào những ngày nắng nóng. Vào mùa mưa, nếu bãi rác nào chưa kịp đốt thì tất cả lượng rác thải đang trong quá trình phân hủy sẽ chảy tràn ra đường và tất nhiên là các hộ gia đình lân cận sẽ phải “lãnh đủ” khi bị rác tấn công vào vườn, nhà.
 

Vào mùa mưa, rác tràn ra ngoài mặt đường. Ảnh: Trần Dung
Vào mùa mưa, rác tràn ra ngoài mặt đường. Ảnh: Trần Dung

Chất thải rắn y tế bị thả nổi

Các chất thải từ các cơ sở y tế thải ra gồm có nhiều loại như chất thải hóa học, chất thải phóng xạ, các vật chứa có áp suất… và chúng cần được phân loại theo các nhóm cụ thể để có biện pháp xử lý phù hợp. Tuy nhiên, trên địa bàn thuộc khu vực nông thôn Gia Lai, loại chất thải này đang trở thành vấn đề "nóng" cần tháo gỡ, bởi mật độ xuất hiện của chúng tại các bãi rác tự phát ngày càng nhiều.

Chất thải y tế chưa qua xử lý bị xả ra môi trường đang là một vấn đề gây bức xúc trong nhân dân ở làng Ngol, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê. Đã nhiều năm nay, người dân ở khu vực này luôn phải đối mặt với những bãi rác thải y tế “vô chủ”. Theo quan sát, ngay bên con đường dẫn vào xã Ia Tiêm, xuất hiện một bãi rác với rất nhiều những kim tiêm, chai, dây dịch truyền bằng nhựa đã bị ruồi nhặng tấn công. Bên cạnh đó, tại nhiều đống rác trên trục đường cũng rải rác những vỉ thuốc chưa sử dụng hết hay quá hạn sử dụng bị trộn lẫn vào rác thải sinh hoạt.

Tuy nhiên, khi được hỏi về "chủ nhân" của những chất thải trên, người dân ở đây đều lắc đầu không biết. Theo họ thì, loại rác thải này được mang tới đây vứt bỏ vào thời điểm đêm khuya hay rạng sáng nên rất khó bắt gặp. Là người nhiều năm nay phải trực tiếp thu gom và chôn lấp loại rác thải nguy hại này, anh Rơ Man Bum (làng Ngol, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) không khỏi bức xúc: “Có nhiều lúc người ta còn vô ý thức tới nỗi đổ gần ngay trước cửa nhà tôi. Để thì nguy hiểm nên tôi buộc phải tự tay thu gom lại rồi đem chôn lấp vào chỗ đất trống”.
 

Bãi rác thải y tế tại làng Ngol, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê. Ảnh: Trần Dung
Bãi rác thải y tế tại làng Ngol, xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê. Ảnh: Trần Dung

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2012 toàn tỉnh có 222 trạm y tế cấp xã, 7 bệnh xá tương đương tuyến xã và 134 cơ sở khám bệnh tư nhân. Có thể ước tính khối lượng chất thải rắn y tế của toàn tỉnh là 2.281 tấn/năm và trung bình 6,25 tấn/ngày. Ngoài các bệnh viện lớn thì các cơ sở y tế đều phải dùng chung một loại thùng rác các dung tích 24 lít và 56 lít có nắp đậy và đã được phân loại, sau đó đưa vào các lò đốt rác thải y tế để tiêu hủy.

Hiện nay, toàn tỉnh chỉ có 23 cơ sở y tế có lò đốt chất thải y tế nguy hại (trong đó có 6 lò đốt thủ công, 17 lò đốt một hoặc hai buồng) nhưng đã có tới 6 lò bị xuống cấp. Đa số các cơ sở y tế tư nhân đều thu gom và xử lý rác thải y tế bằng cách tiêu hủy chung với rác thải sinh hoạt. Như vậy, vấn đề này nếu cứ “thả nổi” và không giải quyết sớm thì nó sẽ trở thành nguồn gây bệnh đe dọa trực tiếp tới đời sống của cộng đồng dân cư.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm