Bài 1: Những tác nhân gây ô nhiễm môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ô nhiễm môi trường ở khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh, rác thải y tế đã và đang trở thành vấn đề bức xúc.
 

Nhìn từ các cơ sở y tế

Hiện trên địa bàn tỉnh ta có 19 bệnh viện, 14 phòng khám đa khoa và 222 trạm y tế. Khối lượng chất thải ước tính khoảng 2.058 tấn/năm, trong đó có 708 tấn rác thải nguy hại. Nước thải y tế trên 832 m3/ngày. Trong đó có 3 bệnh viện hệ thống xử lý rác thải y tế bị hỏng, 3 bệnh viện chưa đưa vào vận hành. Điều đáng quan tâm nhất là Bệnh viện Đa khoa tỉnh thuộc danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nhất.

Báo cáo mới đây của Tổng cục Môi trường về kiểm tra bảo vệ môi trường ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho thấy, tại đây còn 6/10 chỉ tiêu vượt tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Được đưa vào hoạt động từ năm 2001, với quy mô 600 giường bệnh nhưng số giường bệnh thực kê tại bệnh viện vào cuối năm 2011 tăng lên 819 giường. Năm 2008, Bệnh viện được ngân sách Trung ương hỗ trợ kinh phí để triển khai dự án “Đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn” với hệ thống xử lý nước thải hợp khối AAO (500 m3/ngày-đêm) và 2 lò đốt rác y tế nguy hại (25 kg/mẻ) được đưa vào sử dụng từ tháng 12-2010… Nhưng trong quá trình xử lý rác thải y tế nơi đây vẫn để vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

 

Rác thải y tế nguy hại chuẩn bị đưa vào lò đốt. Ảnh: Đ.Y
Rác thải y tế nguy hại chuẩn bị đưa vào lò đốt. Ảnh: Đ.Y

Nhiều năm qua, rác thải của Bệnh viện Đa khoa tỉnh khoảng 80 tấn/năm, dù đã được phân loại và giao cho Công ty TNHH một thành viên Công trình Đô thị vận chuyển, còn lại có khoảng 60 kg/tháng rác thải tái chế được bán cho cơ sở xay nhựa phế liệu, còn 3.000 kg/tháng rác thải y tế nguy hại được phân loại và đưa vào lò đốt. Tuy nhiên, trong quá trình thu gom rác thải y tế nguy hại, rác thải phát sinh cho đến ngày Tổng cục Môi trường về thanh-kiểm tra thì tại đây rác vẫn chưa được bệnh viện đựng trong các thùng mà để ngay dưới nền gạch cạnh lò đốt chất thải và trong quá trình vận hành lò đốt chất thải y tế phát sinh nhiều khói và mùi khó chịu làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường tự nhiên. Về nước thải của Bệnh viện, trung bình có khoảng 400 m3/ngày (nước thải sinh hoạt và nước thải từ quá trình khám-chữa bệnh) được thu gom và xử lý bằng hệ thống xử lý nước thải công suất 500 m3/ngày-đêm. Tuy nhiên, qua kiểm tra, trong hệ thống xử lý nước thải còn thiếu bể phơi bùn, tại cửa xả ra môi trường có 2 ống nước chảy tràn trong trường hợp hệ thống xử lý không vận hành. Điều đặc biệt quan tâm nữa là kết quả phân tích mẫu nước thải của Bệnh viện Đa khoa tỉnh sau khi xử lý trước khi thải vào hệ thống thoát nước chung của thành phố vượt 2,2 lần. Kết quả phân tích mẫu khí thải của Bệnh viện tại ống khói lò đốt chất thải y tế số 1, so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải lò đốt chất thải rắn y tế vượt 7,5 lần.  

Thực trạng nêu trên, Bộ Y tế đã liệt Bệnh viện Đa khoa tỉnh vào danh sách là đơn vị vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nghiêm trọng cần phải khắc phục ngay.

Đến các cơ sở sản xuất kinh doanh

“Toàn tỉnh hiện nay còn 11 cơ sở thuộc đối tượng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đó là Công ty cổ phần Xi măng Sông Đà Ia Ly, Công ty cổ phần Xi măng Gia Lai, Nhà máy tuyển quặng Hoàng Anh-Gia Lai, 3 nhà máy chế biến mủ cao su thuộc Công ty TNHH một thành viên Cao su Mang Yang, Công ty 72 và Công ty 75…”-ông Lê Trung Văn-Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Gia Lai thống kê.

Được biết, phần lớn các cơ sở sản xuất này đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải nhưng vẫn chưa đáp ứng đúng quy trình, còn để gây ô nhiễm môi trường trong quá trình xả thải. Lý giải về điều này, ông Văn cho biết: “Bởi vì các đơn vị vận hành đúng quy trình thì tốn kém nguyên-nhiên liệu; vì lợi nhuận trước mắt mà một số doanh nghiệp còn xả lén cả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý vào ban đêm”. Thậm chí ở ngay TP. Pleiku, Phòng Tài nguyên và Môi trường vừa kiểm tra 27 cơ sở sửa chữa ô tô, máy ủi chế biến cà phê bột, xay xát vỏ bao bì tái chế thành hạt nhựa phế liệu, sản xuất nhựa, gia công đá granite, chế biến phân vi sinh trên địa bàn thành phố… phát hiện có tới 14 cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Phòng đã lập danh sách đề nghị 14 cơ sở này vào Cụm Công nghiệp Diên Phú và có kinh phí hỗ trợ di dời. Nhưng hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh trên không muốn di dời với lý do không thuận lợi trong sản xuất, phải đầu tư lại quy trình sản xuất tốn kém.

Còn mức độ ô nhiễm môi trường của 14 doanh nghiệp đang hoạt động ở Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) cũng đang là vấn đề báo động. Mặc dù khu công nghiệp đã được quan tâm xây dựng hệ thống xử lý nước thải với tổng vốn 10,9 tỷ đồng nhưng qua sản xuất, rác thải công nghiệp phát sinh gây ô nhiễm môi trường, bụi trong không khí ở khu công nghiệp vượt bình thường 1,67 lần, sắt trong nước mặt vượt 1,22 lần.

Chưa hết, Gia Lai được “mệnh danh” là trung tâm năng lượng quốc gia, theo đó đã có 74 thủy điện đã được quy hoạch. Kết quả đã có 14 công trình được các doanh nghiệp đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành. Tuy nhiên, qua thống kê thì hầu hết các dự án thủy điện chưa thực hiện tốt các giải pháp giảm thiểu tác động môi tr ường, như: Thu dọn lòng hồ không đúng quy trình, chưa thực hiện giám sát môi trường định kỳ. Xét thấy sự tác động môi trường từ các dự án của thủy điện, sắp tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có đợt thanh tra về bảo vệ môi trường từ các thủy điện này trên địa bàn tỉnh ta.

Những báo động về môi trường ở các cơ sở y tế và các cơ sở sản xuất kinh doanh hầu như các cơ quan, ban ngành liên quan đã biết, đã kiểm tra. Tuy nhiên, khi không có đoàn kiểm tra thì tình hình xả lén, khói bụi từ các nhà máy lại bùng ra gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng xung quanh cuộc sống người dân.            

Đinh Yến-Kim Linh

Có thể bạn quan tâm