Phóng sự - Ký sự

Bài 1: Qua những vùng sạt lở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chưa bao giờ, bờ biển miền Trung lại phải đối mặt với tình trạng sạt lở nghiêm trọng như hiện nay, đặc biệt là sau mùa bão lũ năm 2017. Nếu không có giải pháp căn cơ, nhiều ngôi làng ở đây sẽ chìm hẳn xuống biển.

Biển xâm thực gây sạt lở ngày càng gay gắt khiến không ít ngôi làng trù phú tại miền Trung bị “ngoạm” mất nhiều diện tích đất. Thậm chí có làng đứng trước nguy cơ bị xóa sổ, dù hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước đã được rót xuống để cứu nguy theo phương án khẩn cấp, tạm thời như: đóng cọc tre, đắp bao cát, thậm chí xây dựng kè cứng bê tông, đá hộc... Nhưng không ít kè làm chưa xong đã bị sóng biển nhấn chìm hoặc đánh vỡ tan hoang.

 

Đống đổ nát tại bờ biển phía Nam làng Long Thủy (Phú Yên).
Đống đổ nát tại bờ biển phía Nam làng Long Thủy (Phú Yên).

Bỗng chốc... vô gia cư

Làng biển Thanh Minh thuộc xã Quảng Vinh (nay là phường Quảng Vinh, TP Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) hàng chục năm qua luôn phải đối phó với tình trạng biển “ngoạm” làng. Dấu tích rõ nhất là những hàng phi lao bị sóng đánh bật, những bức tường đổ vẫn còn.

Bà Lê Thị Thương, xóm 2 Thanh Minh, kể, cách đây khoảng chục năm, đất làng nằm ngoài khơi xa, cách bờ biển hôm nay chừng 300 - 400m, nhưng nay thì biển đã “ăn” sâu vào làng. Năm ngoái, có một số người đem tàu đến hút cát, đem ô tô chở cát đi nơi khác. Chính việc làm này khiến tình trạng sạt lở càng nghiêm trọng. Dân làng Thanh Minh tập trung phản đối, thậm chí mang cả hung khí ra dọa, nạn khai thác cát mới được vãn hồi.

Chỉ tay ra khơi xa, bà Nguyễn Thị Hiệp (69 tuổi, thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định) lo lắng: “Biển đã “ăn” mất nhiều đụn cát, bãi tắm đẹp của chúng tôi. Làng tôi ở giữa rừng dương, giờ biển đang “ăn” vào làng rồi. Lại càng ghê hơn khi chính quyền cho phép hút cát ngoài cửa biển. Những con tàu to đùng hút hết cát nên mới sạt lở ghê gớm như vậy. Dân la quá nên bỏ đi rồi, nhưng nghe đâu nó đang dự tính quay lại…”.

Ông Nguyễn Minh Mẫn, thôn Khê Tân, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi, nói: “Nhà chúng tôi ở sát biển, triều cường dâng có thể bị cuốn trôi bất cứ lúc nào. Đêm nằm trong giường mà run, như nằm giữa biển vậy”.

Từ cơn bão số 12 năm ngoái, triều cường đã tấn công khu vực bờ biển Cửa Đại, đoạn giáp xã Nghĩa An và xã Tịnh Khê để lại lổn ngổn những xác nhà, cây cối. Mọi nỗ lực cứu làng, cứu nhà đều như muối bỏ bể. Hơn 1.000m bờ biển vẫn đang tiếp tục sạt lở, biển đã ăn sâu hơn 300m vào làng.

Bao đời qua, nhà ông Huỳnh Thanh, thôn Thai Dương Hạ, xã Hải Dương, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế, muốn ra biển phải đi cả cây số đường làng, mỏi chân qua các động cát, rừng dương. Nhưng giờ, những đêm gió lộng, ông lại thao thức vì sóng biển ì oạp muốn “nuốt” nhà mình...

Trong khi đó, báo cáo của Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện địa phương có đến 6km bờ biển bị sạt lở nguy hiểm gây ảnh hưởng đến khu dân cư ven biển. Cùng với đó, tuyến đê biển xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh) dài hơn 14km, suốt tuyến đê xuất hiện hơn chục điểm sạt lở, mỗi điểm kéo dài 10-15m. Tình trạng xâm thực khiến bãi tắm Cửa Tùng được tôn là “Nữ hoàng bãi biển” có nguy cơ bị xóa sổ.

Ngược ra vùng bãi ngang huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), hàng ngàn hộ dân ở đây cũng đang phải gồng mình chống chọi để “giành giật” với biển. Đau đớn hơn, người dân tại xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch) phải tự tay đập bỏ nhà cũ, phá hàng rào, đem gạch đá đổ ra mép biển để cho… biển “ăn”.

Ngược vào phía Nam Trung bộ, dân làng sống ở khu vực ven biển thuộc phường Đức Long và thôn Tiến Đức, xã Tiến Thành (TP Phan Thiết, Bình Thuận), từ năm 2016 bỗng chốc trở thành… vô gia cư vì nhà cửa bị biển “ăn” mất. Có mặt cùng người dân nơi đây vào những ngày giữa tháng 3, chúng tôi chứng kiến bãi biển ngổn ngang “xác” nhà, cây cối xiêu vẹo, số khác bật gốc nằm trơ gan trên cát… Theo ghi nhận, đã có gần 100 căn nhà bị triều cường xô sập hoàn toàn, cả trăm căn nhà khác và cả tuyến đường Trần Lê (TP Phan Thiết) đang bị uy hiếp.

