Bài 1: Báo động tình trạng ô nhiễm nguồn nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nước sinh hoạt là một trong những yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người. Ngoài dân cư khu vực nội thị được sử dụng nguồn nước máy, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, vệ sinh thì một số vùng ven, đặc biệt là vùng nông thôn, nguồn nước sinh hoạt một số nơi bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân.

Trên thực tế, một số vùng dân cư nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn đang phải sử dụng những nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm khá nặng nề. Không chỉ vậy, một số nguồn nước ngầm vùng ven TP. Pleiku cũng đang dần bị đe dọa bởi sự gia tăng của mật độ dân số, rác, nước thải sinh hoạt, phân bón, các loại thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong nông nghiệp...

Nước nhiễm vôi, nhiễm phèn

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy


Từ những năm 1993-1994, người dân từ vùng lòng hồ Ayun Hạ (huyện Phú Thiện) được di dời đến định canh, định cư tại xã Hbông (huyện Chư Sê). Từ đó đến nay, hơn 1.600 hộ dân trên địa bàn xã hầu như không thể sử dụng nguồn nước ngầm tại đây để sinh hoạt vì nước bị nhiễm vôi rất nặng.
Anh Trương Đức Thống (thôn Kte 2, xã Hbông) chia sẻ: “Khi mới chuyển tới đây sinh sống, nhiều người dân không biết đã sử dụng nguồn nước từ các giếng đào để ăn uống, kết quả là có rất nhiều người bị mắc bệnh về đường tiết niệu, đặc biệt là sỏi thận. Dùng ấm nhôm nấu nước này trong vòng 1 tháng sẽ thấy đóng một lớp vôi trắng dày trên thành ấm. Vì vậy, bây giờ nước ấy chúng tôi chỉ dùng để tắm giặt, còn nước ăn uống phải dùng nước bình hoặc nước mưa”.

Ông Đoàn Văn Tùng-Chủ tịch UBND xã Hbông xác nhận: “Trong nhiều năm qua, Nhà nước cũng đã đầu tư làm giếng cho nhân dân trong xã nhưng nguồn nước bị nhiễm vôi không sử dụng được, một số giếng vào mùa khô thì cạn kiệt. Trước đây người dân cũng hay sử dụng nước giọt, tuy nhiên nạn phá rừng làm cho nguồn nước này cũng khô cạn dần”.

Tương tự, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) cũng đang phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm vôi. Bà Lan-chủ quán cơm Lan Kỳ (làng Klăh) rất lo lắng khi nước giếng đào ở đây nấu sôi có nổi bợn trắng, vị mặn, chế nước trà thì thành màu đỏ do bị nhiễm vôi. “Vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe nên tôi chỉ dùng nước đóng bình để nấu nướng, ăn uống”-bà Lan cho biết. Những hộ đồng bào trên địa bàn xã cũng chỉ sử dụng nước giếng để tắm giặt, còn nước ăn uống hàng ngày được họ lấy từ những mạch ngầm tự đào gần suối. Có nhiều nhà cách xa dòng suối hàng cây số nhưng hàng ngày vẫn đều đặn hai lần đi lấy nước về sử dụng. “Mình chỉ dùng nước mạch ngầm này để ăn uống vì nó ngọt và trong hơn nước giếng”-bà Rơ Lan Blứ (làng Klăh) bày tỏ.

Nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn cũng là nỗi phiền muộn của không ít các hộ dân tại thị xã An Khê. Nhiều người dân ở đây cho biết, nước giếng khi bơm lên thường có màu đục, quần áo trắng giặt vài ba lần là ngả màu vì bị bám phèn. Mặc dù vậy, nhiều người dân vẫn cố gắng xử lý nước nhiễm phèn bằng cách hòa tan với vôi sống để lắng, lấy nước trong để sử dụng.

Ô nhiễm vi sinh vật cũng là dạng ô nhiễm thường gặp ở các giọt nước. Theo phong tục, tập quán, người địa phương chỉ thích dùng nước giọt. Làng Klũ (xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) mặc dù có đến 59/63 hộ có giếng song dân làng vẫn sử dụng nước giọt để ăn uống. Ông Rơ Lan Heo cho biết: “Mình vẫn hay dùng nước giọt trong sinh hoạt của gia đình. Nước giếng không ngon bằng và đến mùa khô thì cạn hết”. Mặc dù đã được xây dựng hệ thống lọc, tự chảy nhưng trên bề mặt nước không được che đậy là lớp lá, cành cây, rác xung quanh theo gió bay vào.

Nguy cơ ô nhiễm mạch nước ngầm đô thị

Ảnh: Phương Linh
Ảnh: Phương Linh


Dân số gia tăng, mật độ nhà cửa dày đặc, hệ thống cống rãnh nước thải, hầm rút chằng chịt trong lòng đất sẽ dẫn đến nỗi bất an về vấn đề đảm bảo vệ sinh cho mạch nước ngầm trong lòng đô thị. Trên địa bàn TP. Pleiku còn rất nhiều hộ dân chưa sử dụng nước máy mà vẫn sử dụng nước giếng đào để phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế thì khoảng cách giữa vị trí đặt hầm rút và giếng phải trên 10 mét mới có thể yên tâm nguồn nước không bị ô nhiễm.

Tuy nhiên điều này là rất khó khi nhà trong khu vực đô thị ngày càng trở nên san sát. Mặc dù vậy, nhiều gia đình vẫn cảm thấy khá hài lòng với chất lượng nước giếng mà gia đình mình đang sử dụng. Tuy vậy, những năm gần đây mạch nước ngầm tại khu vực các phường: Thắng Lợi, Diên Hồng, Ia Kring (TP. Pleiku) có biểu hiện nhiễm phèn, nhiễm dầu. Cũng theo kết quả quan trắc chất lượng nước ngầm trên địa bàn TP. Pleiku vào tháng 3 vừa qua của Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn-Pleiku, nước tại một số khu vực tại phường Diên Hồng bị nhiễm mangan, có nơi cao gấp 5 lần tiêu chuẩn cho phép. Ngoài ra, hơn 90% trong 26 mẫu nước có độ pH rất thấp.

Nguồn nước tại các khu công nghiệp, gần hồ xử lý nước thải của các công ty cao su cũng có nguy cơ bị ô nhiễm. Dòng sông Ba vốn là nơi cung cấp nước sạch cho nhân dân thị xã An Khê, song những năm gần đây nước sông trở nên đục ngầu do xung quanh các nhà máy đường, nhà máy MDF thi nhau xả thải. Nguồn nước sông bị ô nhiễm khiến nguồn nước sinh hoạt của người dân cũng bị ảnh hưởng theo. Mặc dù đã qua hệ thống lọc của Nhà máy nước thị xã An Khê nhưng nước khi tới nhà dân vẫn trong tình trạng đục, thậm chí có mùi tanh khó chịu. Trước tình trạng đó, nhiều hộ dân thị xã từ chối sử dụng nước máy được cung cấp. Ông Thọ (phường Tây Sơn, thị xã An Khê) cho hay: “Nước máy ở đây rất đục, cảm giác không được sạch, mà lại thất thường nên gia đình tôi chuyển sang dùng nước giếng cho đảm bảo”.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm