Phóng sự - Ký sự

Bài 1: Thoát nghèo nhanh - nhìn từ Đam Rông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vận động nông dân thúc đẩy liên kết sản xuất, từng bước hình thành các vùng chuyên canh, khơi dậy tinh thần tự lực vươn lên từ chính những lợi thế, tiềm năng sẵn có là cách nhiều địa phương đang triển khai nhằm giảm tỷ lệ hộ nghèo.
Đam Rông (Lâm Đồng) là 1 trong số 61 huyện nghèo của cả nước được Chính phủ đầu tư theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP. Qua 12 năm triển khai, huyện Đam Rông có những bước tiến khởi sắc từ các dự án đầu tư và hỗ trợ. Người dân đã ý thức được trách nhiệm, không trông chờ, ỷ lại, nắm bắt được cơ hội để vươn lên thoát nghèo. Hiện nay, người dân huyện Đam Rông đã ý thức, trách nhiệm tự thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại của Nhà nước. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất theo hướng hàng hóa được đẩy mạnh tạo bước chuyển mới trên lĩnh vực giảm nghèo có tính bền vững.
Thay đổi nếp nghĩ, cách làm 

Mô hình trồng dâu nuôi tằm mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân huyện nghèo Đam Rông. Ảnh: P.V
Mô hình trồng dâu nuôi tằm mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân huyện nghèo Đam Rông. Ảnh: P.V

 
"Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục vận động người dân để làm căn cứ đầu tư hỗ trợ các chương trình giảm nghèo. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn khoảng 7%".
Ông Liên Hót Ha Hai
Với diện tích tự nhiên trên 87.000ha, dân số khoảng 51.165 người, phần lớn là đồng bào dân tộc: K'ho, M'nông, Mạ…, Đam Rông là 1 trong 61 huyện nghèo của cả nước và huyện 30a duy nhất của tỉnh Lâm Đồng. Để đời sống đồng bào dân tộc được cải thiện, những năm qua, các cấp chính quyền huyện Đam Rông đã tập trung mọi nguồn lực cho công tác xóa đói, giảm nghèo.
Trong 5 năm qua, huyện Đam Rông đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đồng bào hàng trăm tỷ đồng mở rộng sản xuất, hướng dẫn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Toàn huyện đã xây dựng và nhân rộng được 108 mô hình giảm nghèo, tiêu biểu là 2 cánh đồng mẫu lớn, 2 mô hình trồng nấm mèo, 27 mô hình nuôi dê bách thảo…
Đến nay, nhiều vùng chuyên canh nông sản hàng hóa dần hình thành như: Vùng trồng chuối La Ba, cây ăn quả tại các xã: Đạ K'Nàng, Liêng S'Rônh, Đạ R'sal…; vùng trồng dâu nuôi tằm ở Đạ Long, Đạ Tông, Đạ M'rông; vùng rau công nghệ cao ở Đạ K'Nàng, Phi Liêng; vùng nuôi cá tầm ở xã xã Rô Men, Ðạ Tông, Liêng S'rônh…
Đến thăm nhà chị Móc K' Đen, xã Đạ M'Rông, huyện Đam Rông, không khó để nhận ra sự thay đổi toàn diện từ nếp nghĩ đến cách làm kinh tế. Từ những khu ruộng trồng ngô kém hiệu quả, với sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, thông qua nguồn vốn 30A của Chính phủ giảm nghèo nhanh và bền vững, chị đã quyết tâm lựa chọn cây dâu, con tằm làm mũi nhọn kinh tế để thoát nghèo.
Nhờ đó, cuộc sống của gia đình chị Móc K'Đen đã có những bước khởi sắc rõ rệt, kinh tế ổn định, con cái được đến trường. Với trên 40ha trồng cây dâu, xã Đạ M'rông hiện có diện tích trồng dâu lớn nhất huyện. Toàn xã có 103 hộ tham gia trồng dâu và 35 hộ nuôi tằm lấy kén, trung bình mỗi năm thu nhập hơn 100 triệu đồng/hộ, cao gấp 4 - 5 lần so với trồng ngô. Năm 2016, Đạ M'rông còn 41,1% hộ nghèo thì đến nay chỉ còn 24,76%.

Mô hình nuôi cá tầm tại thôn 2, xã Rô Men của ông Huỳnh Ngọc Thu mở ra một hướng đi mới cho người dân tại địa phương. Ảnh: P.V
Mô hình nuôi cá tầm tại thôn 2, xã Rô Men của ông Huỳnh Ngọc Thu mở ra một hướng đi mới cho người dân tại địa phương. Ảnh: P.V
Toàn huyện Đam Rông có:
* Có 468 hộ đăng ký thoát nghèo.
* Có 6/8 xã thoát khỏi xã khu vực III.
* 26/53 thôn thoát khỏi thôn đặc biệt khó khăn.
* Ước đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo
toàn huyện giảm còn khoảng 7%.
Giống gia đình chị Móc K'Đen, nhiều năm loay hoay với cuộc sống thiếu thốn, bữa đói, bữa no đã khiến anh Cil Ha KRông, thôn 3 (xã Liêng S'rônh, huyện Đam Rông) càng quyết tâm để thay đổi cuộc sống trên mảnh đất nghèo.
Sau một thời gian tìm hiểu mô hình, năm 2012, anh quyết đầu tư 1ha cà phê ghép chất lượng cao. Nhờ chăm chỉ lao động, tự giác tìm tòi học hỏi và mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên diện tích cà phê của gia đình anh phát triển khá tốt, cho nguồn thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng/năm.
"Trước mắt, mình làm tấm gương cho chính mình, mình cố gắng làm sao để xây dựng trong gia đình mình có cơm ăn, áo mặc. Đến bây giờ, bà con đã biết cách làm và có cơm ăn, áo mặc, con em được học hành đến nơi, đến chốn" - anh Cil Ha KRông chia sẻ.
Chỉ vài năm mạnh dạn thực hiện đầu tư, xây dựng mô hình nuôi cá tầm siberi, nhiều nông dân tại các xã Rô Men, Ðạ Tông, Liêng S'rônh đã giàu lên trông thấy, trở thành tỷ phú. Sau mỗi vụ cá tầm đi qua lại có thêm nhiều ngôi nhà mới khang trang mọc lên…
Với 1ha đất tại thôn 2, xã Rô Men, ông Huỳnh Ngọc Thu đã xây dựng 70 hồ nuôi cá tầm, sản lượng loài cá "quý tộc" này hàng năm lên đến hàng trăm tấn, mang lại doanh thu nhiều tỷ đồng. Mô hình nuôi cá tầm của ông Thu mở ra một hướng đi mới cho người dân tại địa phương. Từ vài mô hình ban đầu, đến nay đã có 5 doanh nghiệp và hơn 50 hộ dân đầu tư nuôi cá tầm với tổng diện tích trên 4ha, chủ yếu tại các xã Đạ Tông, Liêng S'rônh và xã Rô Men, sản lượng lên đến vài trăm tấn cá thương phẩm/năm.
Đam Rông phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo
Trao đổi với phóng viên về công tác giảm nghèo của địa phương, ông Liêng Hót Ha Hai - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông cho biết, từ sự vận động và ý thức tự giác của người dân, toàn huyện đã có 468 hộ đăng ký thoát nghèo (chiếm 28,17% trên tổng số hộ nghèo năm 2020).
Theo ông Liên Hót Ha Hai, mặc dù là năm khó khăn bởi dịch Covid-19 và nguồn vốn sự nghiệp của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2020 mới được phân bổ nhưng địa phương đã tích cực triển khai thực hiện từ đầu năm.
Về kết quả giảm nghèo bền vững, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Lâm Đồng cho hay, trong năm 2020, địa phương đặt ra mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm còn dưới 1,9%, riêng đồng bào dân tộc thiểu số còn dưới 4,8%. Đặc biệt, huyện Đam Rông sẽ thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ.
Ngoài ra, Lâm Đồng sẽ tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo để cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo. Bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo của tỉnh đến cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015.
Đến nay, trên địa bàn huyện Đam Rông đã có 6/8 xã thoát khỏi xã khu vực III, 26/53 thôn thoát khỏi thôn đặc biệt khó khăn. Kết quả giảm nghèo vượt mục tiêu đề ra, từ trên 37,11% của năm 2016 xuống còn 7% vào cuối năm 2020, giảm 30,11%, bình quân mỗi năm giảm 6,02% - vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đam Rông lần thứ III đề ra.
Văn Long - Khương Lực (Dân việt)
https://danviet.vn/khoi-day-tinh-than-vuon-len-thoat-ngheo-thoat-ngheo-nhanh-nhin-tu-dam-rong-2020112416303153.htm

Có thể bạn quan tâm