Resort, cảng tàu… kêu cứu

 

Đống đổ nát ngổn ngang tại bờ biển phía Nam làng Long Thủy (Phú Yên).
Đống đổ nát ngổn ngang tại bờ biển phía Nam làng Long Thủy (Phú Yên).

Bắt đầu từ ngày 9-3, ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, kết hợp với triều cường xâm thực mạnh đã khiến 10 resort nằm dọc bãi biển phường Hàm Tiến (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), nơi được mệnh danh là “thủ đô resort” của Việt Nam, bị ảnh hưởng nặng nề. Đã có nhiều nhà hàng, công trình phục vụ du lịch đã bị “xóa sổ”.

Ông Trịnh Đăng Thắng, đại diện resort Coco Beach, cho biết: “Hơn 20 năm qua, từ ngày resort được xây dựng, chúng tôi chưa chứng kiến tình trạng sạt lở như hiện giờ. Tình trạng biển xâm thực ngày càng khủng khiếp, đe dọa nghiêm trọng đến các khu resort ven biển”.

Tại bãi biển Mỹ Khê, TP Đà Nẵng từ cuối tháng 12-2017, hiện tượng sạt lở bắt đầu xảy ra. Đoạn ven biển từ phường Mân Thái (quận Sơn Trà) đến phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) đã có hàng chục km bờ biển bị sạt lở. Điểm sạt lở nặng nhất ngay bãi tắm Sao Biển 1 sâu hơn 1,5m rất nguy hiểm.

Trong khi đó, mức độ sạt lở tại Hội An (Quảng Nam) cũng ngày càng nặng với hơn 3km kéo dài từ Cửa Đại đến phường Cẩm An. Nguyên nhân do tác động của 2 yếu tố chính là hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino (khô hạn) dẫn tới sự xâm nhập mặn và bão lũ (mùa đông).

Người dân tại Xóm Rớ (khu phố 6, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa, Phú Yên) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại trận triều cường khiếp đảm, cách đây hơn 4 tháng. Chỉ sau 3 ngày, biển dữ đã “xóa sổ” nguyên một cảng đóng tàu với diện tích 10.000m2, nằm bên cửa biển Đà Diễn, gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Chưa dừng, biển đang muốn “ăn” luôn khu neo đậu tàu thuyền ở cảng cá Đông Tác. Trước mắt, tỉnh Phú Yên đã phải huy động phương tiện, nhân lực sử dụng trên 10.000m3 đá khẩn cấp gia cố bờ kè trước Xóm Rớ về phía Bắc, để ngăn triều cường công phá.

Bài toán ứng phó với sạt lở vẫn còn… chưa có lời giải. Người dân vẫn sống nơm nớp bên bờ sạt lở, hết kêu cứu rồi đến bỏ chạy khi biển “nổi giận”.

“Mùa biển động, chúng tôi cũng chỉ biết xuống tận nơi để vận động di dời người dân lên vùng cao hơn sống tạm, chờ khi biển ngớt cơn thì mới về lại. Dời rồi lại về, chứ di dời hẳn thì khó lắm!”, ông Đinh Thành Tiến, Chủ tịch UBND xã Cát Khánh (Phù Cát, Bình Định), nói.

Tương tự, từ hàng chục năm trước, chính quyền xã An Phú (TP Tuy Hòa, Phú Yên) dù đã có chủ trương cấp đất di dời dân phía Nam thôn Long Thủy lên cao hơn, nhưng mãi cho đến nay vẫn chưa thể dời được. Ông Hồ Văn Hiến cho biết: “Dù biển có gặm hết nhà cửa, đất đai thì cũng chịu. Chúng tôi vẫn phải ở lại vì nếu giờ vác rớ mành, thúng thuyền lên cao thì sống bằng nghề gì bây giờ!”.

Cứ bỏ chạy riết cũng không phải là kế sách hay, nên vào năm 2011, người dân và chính quyền xã Cảnh Dương (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) đã tự góp của, góp tiền mời các chuyên gia, nhà khoa học khảo sát, lập dự toán làm đê biển với kinh phí 80 tỷ đồng.

“Tuy nhiên, sức làng có hạn nên không thể làm được gì”, ông Phạm Đình Tiến, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương, lắc đầu.

Cùng thời điểm, một số công ty ở thôn Tiến Đức, trọng điểm sạt lở biển ở Bình Thuận, đã tự bỏ hơn 4 tỷ đồng để xây dựng công trình kè mềm túi vải dài 500m theo kỹ thuật công nghệ Hà Lan để ngăn sóng. Thế nhưng, công trình này cho đến nay đã trải qua 2 đơn vị thi công vẫn chưa hoàn thành vì gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, hàng loạt chủ khu resort nổi tiếng tại khu vực phường Hàm Tiến cũng đang loay hoay dằng co với biển bằng kè tạm, kè cát, cọc tre… càng đóng ủi, biển càng được đà công phá vào “thủ đô” resort.

Nhóm P.V/sggp

Có thể bạn quan tâm