(GLO)- Cùng một đơn vị hành chính cấp xã nhưng cơ cấu chuyên sâu, năng lực cán bộ, môi trường làm việc, chế độ phụ cấp… giữa xã và phường vẫn còn khoảng cách. Từ đó việc quản trị giữa chính quyền đô thị và nông thôn có độ “vênh” nên hiệu lực, hiệu quả quản lý chưa cao. Đây là bài toán cho cả công tác tinh giản 100.000 biên chế mà Bộ Nội vụ dự thảo đặt ra đối với các ngành, các cấp từ nay đến năm 2020.
Ngã ba Diệp Kính (TP. Pleiku). Ảnh: Nguyễn Giác |
Hiện nay chưa có một nghị định nào của Chính phủ phân biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Nhưng trong một số văn bản quy phạm pháp luật về đất đai, nhà ở, thuế... đã có sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn làm căn cứ tính thuế đất, nhà ở, giá trị sang nhượng tài sản. Theo quy định từ những văn bản này thì thành phố, thành phố thuộc tỉnh, quận, thị trấn, thị xã là đô thị; tỉnh, huyện, xã không phải là đô thị. Và như vậy, phường thuộc thị xã, quận, thành phố là đô thị. Hơn nữa, về mặt địa lý hành chính, cơ cấu tổ chức hoạt động, mật độ dân số, bố cục dân cư, mức thu nhập đầu người… chính là yếu tố để chính quyền phân cấp thành xã, phường, thị trấn. Với cách bố cục này cũng chỉ tương đối bởi vì nhiều vùng có thể điều kiện sinh hoạt, nhu cầu cuộc sống vẫn chưa thay đổi nhưng theo yêu cầu phát triển trong tương lai chỉ “sau một đêm” xã có thể nâng cấp lên thị trấn, xã có thể lên phường, huyện có thể lên thành phố…
Xét về cơ cấu hành chính thì xã, phường, thị trấn là một cấp tương đương. Nhưng trong thực tiễn và pháp lý thì giữa đô thị và nông thôn ít nhiều có khác nhau. Chẳng hạn, Chủ tịch UBND xã có quyền cho phép công dân xây dựng nhà ở riêng lẻ ở nông thôn trong vùng quy hoạch, Chủ tịch UBND phường không được phép (Nghị định 64/2012/NĐ-CP ngày 4-9-2012 của Chính phủ); xã có kiểm lâm viên địa bàn; phường có lực lượng Công an chính quy. Hơn nữa, xét về mặt cơ cấu xã hội thì nông thôn đơn giản hơn thành thị, điều đó đồng nghĩa ở đô thị mức độ phức tạp hơn nông thôn. Ví dụ, hệ thống và lưu lượng xe tham gia giao thông của xã Bờ Ngoong (huyện Chư Sê), Ia Nhin (huyện Chư Pah), Ia Sao (thị xã Ayun Pa)… khác nhiều với các phường Hoa Lư, Diên Hồng của TP. Pleiku. Ở nông thôn ít tình trạng lấn chiếm lòng lề đường giao thông, ít nhà hàng, khách sạn… Và như vậy, việc đăng ký tạm trú tạm vắng cũng đếm trên đầu ngón tay, trừ một số địa bàn gắn kết với các công trình xây dựng trọng điểm hoặc nơi đó đang là điểm khai thác tài nguyên khoáng sản. “Mật độ giao dịch của công dân tại UBND phường gấp hàng trăm lần tại UBND xã, chưa kể các nhiệm vụ khác liên quan đến an ninh trật tự, giao thông… nhưng định biên giữa phường, xã ngang nhau là bất hợp lý”-Chủ tịch UBND phường Hội Thương (TP. Pleiku) Hoàng Minh Nghĩa cho biết.
Theo KTS. Lê Văn Hà-Giám đốc Công ty cổ phần Kiến trúc và Đầu tư Xây dựng Diệu Hà (TP. Pleiku): “Đô thị hay nông thôn phụ thuộc vào bản chất cuộc sống của cộng đồng dân cư chứ chúng ta không thể hiểu đơn giản là thay đổi tên gọi hành chính mà được”. Thực tế cho thấy, việc thay đổi tên gọi hành chính hiện nay thường do chính quyền đi trước một bước bản chất của cuộc sống. Đôi khi là áp đặt nên chưa hợp lý.
