(GLO)- Những năm qua, xe công nông (còn gọi là xe máy kéo nhỏ, máy cày) được xem là phương tiện tối cần thiết đối với người nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. “Con trâu sắt” này không đơn thuần là tài sản, nông cụ, mà còn là phương tiện giao thông phổ biến. Chính điều đó đã tạo ra nhiều hệ lụy…
Công nông “là đầu cơ nghiệp”
Sáng sớm, tiếng khởi động máy chiếc xe công nông của gia đình anh Đưm (làng Groi 2, xã Glar, huyện Đak Đoa) đã vang lên phành phạch. Chả là sáng nay gia đình Đưm sẽ bón phân cho vườn cà phê cách nhà chừng 7-8 km. Khéo léo điều khiển chiếc xe chất đầy phân bón lách từ sân nhà ra cổng rồi bon bon trên đường làng, tiến thẳng ra vườn cây một cách khá tự tin, Đưm nói: “Từ ngày có xe công nông, việc làm nông của gia đình mình nhàn hẳn. Ngày trước phải dùng xe bò để chở phân bón hay nông sản mỗi khi thu hoạch vừa được ít vừa lâu, năng suất công việc rất thấp. Nếu bây giờ chỉ làm một ngày, hồi đó phải mất ít nhất là vài ba ngày”.
Xe công nông lưu thông trên quốc lộ 14. Ảnh: L.L |
Cách rẫy nhà Đưm không xa, rẫy nhà anh Plun (làng Dôr 2, xã Glar, huyện Đak Đoa) chiếc máy kéo được sử dụng như máy bơm nước. Plun cho biết: “Nếu không có máy này bơm nước tưới, mùa khô cà phê nhà mình chết mất. Sức người không thể múc từng thùng tưới cho vài ha. Cũng nhờ có máy bơm nước mà gia đình mình mới làm được một năm 2 vụ lúa, ngày trước thiếu nước chỉ làm có 1 vụ thôi”.
Không chỉ có chức năng vận chuyển, bơm nước tưới mà máy kéo nhỏ khi lắp thêm một số thiết bị khác còn có thể thực hiện việc gieo hạt, cày xới đất, làm cỏ, banh bồn cà phê... Thậm chí có nơi nông dân còn dùng để phun thuốc trừ sâu, phát điện hoặc lắp thêm các loại máy móc phụ kiện khác để xay xát bắp, tuốt lúa rất tiện lợi, giảm bớt phần nào lao động thủ công, nâng cao hiệu quả năng suất lao động…
Nói về tầm quan trọng của xe công nông, ông A Lưng-Chủ tịch UBND xã Glar (huyện Đak Đoa) phấn khởi cho biết: “Năm 1994 cả xã chỉ có 3 xe công nông thì nay hầu như nhà nào cũng có. Nhờ xe công nông mà bộ mặt kinh tế-xã hội của xã có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện…”.
Không khó để tìm ra những hộ làm ăn khấm khá tại xã Glar, trong đó có rất nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số giàu lên trông thấy. Anh Đưm-một hộ kinh tế khá chia sẻ: “Trước không có xe công nông, nhà mình chỉ dám làm 5-6 sào, nhưng nay làm cả ha cà phê; lúa nước sản xuất 2 vụ, nên thu nhập của gia đình tăng dần theo. Năm 2011, trừ chi phí cũng thu được trên 100 triệu đồng, gia đình đã sắm được xe máy và nhiều vật dụng đắt tiền khác”.
Hiện giá một chiếc xe công nông dao động khoảng vài chục triệu đồng, tùy vào nhu cầu các phụ kiện kèm theo. “Gia đình mình mới mua thêm một chiếc máy kéo hết 46 triệu đồng, máy mới chạy tốt và rất nhiều tính năng hiện đại”-anh Đưm khoe.
Sáng chủ nhật, gần cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, những chiếc công nông nối đuôi đậu san sát. Anh Plun (làng Dôr 2, xã Glar, huyện Đak Đoa) cho hay: Nếu trong làng có người ốm nằm bệnh viện thì cả làng cùng rủ nhau đi thăm. “Cũng biết chở nhiều người trên xe là nguy hiểm, vi phạm Luật Giao thông Đường bộ nhưng với số lớn như vậy bà con mình chỉ có thể đi bằng xe công nông, vì không phải gia đình nào cũng có xe máy để đi, nhất là phụ nữ, người già và các em nhỏ không biết đi xe máy mà quãng đường lại xa. Hơn nữa, đường đồi núi rất khó đi, đặc biệt mùa mưa may ra công nông mới đi được”-Plun chia sẻ. Theo tính toán của Plun, chi phí tiền dầu cả đi lẫn về đối với một xe máy kéo nhỏ chưa hết 50.000 đồng. Nếu mấy chục con người đều đi bằng xe máy thì tiền xăng phải tốn gấp chục lần (bình quân mỗi xe công nông chở được khoảng 15-20 người).
Hiểm họa từ xe công nông
Những năm qua, tình trạng xe công nông lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ xảy ra khá phổ biến. Điều đáng nói là ý thức chấp hành Luật Giao thông Đường bộ của người điều khiển rất kém. Hình ảnh những chiếc xe công nông chở hàng hóa cồng kềnh, quá tải, chở người sai quy định, chạy hết công suất, không còi, không đèn… Thậm chí, người điều khiển phương tiện đã sử dụng rượu bia không còn xa lạ trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ, đặc biệt là khu vực nông thôn. Đây cũng chính là những nguyên nhân gây nên các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Theo số liệu thống kê của Công an huyện Chư Pưh, chỉ trong 8 tháng năm 2011, trên địa bàn huyện đã có 5 vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe máy kéo nhỏ làm 3 người chết, 9 người bị thương. Nguyên nhân do các phương tiện lưu thông vào ban đêm không có đèn chiếu sáng, không có tín hiệu cảnh báo…
Mặc dù so với các phương tiện khác thì tỷ lệ các vụ tai nạn, va chạm giao thông liên quan đến xe công nông, xe độ chế chỉ chiếm hơn 1%. Tuy nhiên, phân tích tình hình thực tế thì đây là loại xe có tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông khá cao. Về kỹ thuật xe máy kéo rất khó điều khiển, nhiều thao tác phức tạp, khi gặp tình huống bất ngờ rất khó xử lý. Hơn nữa đa số phương tiện này đều lắp ráp thủ công, không đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, gây ô nhiễm môi trường, phá đường và rất nhiều hệ lụy khác kéo theo. Đó là chưa kể những hậu quả do tai nạn để lại rất nghiêm trọng, nhiều cái chết tức tưởi, rất thương tâm khiến dư luận xã hội bức xúc.
Lê Lan