Bài 2: Cần sự chung tay của chính quyền các cấp và người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vấn đề ô nhiễm môi trường nông thôn đang là một thách thức lớn trong công tác bảo vệ môi trường cũng như sự phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội của Gia Lai. Bởi vậy, bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường cho người dân thì các ngành chức năng và các cấp chính quyền vẫn đang loay hoay tìm giải pháp cho việc giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra ở các vùng nông thôn.

Ảnh: Trần Dung
Ảnh: Trần Dung

Trông chờ vào ý thức của người dân

Cho đến nay, chất thải sinh hoạt trên địa bàn nông thôn của tỉnh chỉ được xử lý bằng cách thu gom, đổ vào các bãi rác lộ thiên. Toàn tỉnh có 1 bãi rác tại TP. Pleiku, được xây dựng với một ô chôn lấp và đi vào hoạt động từ đầu năm 2011; 1 bãi rác tại thị xã An Khê đang triển khai công tác đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải; 1 bãi rác tại huyện Chư Sê được doanh nghiệp tư nhân đầu tư thu gom và sản xuất phân vi sinh. Còn lại, hầu hết đều là các bãi rác lộ thiên, tự phát, chưa được đầu tư, xử lý đúng quy trình.

Trong khi chờ các cơ quan chức năng có giải pháp xử lý nguồn rác thải sinh hoạt đang tràn ngập khắp các vùng nông thôn thì người dân phải tự mình nâng cao ý thức tự giác và chấp hành tốt các quy định về xử lý rác thải: đổ rác đúng nơi quy định, hạn chế tối đa việc sử dụng túi nilon, chôn lấp hay đốt phải đảm bảo kỹ thuật. Các cấp chính quyền, đơn vị vẫn phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức về việc giữ gìn bảo vệ môi trường cho nhân dân. Theo định kỳ, tổ chức cho người dân ký cam kết bảo vệ môi trường, làm vệ sinh, khai thông cống rãnh trong khu dân cư.
 

Người dân ở xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah thực hiện tốt mô hình “Nông dân thu gom, phân loại rác thải và bảo vệ môi trường nông thôn”. Ảnh: Trần Dung
Người dân ở xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah thực hiện tốt mô hình “Nông dân thu gom, phân loại rác thải và bảo vệ môi trường nông thôn”. Ảnh: Trần Dung

Điển hình trong công tác thu gom, xử lý rác thải nông thôn, người dân ở xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah (Gia Lai), gần 2 năm nay đã xây dựng và thực hiện nghiêm túc mô hình “Nông dân thu gom, phân loại rác thải và bảo vệ môi trường nông thôn”. “Từ dự án của Hội Nông dân Việt Nam, nhân dân trong xã đã mua mỗi gia đình một sọt rác, ký hợp đồng với Công ty Môi trường huyện Chư Pah đưa xe thu gom, vận chuyển rác đều đặn 2 lần/ tuần. Tiến hành xây dựng 4  câu lạc bộ và 30 tổ tự quản để mô hình phát huy hiệu quả. Qua mô hình này, người dân đã biết ý thức hơn trong nhiệm vụ bảo vệ môi trường nông thôn”-ông Quản Văn Dựng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng chia sẻ.

Loay hoay tìm giải pháp

Thực trạng rác thải nông thôn đã được nhiều địa phương trong tỉnh tìm hướng giải quyết nhưng không phải dễ. Bởi vậy, giải pháp hữu hiệu cho việc xử lý rác thải nông thôn ở Gia Lai vẫn đang bị bỏ ngỏ. Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Hương-Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh cho biết: Mỗi ngày tại các vùng nông thôn thải ra một lượng rác sinh hoạt khá lớn. Mặc dù đất rộng nhưng thực tế là các địa phương lại không quy hoạch được các bãi rác tập trung, không quy định chỗ tập trung rác, không có người và phương tiện chuyên chở rác do vậy mỗi hộ gia đình phải tự xử lý rác thải của nhà mình. Vấn đề khó khăn nhất hiện nay là thiếu kinh phí xây dựng bãi đổ rác và khi có bãi đổ rác rồi thì việc tìm ra một phương pháp xử lý phù hợp với điều kiện của địa phương cũng gặp khó khăn. Hơn nữa, bây giờ chỉ mong vào sự thay đổi ý thức của người dân và cách làm hay từ địa phương.
 

Để môi trường nông thôn sạch đẹp vẫn phải trông chờ vào ý thức của người dân .Ảnh: Trần Dung
Để môi trường nông thôn sạch đẹp vẫn phải trông chờ vào ý thức của người dân. Ảnh: Trần Dung

Phần lớn các bãi chôn lấp rác thải ở tỉnh ta vẫn là bãi lộ thiên, tự phát và không có các biện pháp kiểm soát ô nhiễm. Nhiều bãi đổ rác thải đều tập trung ở gần khu vực đông dân, gây ô nhiễm môi trường tại khu dân cư, thậm chí có nhiều bãi đổ rác được đặt ngay sát những dòng suối. Sau một thời gian dài tồn tại, những bãi rác này trở thành mối nguy hại đối với sức khỏe người dân vùng lân cận. Chị Nguyễn Thị Bảo Thư-Chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Prông nhìn nhận: “Công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện cũng phát sinh nhiều bất cập. Để giải quyết những nơi có lượng rác thải tràn lan, chúng tôi đã chủ động xin những bãi đất trống của địa phương, sử dụng nguồn vốn đầu tư cho sự nghiệp môi trường của tỉnh để đào hố chôn lấp rác tạm thời. Mặc dù các địa phương đều nằm trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đều đã có quy hoạch cho các bãi chôn lấp nhưng đến bây giờ vẫn chưa có kinh phí để thực hiện”.

Để hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chính quyền các cấp đã và đang có nhiều cố gắng, nỗ lực hoàn thành các tiêu chí. Tuy nhiên, việc thực hiện tiêu chí về môi trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi có sự quan tâm, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của chính quyền các cấp và  sự chung tay của người dân.

Trần Dung

Có thể bạn quan tâm