Ngã ba vào thị xã Ayun Pa. Ảnh: Lê Văn Nhung |
Bởi vậy, nên cải cách và phân định thẩm quyền quản lý giữa đô thị và nông thôn để trách nhiệm hành chính đi vào cuộc sống thực sự có hiệu lực, hiệu quả thành một nguyên tắc luật lệ, chi phối bằng pháp luật.
Theo số liệu tổng hợp từ Phòng Nội vụ huyện Chư Pah, toàn huyện có 13 xã, 2 thị trấn; trong đó, cán bộ chuyên trách 158 người, công chức 149 người, những người làm việc không chuyên trách 265 người (cán bộ cấp phó ban ngành, đoàn thể…) và cán bộ thôn, làng, tổ dân phố 1.119 người. Về trình độ chuyên môn, công chức chuyên trách cấp xã: đại học có 75 người, cao đẳng 92 người, trung cấp 126 người và chưa qua đào tạo 14 người; đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã: đại học có 36 người, cao đẳng 69 người, trung cấp 104 người và chưa qua đào tạo 56 người. Tương tự, toàn huyện Ia Grai có 12 xã và 1 thị trấn với 143 cán bộ chuyên trách, 124 công chức, 217 cán bộ không chuyên trách và 1.500 cán bộ thôn, làng, tổ dân phố.
Qua trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Như Thảo-Chủ tịch UBND huyện Chư Pah thừa nhận, nhiều năm qua huyện đã có nhiều nỗ lực chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hai cấp, đặc biệt là cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã nhưng vẫn chưa đạt. Hiện tại huyện Chư Pah có những xã chưa đạt chuẩn như: Đak Tơ Ve, Chư Đăng Ya, Hà Tây, Ia Phí, Ia Mơ Nông… “Nhiều cán bộ do hạn chế trình độ nên khả năng nghiên cứu văn bản hạn chế, từ đó gặp không ít khó khăn trong việc triển khai công tác tại địa phương. Huyện cũng đã nỗ lực tạo điều kiện cho cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã được đi học và đào tạo dưới nhiều hình thức để chuẩn hóa”-ông Thảo chia sẻ.
Hầu hết lãnh đạo các xã, phường mà chúng tôi làm việc đều than thiếu biên chế hoặc không cần thiết tinh giản. Nhưng khi đề cập mật độ và số lượng giao dịch hàng ngày giữa công dân với chính quyền ai cũng thừa nhận UBND phường (hay tạm gọi chính quyền đô thị) vẫn lớn hơn nhiều so với UBND xã. Chủ tịch UBND phường Hoa Lư (TP. Pleiku) Trần Văn Phúc, cho biết: “Đơn vị có 11 cán bộ chuyên trách, 10 công chức và 12 bán chuyên trách. Hàng ngày, UBND phường giải quyết một khối lượng công việc khá nhiều, đặc biệt là bộ phận một cửa nên ít nhiều ảnh hưởng đến công tác chuyên môn khác. Hơn nữa, cán bộ Văn phòng UBND vừa đảm nhận công văn giấy tờ đi-đến vừa phụ trách công tác Văn phòng Đảng ủy là chưa hợp lý. Song, theo quy định hiện hành là đủ số lượng và đủ đáp ứng nhiệm vụ chuyên môn nên không nhất thiết tinh giản biên chế”. Tương tự, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Kong Dơng (huyện Mang Yang) Hoàng Bá Tuấn cũng cho rằng: “Bộ phận một cửa của UBND thị trấn trung bình mỗi ngày giao dịch 300-400 lượt người. Với số lượng này thì không thể tinh giản được và năng lực cán bộ ở đây đáp ứng 86-90% công việc”.
Hơn nữa, một điều ghi nhận chung là cán bộ lãnh đạo UBND cấp xã đều cho rằng hiện nay rất khó thu hút những người làm công tác bán chuyên trách. Nếu không có những người làm công tác bán chuyên trách thì rất khó cho một guồng máy chung của một cấp chính quyền.
Cho nên, đã đến lúc cần một cơ chế chính sách quản lý hành chính hợp lý, có chính sách đãi ngộ hợp lý giữa đô thị và nông thôn. Phải xem xét yếu tố địa lý, trình độ dân trí, điều kiện sống sinh hoạt khu vực để đặt ra thẩm quyền quản lý phù hợp chứ không thể áp dụng chung một kiểu quản lý tương đương.
Lê Văn Nhung