Phóng sự - Ký sự

Bài 1: Cảm xúc Tiền Giang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khác với cái nắng gió ràn rạt Tây Nguyên, miền Tây như cô gái quê nền nã, nhẹ nhàng trong chiếc khăn rằn truyền thống. Càng nhẩn nha nơi sông nước miền Tây, càng khám phá ra bao điều mới lạ, trong đó có những cái mới lạ đến không ngờ…
Từ TP. Hồ Chí Minh theo đường cao tốc chưa đầy một tiếng đồng hồ là đến TP. Mỹ Tho- thủ phủ của tỉnh Tiền Giang. Cách đây trên 330 năm những người Việt đầu tiên đã đặt chân đến đây, sau đó là chiến thắng Rạch Gầm- Xoài Mút vang vọng núi sông.
Chiến địa năm xưa…
Trong chuyến về Tiền Giang lần này, chúng tôi may mắn được các đồng nghiệp ở Báo Ấp Bắc đưa đến thăm khu di tích chiến thắng Rạch Gầm- Xoài Mút cách đây 225 năm, vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ đã lãnh đạo nhân dân đánh tan 5 vạn quân Xiêm.
Tượng đài Nguyễn Huệ- Khu di tích Rạch Gầm- Xoài Mút. Ảnh: Duy Lê
Bên bờ Tiền Giang sừng sững tượng đài Nguyễn Huệ tuốt gươm xung trận, bên trái là một chiến sĩ- nông dân đang chèo thuyền đưa đoàn quân lao vào lũ giặc cướp nước, bên phải là hình ảnh nghĩa quân Tây Sơn đang giương cung hướng về phía quân thù. Khu di tích là một quần thể đẹp. Không chỉ có vậy, ở đó hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật gắn liền với cuộc chiến đấu bảo vệ bờ cõi phía Nam của Tổ quốc cách đây hơn hai thế kỷ. Thuyền độc mộc, gươm, đoản đao, nồi đồng… có thể là của nghĩa quân Tây Sơn. Kế đó là những chiếc neo thuyền và đồ dùng của quân Xiêm vứt lại trên đường tháo chạy hoặc bị chôn vùi vĩnh viễn dưới đáy sông.
Đứng ở nơi này có thể hình dung được toàn bộ thế trận bao vây, đột kích mà vị tướng tài ba Nguyễn Huệ xác lập năm xưa. Đây là vàm Rạch Gầm, kia là rạch Xoài Mút, đôi bờ cây cối um tùm, giữa dòng là cù lao Thới Sơn… tất cả như chiếc bẫy khổng lồ đón chờ quân địch. Chưa phải là mùa nước nổi nên dòng sông khá phẳng lặng, lưa thưa những cánh lục bình trôi lững lờ về phía hạ lưu. Dòng sông hiền hòa nhưng chứa trong nó bao dấu ấn của lịch sử. Trong mênh mông nước, trời và gió, nghe đâu đây âm hưởng “Bạch Đằng giang phú” của Trương Hán Siêu; nghe đâu đây tiếng gươm chìm, giáo gãy; nghe đâu đây tiếng vọng của tiền nhân buổi đầu mở mang bờ cõi và chiến đấu bảo vệ non sông. Thật là:
Bần gie đóm đậu sáng ngời,
Ra tay một trận muôn đời uy danh  (Ca dao).
Thành phố bên bờ sông
Sông Tiền như ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Tiền Giang và tỉnh Bến Tre. Giữa dòng Tiền Giang nổi lên bốn cái cù lao (cồn) được tiền nhân ví như “tứ linh”: Long, Lân, Quy, Phụng. Bên này là TP. Mỹ Tho xinh đẹp soi mình xuống dòng sông, bên kia là TP. Bến Tre với cầu Hàm Luông đi vào lịch sử, cùng với phong trào Đồng Khởi năm 1960. Cách đây không lâu, muốn sang Bến Tre phải qua phà Rạch Miễu, nay đã hiện diện một cây cầu dây văng hiện đại hoàn toàn do cán bộ và công nhân Việt Nam thi công. Từ ngày có cây cầu này, cả Mỹ Tho lẫn Bến Tre như được tiếp sức. Riêng ngành công nghiệp và dịch vụ của Mỹ Tho có bước phát triển vượt bậc. Ngày càng nhiều nhà đầu tư tìm đến với Mỹ Tho.
Bên bờ sông Tiền. Ảnh: Duy Lê
Mỹ Tho là một trong những vùng đất lâu đời của miền Tây Nam bộ. Cách đây nhiều trăm năm nơi đây đã hình thành những khu dân cư sầm uất của người Việt. Theo thời gian, phù sa sông Tiền đã nuôi sống con người và đã hình thành nên nét văn hóa đặc trưng. Vượt lên trên cái nhộn nhịp, xô bồ của kinh tế thị trường là lối sống chân thật, trải lòng của cư dân sông nước.
Từ trung tâm thành phố chỉ cần vượt qua vài nhịp cầu là đến với đặc trưng văn hóa cù lao. Cù lao Thới Sơn (cù lao Lân) có diện tích lớn nhất trong nhóm “tứ linh”. Ngoài một ông “đạo Dừa” không lẫn vào đâu, đất cù lao là một vườn cây trái khổng lồ. Trong cái dịu ngọt của nắng gió phù sa, du khách có thể thả bộ trong vườn cây trái sum suê, chọn cho mình những loại trái cây ngon nhất và thả hồn theo làn điệu đờn ca tài tử… Nhờ nét đặc trưng này mà số khách du lịch, đặc biệt là người nước ngoài đến với đất cù lao ở Tiền Giang tăng nhanh hàng năm.
Thành phố Mỹ Tho về đêm càng trở nên lung linh. Phố phường rực rỡ trong ánh đèn, xa xa là những đảo ánh sáng lấp lánh, cầu Rạch Miễu như chiếc cầu vồng vắt qua dòng sông lững lờ trôi cùng với tàu, thuyền rẽ nước vươn xa…
Không khó khi muốn nghe đờn ca tài tử trên vùng đất Tiền Giang. Tuy không phải là quê hương của cụ Cao Văn Lầu, song đặc trưng văn hóa phi vật thể này vẫn được người Tiền Giang lưu giữ và phát triển. Một nhóm đờn ca tài tử trong một không gian tĩnh lặng cũng đủ lay động lòng người...
Duy Danh

Có thể bạn quan tâm