Phóng sự - Ký sự

Bài 1: Nỗi ám ảnh vô hình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Thuốc thư”-một hủ tục tồn tại dai dẳng trong cuộc sống ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số-đã và đang trở thành nỗi ám ảnh vô hình trong tâm thức của một bộ phận người dân.

Từ niềm tin mù quáng…

Hiện nay, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số vẫn quan niệm rằng, bên cạnh các đấng thần linh đem lại những điều tốt đẹp thì vẫn tồn tại những con ma rừng, quỷ dữ, những kẻ xấu bụng làm hại dân làng. Trong những điều xấu đó, “ma lai”, “thuốc thư” là nỗi ám ảnh kéo dài từ đời này qua đời khác. Dù chưa ai từng thấy, nhưng qua lời đồn thổi, nhiều người tin rằng, “ma lai” là một thứ không có hình thù cố định, vào ban đêm chuyên bay đi ăn nội tạng của người hay súc vật. Người nào có “ma lai” sẽ làm ra “thuốc thư” (một dạng như bùa, ngải). Người có “thuốc thư” có thể làm cho những ai mà họ không thích phải chết.

 

Cán bộ Công an huyện Kông Chro trong buổi phát động xóa bỏ hủ tục “ma lai”, “thuốc thư” tại làng Tnùng 2 (xã Ya Ma, huyện Kông Chro). Ảnh: H.V
Cán bộ Công an huyện Kông Chro trong buổi phát động xóa bỏ hủ tục “ma lai”, “thuốc thư” tại làng Tnùng 2 (xã Ya Ma, huyện Kông Chro). Ảnh: H.V

Từ niềm tin mù quáng đó, nhiều người trong lúc say rượu không làm chủ bản thân hoặc vì mục đích cá nhân cũng tự cho mình có “thuốc thư” để dọa dân làng. Người có biểu hiện lạ hoặc cách cư xử khác thường chốn đông người cũng bị dân làng nghi có “thuốc thư”. Đôi khi, những xích mích trong cuộc sống dẫn đến cãi vã rồi sau đó ngẫu nhiên người đó hoặc người thân của họ bị đau, chết cũng tạo ra tâm lý nghi ngờ bị “thư”… Với lý do gì, những vụ nghi “thuốc thư” cũng gây chia rẽ trong nhân dân. Người bị nghi có “thuốc thư” thường bị xa lánh, bị đánh đập xua đuổi ra khỏi làng, thậm chí mất mạng.

Đến những cái chết đau lòng

Cuối tháng 8-2015, vụ án giết người vì nghi có “thuốc thư” xảy ra ở buôn Djret (xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) gây xôn xao dư luận. Sự việc bắt nguồn từ chiều 24-8, trong bữa rượu đám ma một người dân trong buôn, ông Kpă Phu ngồi uống rượu với Nay Loang (SN 1990) và Nay Rim (SN 1968, cùng trú tại buôn Djret). Trong lúc uống rượu, ông Phu rót một chén mời Loang nhưng Loang đổ xuống đất vì sợ bị ông Phu bỏ “thuốc thư” (trước đó dân làng đã nghi ngờ ông Phu). Cho rằng Loang xem thường mình, ông Phu lớn tiếng trách móc và hai người xảy ra mâu thuẫn. Khi đó, ông Phu dọa: “Mày coi chừng chết đó!”. Nay Loang hỏi lại: “Anh đánh em à?”. Phu lẳng lặng uống rượu rồi nói: “Tao không đánh mày nhưng mày sẽ chết!”.

Câu nói của ông Phu đã ám ảnh Loang. Dù không biết hình thù “thuốc thư” như thế nào nhưng Nay Loang cho rằng ông Phu biết “thư” và nảy sinh ý định sát hại ông Phu. Tàn bữa rượu, Loang rủ ông Phu cùng Ksor Cheo ra cầu 73 (trên quốc lộ 25) để mua rượu về nhậu tiếp. Tại đây, Loang nhặt cục đá đánh nhiều cái vào đầu làm ông Phu chết tại chỗ. Loang dùng xe máy chở thi thể nạn nhân vứt xuống sông Ba để phi tang. Đến ngày 27-8, Công an huyện Krông Pa đã bắt giữ Nay Loang về hành vi giết người và Ksor Cheo về hành vi che giấu tội phạm.

Trước đó, một vụ án mạng kinh hoàng xuất phát từ nghi ngờ “thuốc thư” cũng xảy ra vào ngày 13-11-2014, tại làng Bồ 2, xã Ia Yok, huyện Ia Grai. Vào khoảng 20 giờ, trong lúc Rơ Châm Uyn (SN 1994), Siu Khoah (SN 1997) cùng một số người dân trong làng ngồi uống rượu tại khu vực nhà mồ của làng thì thấy ông A Pyum (SN 1973) nên Uyn và Khoah đuổi đánh ông Pyum vì nghi ngờ ông có “thuốc thư”. Khi đuổi đến quán tạp hóa gần làng, hai đối tượng bắt được ông Pyum và liên tiếp đấm đá vào người ông. Thấy vậy, Rơ Châm Thuy và Rơ Châm Sơn từ quán tạp hóa chạy ra cũng nhặt cây gậy tre đánh tới tấp vào người ông Pyum cho đến khi ông gục ngã. Sau đó, Uyn và Khoah kéo lê ông Pyum trên đường để về nhà của nạn nhân và cùng một số thanh niên khác tiếp tục dùng gậy đánh cho đến khi ông Pyum tử vong. Chưa chịu dừng lại ở đó, các đối tượng đã dùng gậy sắt đập phá nhà của nạn nhân rồi mới chịu bỏ đi.

Hạ Vy

Có thể bạn quan tâm