Bài 1: Nâng cao năng lực cán bộ cấp xã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chính quyền cấp xã có vai trò trực tiếp và quan trọng trong việc vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, chất lượng cán bộ cấp xã đang là vấn đề đáng quan tâm.

Chất lượng cán bộ xã chưa đồng đều

Những năm gần đây, hệ thống chính trị ở cấp xã không ngừng được củng cố và hoàn thiện, các tổ chức trong hệ thống chính trị được kiện toàn. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được đào tạo cơ bản, có trình độ chuyên môn.

 

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Ngoài ra, hàng năm UBND tỉnh tổ chức nhiều lớp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho hàng ngàn cán bộ, công chức, viên chức cấp xã; thể chế hóa các quy định lề lối, giờ giấc, phương pháp làm việc, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức để từng bước tạo mức độ hài lòng và thân thiện với yêu cầu phục vụ nhân dân. Đây là một trong những động lực cơ bản góp phần đáng kể để cải thiện nền hành chính công ở cấp xã.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nội vụ, đến nay toàn tỉnh có 4.434 cán bộ, công chức cấp xã đương nhiệm biên chế trên tổng số 1,3 triệu dân, trong đó có 561 người cao tuổi chưa qua đào tạo trình độ chuyên môn nghiệp vụ (dự kiến phải giải quyết chế độ chính sách 152 người). Đồng thời, số cán bộ cần đào tạo đạt chuẩn là 1.394 người và trên chuẩn là 1.012 người; số công chức cần đào tạo đạt chuẩn là 90 người và số cần đào tạo đạt trên chuẩn là 1.959 người.

Ngoài ra, theo kế hoạch từ năm 2013 đến 2020, số cán bộ cần đào tạo bồi dưỡng THPT là 1.300 người, chuyên môn nghiệp vụ là 1.484 người, quản lý nhà nước 1.995 người, lý luận chính trị là 1.613 người, tin học văn phòng là 2.588 người và tiếng địa phương là 2.867 người. Song song đó, số cán bộ, công chức cấp xã cần đào tạo, bồi dưỡng theo từng lĩnh vực là 11.847 lượt và phải bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ là 32.796 lượt người. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã đáp ứng cho nhu cầu chuyên môn nghiệp vụ dự kiến sẽ “ngốn” ngân sách trên 230 tỷ đồng.

Vẫn là bài toán khó

So với những năm về trước, lực lượng cán bộ, công chức cấp xã đã từng bước trẻ hóa, tỷ lệ cán bộ là những người hưu trí ứng cử ra làm cán bộ xã đã giảm và chất lượng chuyên môn được nâng lên rõ rệt. Song, hiện tại nhiệm vụ phân công một số vị trí chưa rõ ràng; chế độ, chính sách đãi ngộ chỉ ở chừng mực nhất định, không đủ để đảm bảo cuộc sống cho những người làm công tác tại xã trong khi đó, cùng một cấp chính quyền nhưng công việc lại chênh lệch quá lớn giữa phường và xã.

Theo Chủ tịch UBND phường Hội Thương (TP. Pleiku) Hoàng Minh Nghĩa cho biết: “Mật độ giao dịch của công dân tại UBND phường gấp hàng trăm lần tại UBND xã nhưng nhiệm vụ, định biên giữa phường, xã ngang nhau. Ngoài ra, theo hướng dẫn của Sở Nội vụ, cán bộ văn phòng UBND phường phải kiêm nhiệm luôn cả nhiệm vụ văn phòng Đảng ủy trong khi chức danh này phải đảm nhiệm từ thủ quỹ, khen thưởng, chi lương, đánh máy, văn thư lưu trữ cho đến bộ phận một cửa… là quá tải. Vậy, còn thời gian đâu để đảm nhiệm tại văn phòng Đảng ủy”.

Hiện nay, toàn tỉnh có 222/222 xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế “một cửa”. Tuy nhiên, về cơ sở vật chất mới chỉ có 144 trụ sở được xây dựng kiên cố, 78 trụ sở là nhà cấp 4; 90% xã, phường, thị trấn được trang bị máy tính, trang bị bàn ghế làm việc tương đối đầy đủ. Năng lực của cán bộ cấp xã (đặc biệt là cán bộ xã vùng sâu, vùng xa) luôn là vấn đề đáng quan tâm.

Theo ý kiến của một cán bộ Sở Nội vụ, nhiều cán bộ, công chức xã năng lực dưới mức chuẩn một phần do trước đây chưa có quy định rõ ràng về chuẩn cán bộ và chỉ xét đưa vào danh sách rồi định hướng để người dân tín nhiệm bầu, một phần hiện nay khó tuyển được người có năng lực. Hơn nữa, nhiều cán bộ, công chức cấp xã cập nhật văn bản quy phạm pháp luật quá chậm, không ít văn bản đã hết hiệu lực vẫn được áp dụng hoặc văn bản có hiệu lực thì không biết áp dụng, nhất là lĩnh vực địa chính, không có kiến thức tin học cơ bản, soạn thảo văn bản hành chính không đúng quy chuẩn; nhiều cán bộ công chức ở xã vùng sâu, vùng xa vi phạm giờ giấc làm việc, lề lối, tác phong làm việc luộm thuộm.

Năng lực đã kém nhưng giải quyết công việc của dân vẫn còn tình trạng kéo dài thời gian so với yêu cầu cải cách thủ tục hành chính. Đơn cử, mới đây tại phường Tây Sơn (TP. Pleiku), anh Ngô Huy Tịnh đi làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 25/14 Phạm Văn Đồng-TP. Pleiku. Dù đi năm lần bảy lượt, thủ tục đã đầy đủ nhưng cuối cùng hồ sơ vẫn bị “ngâm” hơn 1 năm và cuối cùng nằm trên bàn… Chủ tịch UBND phường. Giữa tháng 5-2013, khi tìm hiểu sự việc, bà Nguyễn Khoa Thị Kim Loan-Chủ tịch UBND phường đổ lỗi cho cán bộ địa chính nhưng cán bộ địa chính đã chứng minh đúng quy trình “một cửa” còn chờ chữ ký của Chủ tịch!

Để nâng cao năng lực cán bộ, công chức chính quyền cấp xã, chúng ta cần mạnh dạn thay thế cán bộ, công chức trì trệ, năng lực yếu, uy tín thấp. Đồng thời cần tiến hành đánh giá thực trạng theo từng nhóm chức danh và không nên thực hiện một cách máy móc mà phải đa mục tiêu, tùy theo nhiệm vụ mà tính toán thời gian, cách thức luân chuyển để làm cơ sở cho việc sắp xếp, bố trí, xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo sử dụng cán bộ. Bên cạnh đó, tỉnh cần có cơ chế ưu đãi để thu hút cán bộ trẻ có trình độ, chuyên ngành phù hợp về công tác tại địa phương.

Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm